Quản lý dân cư theo định danh cá nhân, duy trì điều kiện đăng ký thường trú

Thứ Bảy, 23/05/2020, 11:08
Sáng 23/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV, Quốc hội đã nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật Cư trú (sửa đổi).


Trình bày báo thẩm tra dự án Luật Cư trú (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội (UBPL) tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cư trú để tiếp tục thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do cư trú của công dân, tạo hành lang pháp lý bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân; đồng thời, tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong quản lý cư trú, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân trong việc thực hiện quyền tự do cư trú.

Nhất trí quản lý dân cư theo số định danh cá nhân

Chủ nhiệm UBPL cho biết, Uỷ ban nhất trí với việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân thông qua số định danh cá nhân được cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ; đề nghị Chính phủ cần có giải pháp cụ thể để khắc phục các khó khăn, bảo đảm hoàn thành việc cấp số định danh cá nhân cho gần 80 triệu công dân còn lại theo đúng tiến độ đề ra.

Về nền tảng công nghệ để vận hành phương thức quản lý cư trú mới là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu về cư trú, UBPL đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt, nhất là bảo đảm việc bố trí đủ vốn cho dự án xây dựng các cơ sở dữ liệu này.

Chủ nhiệm UBPL Hoàng Thanh Tùng cho biết,  khi chuyển đổi sang phương thức quản lý cư trú thông qua số định danh cá nhân, bỏ Sổ hộ khẩu sẽ tác động, ảnh hưởng lớn tới các quy định về giấy tờ công dân trong nhiều thủ tục hành chính hiện hành, tác động tới các chính sách, quy định về hộ gia đình cũng như việc xác định quan hệ nhân thân để hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ công dân, vì việc chứng minh quan hệ hộ gia đình và nhân thân hiện đang chủ yếu dựa vào Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú. 

Các thủ tục này đang được quy định trong một số văn bản luật và nhiều văn bản dưới luật. Do đó, trong quá trình sửa đổi, bổ sung các văn bản này để phù hợp với phương thức quản lý cư trú mới, đề nghị cần xem xét, có giải pháp phù hợp thay thế để không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Bên cạnh đó, UBPL đề nghị làm rõ quy định ngay trong Luật trách nhiệm cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu về cư trú giữa các cơ quan nhà nước; việc khai thác thông tin từ Cơ sở dữ liệu về cư trú của tổ chức, cá nhân theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi cần sử dụng thông tin về nhân thân, nơi thường trú, tạm trú… trong các cơ sở dữ liệu vì quan hệ giữa các tổ chức, cá nhân, Sổ hộ khẩu trong nhiều trường hợp cũng là căn cứ quan trọng để tổ chức, cá nhân thực hiện các giao dịch dân sự như mua bán điện, nước, đăng ký dịch vụ điện thoại... nhằm xác thực thông tin về nhân thân và nơi cư trú của bên sử dụng dịch vụ.

 Khi không còn Sổ hộ khẩu thì việc thực hiện các giao dịch này có thể sẽ gặp khó khăn vì các bên không thể tự mình truy cập Cơ sở dữ liệu về cư trú để xác định thông tin cần thiết.  

Nên bỏ hoặc hạn chế việc ngườ dân phải xin giấy tờ xác nhận

UBPL tán thành việc cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác đăng ký, quản lý cư trú như quy định của dự thảo Luật để góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong quản lý cư trú, bảo đảm công khai, minh bạch, phù hợp với mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử. 

Tuy nhiên, theo quy định của dự thảo Luật thì vẫn duy trì một số loại giấy tờ về cư trú do các cơ quan nhà nước cấp cho công dân như Giấy xác nhận khai báo cư trú, Phiếu khai báo tạm vắng.

Các đại biểu tại phiên họp

Ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, UBPL đề nghị làm rõ giá trị pháp lý của các loại giấy tờ này; đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh liên thông cập nhật, sử dụng, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giữa các cơ quan nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân; bỏ hoặc hạn chế tối đa việc người dân phải xin giấy tờ xác nhận về cư trú để nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thay vào đó, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm tra cứu, xác thực thông tin về cư trú, quan hệ hộ gia đình, nhân thân của người dân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi giải quyết thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, UBPL đề nghị rà soát, quy định cụ thể ngay trong Luật các thủ tục về xóa đăng ký thường trú, đăng ký lại nơi thường trú trước đây (Điều 25), xóa đăng ký tạm trú (Điều 30), bảo đảm đồng bộ với quy định về thủ tục đăng ký thường trú, thủ tục tách hộ và thay đổi, điều chỉnh thông tin về cư trú, thủ tục đăng ký tạm trú đã được quy định cụ thể trong dự thảo Luật.

Có ý kiến chưa đồng ý bỏ điều kiện đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương

Theo chủ nhiệm UBPL của Quốc hội thì đa số ý kiến trong UBPL tán thành với Tờ trình của Chính phủ quy định công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đó. 

Theo loại ý kiến này, việc bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương sẽ bảo đảm tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận.

 Mặt khác, tuy Luật Cư trú hiện hành và Luật Thủ đô quy định điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương chặt chẽ hơn nhằm kiểm soát việc gia tăng dân số cơ học tại các địa phương này nhưng thực tế không đạt hiệu quả như kỳ vọng.

“Theo Báo cáo số 415/BC-BCA của Bộ Công an, hiện nay, số người đăng ký tạm trú và không đăng ký thường trú, tạm trú nhưng thường xuyên sinh sống tại các thành phố trực thuộc Trung ương là rất lớn (gần 23% dân số tại các thành phố này). 

Riêng đối với Thủ đô Hà Nội, kết quả giám sát việc thực hiện quy định về quản lý dân cư theo Luật Thủ đô do UBPL tiến hành năm 2018 cho thấy, trong thời gian 05 năm (2013-2017) chỉ có khoảng 120 nghìn người được cơ quan có thẩm quyền cho đăng ký thường trú vào các quận nội thành Hà Nội theo các điều kiện riêng quy định tại Luật Cư trú và Luật Thủ đô, chiếm khoảng 15,8% dân số tăng thêm cơ học của khu vực nội thành Hà Nội trong giai đoạn này. 

Điều đó cho thấy, việc quy định các điều kiện riêng về đăng ký thường trú đối với các thành phố trực thuộc Trung ương chỉ hạn chế nhập hộ khẩu chứ không hạn chế được tình trạng gia tăng dân số cơ học” – ông Hoàg Thanh Tùng cho biết.

Chủ nhiệm UBPL cũng cho rằng, còn loại ý kiến thứ 2, đó cân nhắc việc bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương vì việc công dân đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc trung ương phải đáp ứng những điều kiện chặt chẽ hơn là cần thiết để bảo đảm hài hòa giữa quyền tự do cư trú của công dân với khả năng đáp ứng các dịch vụ thiết yếu về bảo đảm an sinh xã hội cũng như yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự tại các đô thị lớn. 

Báo cáo của Bộ Công an đánh giá tác động của việc thay đổi chính sách này cũng cho rằng, việc thực hiện chính sách mới sẽ làm gia tăng áp lực lên hệ thống giáo dục, y tế và một số hoạt động dịch vụ công khác đang được cung cấp dựa trên việc đăng ký thường trú của công dân tại các thành phố trực thuộc Trung ương. Vì vậy, khi mà cơ sở hạ tầng, khả năng đáp ứng dịch vụ thiết yếu cơ bản ở các thành phố trực thuộc Trung ương so với các địa phương khác đang còn có sự chênh lệch đáng kể thì vẫn cần thiết duy trì những điều kiện đăng ký thường trú riêng nhằm hạn chế tình trạng nhập cư tự do, gây quá tải đối với hạ tầng và phức tạp về an ninh, trật tự tại các thành phố lớn.

 


Thu Thuỷ
.
.
.