Sẽ công bố thiệt hại môi trường do Formosa vào tháng 8

Thứ Năm, 28/07/2016, 14:47
Báo cáo chi tiết hơn về những thiệt hại do sự cố môi trường Formosa gây ra, Chính phủ cho biết thống kê bước đầu đã thấy những thiệt hại rất nặng nề về kinh tế, môi trường, xã hội... ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và lòng tin của người dân.


90% tàu đánh bắt khu vực 20 hải lý nằm bờ

Báo cáo của Chính phủ cho biết: Chịu ảnh hưởng nặng nhất là ngành thủy sản, tiếp đó là ngành kinh doanh, dịch vụ du lịch. Theo báo cáo sơ bộ, hệ sinh thái biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng, san hô chết nhiều, có trên 100 tấn hải sản tự nhiên (chủ yếu là hải sản sống ở tầng đáy) bị chết trôi dạt vào bờ, số hải sản tự nhiên bị chết chìm xuống đáy biển còn khá lớn.

Có tổng số 17.682 tàu thuyền khai thác hải sản với 40.966 người trực tiếp, 176.285 phụ thuộc bị ảnh hưởng do sự cố môi trường gây ra. Đối với khu vực khai thác hản sản ngoài 20 hải lý, chỉ có 50 – 70% tàu tham gia đánh bắt, trong khi đó tại khu vực khai thác hải sản trong 20 hải lý, có tới 90% tàu lắp máy dưới 90 CV và 3.964 tàu không lắp máy phải nằm bờ. Sản lượng hải sản khai thác ven bờ và vùng lộng bị thiệt hại ước tính khoảng 1.600 tấn/tháng.

Thiệt hại của sự cố môi trường do Formosa gây ra khó có thể thống kê hết

Đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản, diện tích nuôi tôm chết hoàn toàn là 5,7 ha, tương đương 9 triệu tôm giống và khoảng 7 tấn tôm thương phẩm sắp đến kỳ thu hoạch. Có 16.313 lồng nuôi cá bị chết, tương đương 140 tấn cá, 6,7 ha diện tích nuôi ngao chết, tương đương 67 tấn và 10 ha nuôi cua bị chết.

Dịch vụ hậu cần thủy sản và nghề muối: Việc tiêu thụ hải sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng, giá sản phẩm khai thác ngoài khu vực 20 hải lý giảm từ 30 – 50% so với cùng kỳ năm 2015, sản phẩm khai thác trong khu vực 20 hải lý không bán được. Hoạt động kinh doanh, dịch vụ hậu cần nghề cá gồm chế biến hải sản, các cơ sở nước đá, bán dầu, nhu yếu phẩm, gia công lưới cụ, buôn bán hải sản, dịch vụ cảng cá bị ảnh hưởng làm giảm thu nhập của khoảng 19.500 người.

Tại 4 tỉnh bị sự cố, tỷ lệ khách hủy tour khoảng 50%, công suất sử dụng phòng giảm từ 40 – 50% so với cùng kỳ 2015, đặc biệt tại Hà Tĩnh, công suất sử dụng phòng sau thời điểm sự cố xảy ra từ 10 – 20%.

Vẫn đang đánh giá thiệt hại môi trường, sẽ công bố vào tháng 8

Về môi trường: Thiệt hại về môi trường sinh thái vùng biển miền Trung đã và đang được đánh giá một cách đầy đủ và toàn diện, nhưng đã có những tính toán sơ bộ trên cơ sở các luận cứ khoa học, kinh nghiệm thực tiễn của các nước trên thế giới, bao gồm thiệt hại cho suy giảm chất lượng môi trường biển, hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản. 

Theo báo cáo của các địa phương, số cá tự nhiên chết dạt vào bờ tổng cộng khoảng 115 tấn (trong đó Hà Tĩnh 15 tấn, Quảng Bình 100 tấn), chủ yếu là cá tầng đáy, gần đáy, các rạn san hô. Số cá chết chìm dưới đáy biển chưa thống kê được, có thể làm nước bị phú dưỡng gây ô nhiễm môi trường. 

Các rạn san hô, sinh vật phù du, động vật phù du, cá tự nhiên chết hàng loạt trên diện rộng có nguy cơ làm gián đoạn chuỗi thức ăn tự nhiên trong hệ sinh thái biển, dẫn đến sự suy giảm đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy sản của khu vực, ảnh hưởng đến sinh kế của ngư dân ven biển lâu dài.

Nghiên cứu sơ bộ của Bộ TN&MT, Bộ NN & PTNT và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho thấy đa dạng sinh học vùng triều bị suy giảm, có những nhóm sinh vật số loài  và sinh lượng giảm tới 50% và 20 – 50% tương ứng. Thiệt hại về môi trường đang được các nhà khoa học điều tra, đánh giá toàn diện và sẽ được công bố vào đầu tháng 8/2016.

Lòng tin của người dân suy giảm

Về xã hội, sự cố đã gây bức xúc, bất an trong nhân dân, gây ra tác động tiêu cực xã hội. Cụ thể: giảm lòng tin của các tầng lớp nhân dân, người dân nghi vấn về sự đúng đắn, đầy đủ của quá trình thẩm định, phê duyệt các thủ tục về đầu tư, xây dựng, môi trường trước khi xây dựng nhà máy, quá trình giám sát của các cơ quan chức năng về quá trình các nhà máy vận hành ở Hà Tĩnh và cả những địa phương khác; giảm lòng tin vào khả năng của các cơ quan trong việc ứng phó với các tình huống khẩn cấp về môi trường. 

Nhân dân cũng nghi ngờ những biện pháp hữu hiệu, bền vững mà các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm đưa ra; một bộ phận không còn tin vào chất lượng, sự an toàn của các biển và các loại sản phẩm làm từ biển như nước mắm, rong tảo. Việc chưa công bố thông tin đã tạo khoảng trống cho các thông tin thất thiệt; giảm lòng tin vào kênh thông tin chính thức của Nhà nước.

Sự việc này cũng gây bất an trong xã hội, nhân dân lo lắng về việc mất kế sinh nhai, thất nghiệp, nợ nần, phá sản do không tiêu thụ được cá và sản phẩm từ hải sản; một bộ phận trục lợi liên quan đến quá trình hỗ trợ ngư dân, thu mua cá, xử lý môi trường, sử dụng nguyên liệu cá không đảm bảo chất lượng.

Tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, trật tự xã hội. Nhân dân yêu cầu các cơ quan chức năng sớm công bố các thông tin liên quan đến sự cố. Những vụ tụ tập đông người, biểu tình ở một số nơi khác nhau trong cả nước tạo ra nguy cơ tiềm ẩn mất an ninh trật tự và ổn định xã hội, đặtra những thách thức đối với an ninh, môi trường – một khía cạnh quan trọng của an ninh quốc gia hiện nay.

Vụ việc cũng gây xáo trộn sinh hoạt, sản xuất, buôn bán của các cá nhân, gia đình, DN và các cơ quan Nhà nước, ngư dân và những người lao động mà sinh kế dựa vào biển đã bị đình đốn sản xuất, phải chuyển đổi nghề. 

Sự cố môi trường này ảnh hưởng đến sự an toàn, sức khỏe của người dân trong khu vực có sự cố công như người tiêu dùng ở các khu vực khác trước mắt và lâu dài.

Vũ Hân
.
.
.