Trí thức kiều bào 'hiến kế' phát triển đất nước

Thứ Hai, 08/06/2015, 09:34
Diễn đàn chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam giai đoạn 2016-2020, có chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu” được tổ chức tại Hà Nội ngày 7/6. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cùng hơn 100 đại biểu trong nước và kiều bào ở nước ngoài đã tham gia diễn đàn.
Tại diễn đàn, các đại biểu là chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách đã trao đổi, chia sẻ những vấn đề cùng quan tâm với mong muốn đóng góp công sức, trí tuệ vì một đất nước Việt Nam phát triển. Những kiến thức, kinh nghiệm quý báu, những kỹ năng, trí tuệ của các nhà khoa học sẽ tạo thêm động lực quan trọng, đưa đất nước ta phát triển nhanh và bền vững.

Phân tích các vấn đề chủ yếu của hệ thống tài chính Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Hội khoa học và chuyên gia Việt Nam tại Pháp cho rằng:

Để có một thị trường tài chính ổn định, hấp dẫn đối với các chủ thể kinh tế và có khả năng “đề kháng” với những cú sốc đến nội bộ nền kinh tế và đến từ bên ngoài, đặc biệt trong điều kiện toàn cầu hóa tài chính như hiện nay, không có cách nào khác là phải tham gia vào cuộc chơi “có tính bắt buộc” của tự do hóa tài chính, đồng thời biết cách quản lý các rủi ro đến từ đó.

Theo ông, các giải pháp có thể được chia làm 3 nhóm: Tạo dựng, củng cố lòng tin “lâu dài” của nhà đầu tư; Xây dựng công cụ quản lý môi trường tài chính vĩ mô; Văn hóa đầu tư và quản trị doanh nghiệp.Ông đề xuất có thể xây dựng một bộ hướng dẫn về những kinh nghiệm và quy tắc tốt trong quản trị doanh nghiệp cho lĩnh vực công và tư nhân. Trong bộ hướng dẫn này có thể đưa ra định hướng mô hình doanh nghiệp trong tương lai, đặc biệt là khuyến khích các doanh nghiệp quan tâm đến phát triển bền vững và các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị.

Cùng với đó, là nâng cao chất lượng đào tạo tài chính trong các trường đại học; Nghiên cứu tăng số lượng các sản phẩm và dịch vụ tài chính và môi trường pháp lý kèm theo để đáp ứng nhu cầu đầu tư và quản trị rủi ro cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước; Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu để phục vụ nghiên cứu và thông tin thị trường.

Tham dự diễn đàn, Tiến sỹ Trần Hải Linh, Đại học Quốc gia Chonbuk, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chia sẻ: Việt Nam đang thực hiện chính sách thu hút các nhà khoa học, trí thức người Việt ở nước ngoài mang tri thức về đóng góp xây dựng quê hương.

Kiều bào trồng cây tại Quần đảo Trường Sa.

Nếu điều này được thực hiện có lộ trình rõ ràng và có cách phát triển đúng đắn, sẽ mang lại những giá trị cao cho giáo dục đại học cũng như phát triển khoa học, công nghệ ở Việt Nam. Đội ngũ chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với tiềm lực rất đáng kể và đều có mong muốn cống hiến cho đất nước nhưng vẫn còn bị những hạn chế do thiếu thông tin, thiếu “cầu nối”, và phương thức thực hiện chính sách.

"Kiều bào ta sinh sống ở nước ngoài có gần 4,5 triệu người, trong đó có gần 400.000 người là chuyên gia, trí thức được học tập và đào tạo bài bản. Việt Nam sẽ thành công nếu biết khai thác hiệu quả hơn nữa nguồn lực của đội ngũ các nhà khoa học và trí thức Việt Nam ở nước ngoài, cũng như tìm ra những cách thức phù hợp để kết hợp nguồn lực ngoài nước với các nguồn lực trong nước. Nếu mỗi người dân Việt Nam đều cùng cố gắng, đoàn kết, từ đó tập hợp các nguồn lực trong và ngoài nước thành một sức mạnh tổng thể, đi theo đó là chính sách và hỗ trợ của chính phủ và đồng thuận phối hợp của các cơ quan chức năng, tôi tin rằng đất nước Việt Nam sẽ phát triển vươn xa hơn rất nhiều so với thời điểm hiện nay"- .Tiến sỹ Trần Hải Linh nhấn mạnh

Giáo sư Nguyễn Quốc Vọng, Trường Khoa học Ứng dụng, Đại học RMIT, Australia quan tâm đến việc sản xuất theo chuỗi ngành hàng và gia tăng giá trị nông sản để nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp nông nghiệp Việt Nam tiến sâu vào hội nhập. Giáo sư Nguyễn Quốc Vọng cho rằng, để đột phá nông nghiệp Việt Nam chỉ có một con đường duy nhất là áp dụng chính sách nông nghiệp, đất đai vì nông dân, xây dựng chuỗi ngành hàng, tích cực hỗ trợ việc đổi mới công nghệ và đưa công nghệ cao vào nông nghiệp.

Theo ông, có như vậy mới tạo động lực để người nông dân và các doanh nghiệp linh hoạt điều chỉnh cơ cấu cây trồng, nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng với yêu cầu của thị trường và thích nghi với tình hình cạnh tranh ngày càng gay gắt của kỷ nguyên hội nhập. Sản xuất theo chuỗi ngành hàng và gia tăng giá trị để nông sản luôn có chất lượng cao. Đó là yếu tố then chốt giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa nông nghiệp tiến sâu vào hội nhập, làm giàu một cách bền vững cho nông dân và nông thôn Việt Nam.

Kêu gọi trí thức kiều bào giải 5 bài toán phát triển đất nước

Chiều 7/6, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức buổi gặp mặt trí thức Việt Nam ở nước ngoài về dự Diễn đàn chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020, với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu”. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dự và chủ trì buổi gặp mặt.

Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân kêu gọi trí thức kiều bào cùng tham gia giải 5 bài toán này để phát triển đất nước. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước mạnh về nông nghiệp; thành trung tâm chế tạo mới của thế giới; Việt Nam sẽ phát triển hệ thống đô thị thông minh, quản lý thông minh; nhân lực khoa học công nghệ của Việt Nam lọt vào Top 3 ASEAN trước năm 2025 và Việt Nam trở thành nước mạnh về du lịch.

Những số liệu chính thức về nền kinh tế Việt Nam, xu hướng và lợi thế cạnh tranh của quốc gia cũng đã được thảo luận tại cuộc gặp mặt. (PV)

PV
.
.
.