Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý dân cư

Thứ Sáu, 23/04/2021, 15:36
Ngày 23/4, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết đề án đơn giản thủ tục hành chính giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 (Đề án 896). 


Đồng chí Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án 896 chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại Hà Nội có đại diện các bộ, ngành và các thành viên Ban Chỉ đạo Đề án 896. Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đại diện lãnh đạo Bộ Công an dự, điều hành phiên thảo luận. Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đề án có ý nghĩa quyết định trong xây dựng Chính phủ điện tử

Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình cho biết, sự ra đời của Đề án 896 đã tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thông lệ quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; phục vụ quản lý Nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân; giảm giấy tờ công dân, đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại các bộ, ngành, địa phương, tiến tới xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam. 

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình phát biểu tại hội nghị.

Xác định đây là một đề án lớn có ý nghĩa quyết định trong xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực không ngừng, cố gắng từng giây, từng phút, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ của đề án với tinh thần quyết tâm, không ngại khó khăn, thách thức, đã đi đến ngày thắng lợi. 

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án 896, để tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại đề án, Văn phòng Ban Chỉ đạo khẩn trương tiến hành rà soát danh sách thành viên Ban Chỉ đạo, Văn phòng Ban Chỉ đạo và báo cáo đề xuất đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo 896 ban hành Quyết định về phê duyệt Danh sách thành viên Ban Chỉ đạo, Văn phòng Ban Chỉ đạo gồm các thành viên là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc điều hành tham luận.

Trong suốt quá trình thực hiện đề án, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức tốt công tác truyền thông về đề án; thường xuyên họp Ban Chỉ đạo đề án; hàng năm ban hành nhiều Kế hoạch thực hiện đề án theo các nhiệm vụ được giao; hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc cấp số định danh cá nhân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tiến hành hệ thống hoá các thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư, đã tham mưu trình Chính phủ ban hành 19 Nghị quyết về việc đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý của các bộ, ngành…

“Qua Hội nghị tổng kết này, chúng ta nhìn nhận, đánh giá lại quá trình thực hiện Đề án 896, khẳng định những kết quả quan trọng đã đạt được; biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc; rút ra những bài học kinh nghiệm, đồng thời tiếp tục chỉ đạo, thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý dân cư theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho công dân và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực”- Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Bộ Công an lồng ghép 2 dự án, tiết kiệm 1.300 tỷ cho ngân sách

Báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả thực hiện đề án 896 giai đoạn 2013-2020 của Bộ Công an cho biết, Bộ Công an xác định Đề án 896 tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại. Những nội dung của Đề án 896 là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ xem xét trong quá trình thông qua Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và dự án Sản xuất, cấp và quản lý CCCD. 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình trao Bằng khen tặng các tập thể có thành tích xuất sắc.

Bộ Công an xác định việc thực hiện 2 Dự án là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của toàn lực lượng nên đã tập trung chỉ đạo quyết liệt với lộ trình và nước đi cụ thể kèm theo các mốc thời gian phải hoàn thành tính theo từng ngày, với phương châm chỉ đạo xuyên suốt là phải đảm bảo hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, tránh lãng phí; đồng thời, với tinh thần vừa chạy vừa xếp hàng để hoàn thành 2 dự án trước 1/72021. 

Đến nay, về cơ bản, nhiệm vụ xây dựng dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp CCCD cơ bản đã hoàn thành đúng tiến độ. Đến ngày 5/3/2021, đã thu thập được 86.603.192 phiếu DC01 của 59/53 địa phương; tiến hành chuyển đổi, đồng bộ dữ liệu của 4 địa phương là Hà Nội, Hải Phòng, Tây Ninh, Cần Thơ đã có sẵn là 11.204.794 phiếu DC01 (đạt 99,06%). Bộ Công an đã hướng dẫn, chỉ đạo Công an các đoạ phương tổ chức 6.000 lượt kiểm tra, phúc tra đảm bảo dữ liệu thông tin dân cư “đúng, đủ, sạch, sống. Đặc biệt, nhờ có sự lồng ghép 2 dự án, qua đó đã giảm so với dự toán đã được phê duyệt khoảng 1.300 tỷ đồng mà vẫn đảm bảo hiệu quả, tiến độ đề ra.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình trao Bằng khen của tặng các cá nhân có thành tích xuất sắc

Bộ Công an đã chỉ đạo cải cách tối đa thủ tục cấp căn cước cho công dân, theo đó, người dân không phải kê khai bất cứ loại giấy tờ gì khi làm thủ tục, tiết kiệm thời gian, công sức rất lớn. Trong thời gian từ 1/3/2021 đến nay, toàn quốc đã thu nhận trên 30 triệu hồ sơ cấp CCCD gắn chíp điện tử, dự kiến đến 1/7/2021 cấp 50 triệu thẻ CCCD gắn chíp điện tử phục vụ giapo dịch của nhân dân. Đây chính là cốt lõi để cải cách hành chính, giảm giấy tờ công dân.

Về cấp số định danh cá nhân, Bộ Công an phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai cấp số định danh cá nhân ch trẻ em đăng ký khai sinh từ 1/1/2016. Tính đến hết 24/3/2014, hệ thống của Bộ Tư pháp đã đã cấp gần 5,5 triệu số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh là công dân Việt Nam.

Tại hội nghị, dưới sự điều hành của Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, 7 bộ, ngành, địa phương đã tham luận về quá trình thực hiện Đề án, công tác thu thập dữ liệu dân cư; vai trò Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư trong chia sẻ thông tin trực tuyến giải quyết thủ tục hành chính; kết nối, khai thác thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính… 

Các ý kiến đều đánh giá cao sự nỗ lực vượt bậc của Bộ Công an trong việc thu thập dữ liệu Quốc gia về dân cư và cấp CCCD; đặc biệt, các dữ liệu lực lượng Công an thu thập được  phục vụ hiệu quả cho cải cách hành chính, phát triển kinh tế.

Quan tâm thực chất việc kết nối, liên thông

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ  cho biết, việc triển khai mô hình Công an chính quy tại xã bảo đảm thu thập, bổ sung, cập nhật thông tin dân cư hàng ngày ngay từ địa bàn cơ sở. Đến nay, các nhiệm vụ của Đề án 896 đã hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra, quá trình triển khai thực hiện Đề án đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý dân cư, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số. 

“Bộ Công an đã chủ động, tích cực tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nhiều nội dung công việc phục vụ triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như: Đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và nguồn vốn dự án; rà soát, cắt giảm từ các dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân trong giai đoạn 2018 - 2020 để bố trí một phần vốn cho dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Bộ Công an cũng như Ban Chỉ đạo 896 địa phương đã chủ động, quyết liệt chỉ đạo Công an các cấp hoàn thành việc thu thập thông tin dân, tiến hành quét phiếu thu thập thông tin dân cư và cấp số định danh cá nhân tại các địa phương” – Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh, đồng thời khẳng định việc kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu chuyên ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải quan tâm thực chất - yêu cầu này là trách nhiệm của các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các địa phương phải chỉ đạo quyết liệt, phối hợp với Bộ Công an thực hiện có hiệu quả, vì mục đích nhân dân để phục vụ.

Để hoàn thành việc xây dựng Chính phủ điện tử trong thời gian tiếp theo, đồng chí yêu cầu Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện thực hiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, bảo đảm dữ liệu chính xác, minh bạch, thống nhất; bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu.

Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan; đẩy nhanh quá trình kết nối với các bộ, ngành, địa phương góp phần quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, hướng tới xây dựng kinh tế số, xã hội số. Hoàn thành, mở rộng việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định để chia sẻ cho các bộ, ngành, địa phương khai thác, sử dụng trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính (về xác thực thông tin người dùng, hỗ trợ cung cấp, kiểm tra thông tin công dân ...).

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong thực hiện các thủ tục liên quan đến quản lý dân cư, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công của Bộ Công an. Tăng cường mạnh mẽ kết nối, liên thông, tương tác và cung cấp các dịch vụ công một cách có hiệu quả giữa Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan quản lý hành chính các cấp; tổ chức chính trị, xã hội liên quan.

“Các bộ, ngành Trung ương và các địa phương cần tiếp tục tích cực đồng hành cùng với Bộ Công an trong quá trình triển khai 2 dự án, bảo đảm sự đồng bộ, kết nối trong xây dựng Chính phủ điện tử” – Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh và yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử, trình Chính phủ xem xét ban hành trong quý II năm 2021 để tạo hành lang pháp lý cho vấn đề danh tính số. 

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để phổ cập danh tính số cho mọi người dân, tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế số, xã hội số. Có trách nhiệm phối hợp, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị các điều kiện, hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn ứng dụng công nghệ thông tin để đảm bảo kết nối liên thông giữa các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Phó Thủ tướng Thường trực giao Bộ Tư pháp khẩn trương hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đảm bảo thống nhất và phục vụ kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc xác định hộ tịch đối với các trường hợp đặc biệt.

Yêu cầu các Bộ, ngành bám sát tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dể ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phương án đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý của bộ, ngành mình; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các giao dịch dân sự, kinh tế. Đồng thời khẩn trương nghiên cứu, triển khai các ứng dụng để tích hợp vào chíp điện tử trên Thẻ căn cước công dân, góp phần thực hiện quản lý ngành, lĩnh vực được phân công…

Tại hội nghị, ban tổ chức đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Đại diện Văn phòng Chính phủ, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho biết, Đề án 896 được thực hiện làm 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 2, khi chuyển sang Bộ Công an làm Thường trực, mặc dù thời gian rất ngắn, nhiều công việc nhưng với quyết tâm rất cao của đồng chí Bộ trưởng và toàn lực lượng CAND, CBCS Công an đã cấp CCCD cho hơn 50 triệu người. Thông qua giải quyết thủ tục hành chính đã cập nhật dữ liệu đúng, đủ sạch, phục vụ cải cách hành chính, đặc biệt là là các dữ liệu của Bộ Công an đã được kết nối liên thông với Cổng dịch vụ Công quốc gia, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Lai Châu tham luận, hiện nay trên địa bàn đã thu thập được 99,9% dữ liệu Quốc ga về dân cư. Đây là sự nỗ lực vượt bậc của lực lượng Công an vì địa bàn rộng, rừng núi, người dân ở thưa thớt. Đặc biệt, có 1 số lượng không nhỏ người dân di cư tự do và vượt biên trái phép ra nước ngoài làm ăn nên việc thu thập dữ liệu dân cư đối với họ rất khó khăn. Không chỉ thế, còn một bộ phận đồng bào chưa nhận thức vị trí, vai trò, tầm quan trọng của dữ liệu dân cư nên thiếu hợp tác, không cung cấp dữ liệu; một số công dân lớn tuổi không nhớ năm sinh, thậm chí cả tên khai sinh của bố mẹ. Đặc biệt, 1 số đối tượng cực đoan, chống đối đã kích động đồng bào không cung cấp thông tin cho Công an…

Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh đã chủ công tuyên truyền vận động nhân dân, phát huy vai trò nòng cốt của các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở, bố trí người địa phương có uy tín tại địa bàn; nêu cao vai trò già làng, trưởng bản để vận động người dân cung cấp thông tin; kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn những đối tượng tuyên truyền sai đường lối, chính sách, nêu cao tinh thần đại đoàn kết; thống nhất trao đổi thông tin giữa Công an với Tư pháp trong việc điều chỉnh nhanh, chính xác thông tin trước khi đưa vào dữ liệu; phát triển kinh tế để đồng bào yên tâm sản xuất, không di cư, vượt biên trái phép…Nhờ đó, việc thu thập dữ liệu dân cư đã đảm bảo tiến độ đề ra.


Phương Thuỷ
.
.
.