Xây dựng Sân bay Long Thành: Tìm đâu 18.000 tỷ đồng?
- Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển "chưa yên tâm" về dự án Long Thành1
- Báo cáo Thủ tướng phương án thiết kế sân bay Long Thành trong tháng 3-2017
- Giao chuyên gia đánh giá thiết kế sân bay Long Thành
- Chọn biểu tượng của Vietnam Airlines cho kiến trúc nhà ga sân bay Long Thành
Tiền ở đâu?
17h chiều, Ủy ban Kinh tế đã họp phiên toàn thể lần thứ 5 để “trả lời trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội” về việc có nên hay không tách “tiểu dự án” 23.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng, đền bù tái định cư cho sân bay Long Thành.
Trước đó, Ủy ban Kinh tế đã thẩm tra sơ bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến lần 1 với tâm trạng chung là rất băn khoăn, lo lắng.
Thừa ủy quyền của Chính phủ trình bày tờ trình về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Lê Đình Thọ cho biết có 3 nguyên nhân chính khiến Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét một Nghị quyết về việc tách giải phóng mặt bằng (GPMB) riêng.
Phiên họp chiều muộn của Ủy ban Kinh tế ngày 29-5 |
Thứ nhất, về cơ sở pháp lý, theo Nghị quyết 94 của Quốc hội khóa 13 về chủ trương đầu tư Long Thành, Thủ tướng chỉ có thể quyết định việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần và tổ chức thực hiện độc lập khi Báo cáo nghiên cứu khả thi đã được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, theo tiến độ dự kiến, sẽ được trình vào năm 2019, nên phải chờ Quốc hội cho một nghị quyết riêng.
Thứ 2, về tiến độ, như đã đề cập, UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng phải mất ít nhất 3 năm để hoàn thành GPMB, mà 2019 mới trình báo cáo khả thi sẽ không đảm bảo việc đưa giai đoạn 1 vào khai thác năm 2025 và cũng khiến đội vốn đầu tư, vì thời giá lúc đó khác.
Thứ 3 liên quan đến đời sống người dân, quy hoạch cho dự án này đã làm từ 2005, và hơn 10 năm qua, người dân không thể chuyển nhượng, xây dựng... trên đất đai của mình.
Đa phần các ĐB có mặt tán thành tính hợp lý của các lý do này. Tuy nhiên, ĐB có quan ngại khác, đó là tiền ở đâu?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn tcho rằng: Theo tờ trình, hướng của Chính phủ là muốn tách GPMB ra một dự án riêng, nhưng quy mô lớn hơn 10.000 tỷ đồng thì phải được xem xét phê duyệt theo tinh thần của các dự án quan trọng quốc gia, nghĩa là phải chuẩn bị hồ sơ (có đánh giá tác động, có phương án vốn...) để trình ra Quốc hội theo quy định của Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, những gì Chính phủ trình ra còn mỏng và chưa thuyết minh được gần 80% vốn thiếu nằm ở đâu.
Muốn tách GPMB phải trình báo cáo khả thi sớm 2 năm
Cũng băn khoăn về nguồn vốn, ĐB Phạm Quang Thanh – Đoàn ĐBQH Hà Nội bày tỏ: “Chính phủ dự kiến nguồn bổ sung từ đấu giá và cho thuê đất thu hồi, ở bối cảnh bây giờ, tôi thấy không chắc chắn. Ngay Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thu hồi và đấu giá đất được hàng chục nghìn tỷ cũng là rất khó khăn, chưa nói ở Long Thành (Đồng Nai)”.
Lo xa hơn, ĐB cho rằng dù quyết tâm chính trị là rất cao, nhưng sẽ ra sao nếu đã “xuống tiền” 23.000 tỷ đồng để GPMB, nhưng đến 2019 Quốc hội không thông qua báo cáo khả thi của dự án, hoặc Quốc hội yêu cầu làm lại?
Phát biểu chốt phiên họp, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển cho biết ông nói mang tính chất gợi mở, còn Ủy ban Kinh tế sẽ thẩm tra độc lập.
Trước nhiều ý kiến nên sửa Nghị quyết 94 của Quốc hội 13 để tạo cơ sở pháp lý cho việc Chính phủ tách dự án GPMB, Phó Chủ tịch nhấn mạnh căn cứ pháp lý của việc xem xét Nghị quyết mới là các luật như Luật Đầu tư công, Luật Đất đai... và Nghị quyết 94. Việc Quốc hội làm bây giờ là cụ thể hóa Nghị quyết 94, chứ không phải sửa đổi nó.
"Quốc hội cho chủ trương rồi, ta có thể chấp nhận không cần bước chủ trương nữa, Quốc hội chỉ yêu cầu là có bước khả thi: Phải xây dựng tất cả các yếu tố, tổng vốn bao nhiêu, chính sách, cơ chế thế nào và tiến hành ra sao để GPMB 1 lần thôi. Quan trọng nhất, Quốc hội sẽ thảo luận câu chuyện lấy vốn ở đâu? Dù khái toán, nhưng Chính phủ cũng phải chắc cái này, vì ban đầu Chính phủ chỉ báo cáo GPMB có hơn 12.000 tỷ, sau đó Đồng Nai báo cáo là 18.500 tỷ, giờ lại 23.000 tỷ, thế có dừng ở đấy không hay còn hơn? Thứ nữa, ít nhất cũng phải giải trình cho Quốc hội là nguồn ở đâu? Bất cứ dự án nào khi đã quyết định đầu tư thì phải chỉ rõ vốn ở đâu - đó là quy định của Luật Đầu tư công” – Phó Chủ tịch chỉ đạo rõ.
“Quốc hội có thể sẽ cho tách ra, nhưng có điểm rất rõ là Chính phủ phải trình ra Quốc hội báo cáo khả thi vào tháng 10/2017, và khi Quốc hội thông qua báo cáo khải thi thì Chính phủ mới quyết định đầu tư dự án thành phần này. Nghị quyết phải có điểm như vậy” – Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển kết luận.