Nông dân gặp khó, Quốc hội sẻ chia

Thứ Ba, 09/06/2015, 06:44
Vấn đề nông nghiệp, nông dân làm nóng phiên thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2014 và những tháng đầu năm 2015.
>>Giữ vững an ninh, trật tự, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển đất nước
>>Trí thức kiều bào 'hiến kế' phát triển đất nước

“Đề nghị ngành Nông nghiệp và các ngành chức năng hãy vào cuộc một cách quyết liệt hơn để tháo gỡ những khó khăn cho nông nghiệp, hỗ trợ cho người nông dân, đừng để cảnh các em đoàn viên, thanh niên phải đi vận động từng người dân mua từng cân khoai, cân hành, trái dưa hấu để cứu nông dân. Đây không phải là giải pháp bền vững” – đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) thẳng thắn kiến nghị.

Vấn đề nông nghiệp, nông dân làm nóng phiên thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2014 và những tháng đầu năm 2015. Đa số đại biểu tán thành với Báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2014 và đánh giá tình hình 4 tháng đầu năm 2015, nền kinh tế đã phục hồi đáng kể, các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với đề ra, môi trường đầu tư có những chuyển biến tích cực. Chính sách xã hội tiếp tục được triển khai đồng bộ, chủ quyền quốc gia được giữ vững, an ninh chính trị, an toàn xã hội được đảm bảo, cải cách tư pháp được triển khai tích cực, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được mở rộng...

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang và các đại biểu Quốc hội trao đổi bên lề phiên họp.   Ảnh: TTXVN.

Tuy nhiên các đại biểu cũng đã mạnh dạn, thẳng thắn nêu đúng và trúng những vấn đề yếu kém còn tồn tại. Đại biểu Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng) đặt vấn đề: Sự phục hồi kinh tế hiện nay nhờ uống thuốc khỏe, chủ yếu là sự ứng phó thụ động tình huống suy thoái xảy ra, chưa vận hành lành mạnh theo một lộ trình với những biện pháp chủ động, đồng bộ. Cơ cấu xuất nhập khẩu vẫn chưa thoát khỏi tình trạng lạc hậu, điểm bất cập lớn nhất của chất lượng xuất khẩu là tập trung hàng nông sản sơ chế, trong khi đó lại nhập hàng trung gian nhiều, chủ yếu là linh kiện lắp ráp phụ tùng, gia công và đầu vào cơ bản cho nông nghiệp.

Phân tích quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc, đại biểu Mai Hữu Tín (Bình Dương) chỉ ra những con số cho thấy sự thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc ngày càng tăng. Đại biểu cũng đề cập đến sự khác biệt về số liệu xuất nhập khẩu của cơ quan thống kê hai nước, từ đó khẳng định có một lượng lớn tài nguyên, khoáng sản từ Việt Nam xuất khẩu lậu sang Trung Quốc. Còn về nhập khẩu, riêng năm 2014 có hơn 20 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập lậu vào lãnh thổ Việt Nam. Ngoài việc gây khó khăn, thiệt hại to lớn cho nền kinh tế Việt Nam thì số lượng hàng nhập khẩu khổng lồ này chắc chắn gây áp lực lớn lên tỷ giá đồng tiền Việt Nam mà chúng ta đang hết sức cố gắng giữ ổn định.

Đại biểu khẳng định: “Một nền kinh tế quốc gia dù mở hay hội nhập đến mức nào vẫn cần có một áo giáp bảo vệ hiệu quả và vững chắc, bảo đảm sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp và bảo vệ được người tiêu dùng của quốc gia đó. Còn với Việt Nam, chiếc áo giáp này đang rách, nếu không nói rách càng lúc càng nhiều trong giao dịch thương mại với Trung Quốc”

Về tình trạng giảm sút trong lĩnh vực nông nghiệp, chất lượng nông sản thấp, thị trường tiêu thụ hạn chế… đại biểu Đỗ Văn Đương nêu ý kiến: “Vậy vai trò định hướng, của các bộ, ngành, chính quyền địa phương ở đâu, mà để lúc thì khoai lang, khi thì hành tím, dưa hấu bị ế ẩm?”.

Ông cho rằng, giải pháp để tăng cường xuất khẩu hàng nông sản, nên theo hướng mở rộng thị trường tiêu thụ, hợp tác mạnh mẽ với các nước có công nghệ cao, công nghệ sạch như Nhật Bản, Israel. Trong sản xuất nông nghiệp nên tìm nhu cầu thị trường để xác định địa chỉ tiêu thụ, ấn định quy mô sản xuất, cơ cấu vật nuôi, cây trồng phù hợp. “Chẳng hạn thị trường cần ăn ngon thì trồng loại lúa dài ngày, có chất lượng cao; thị trường cần ăn no, trồng lúa ngắn ngày, để xuất khẩu. Tại sao Israel mưa ít, nắng nhiều nhưng người ta còn biến hoang mạc thành những cánh đồng tươi tốt trong khi đất nước ta nắng nhiều, mưa cũng nhiều, nhưng hạn hán diễn ra nghiêm trọng…” – đại biểu lấy ví dụ.

Quỳnh Vũ
.
.
.