Nâng cao chất lượng công tác Công an trong tình hình mới

Thứ Bảy, 17/10/2015, 13:56
Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VI vẫn tiếp tục các nội dung tại hội trường. Phóng viên CANDonline đã ghi lại một số ý kiến tâm huyết của các đại biểu tại Đại hội.


Nâng cao chất lượng công tác thi hành án phạt tù trong tình hình mới

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Bằng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII):  Đảng bộ Tổng cục VIII đã tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác quản lý giam, giữ, và giáo dục, cải tạo đối tượng, thực hiện nghiêm các chế độ, chính sách, pháp luật trong công tác thi hành án phạt tù.

Kết quả nổi bật là đã tham mưu cho Đảng ủy Công an Trung ương và Lãnh đạo Bộ Công an đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ xây dựng hoàn thiện một bước hệ thống pháp luật về thi hành án phạt tù, cải thiện điều kiện giam giữ cho phạm nhân, bảo đảm an toàn các cơ sở giam giữ; triển khai có hiệu quả công tác giáo dục – dạy nghề, tái hòa nhập cộng đồng.

Những kết quả đó đã góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh, trật tự đất nước và thực hiện nghiêm minh pháp luật trong giam giữ, cải tạo, tạo bước chuyển biến quan trọng trong công tác thi hành án phạt tù theo chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, Nhà nước.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Bằng, Tổng cục trưởng Tổng cục VIII.

Để tổ chức có hiệu quả công tác thi hành án phạt tù trong tình hình mới, Đảng bộ Tổng cục VIII đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng công tác thi hành án phạt tù.

Cụ thể là, tham mưu cho Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đề xuất Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật về Thi hành án hình sự, trong đó có thi hành án phạt tù cho phù hợp với những quy định của pháp luật mới ban hành và yêu cầu của thời kỳ mới, nhằm cụ thể hóa chính sách hình sự nhân đạo và chủ trương cải cách tư pháp trong thời kỳ xây dựng nhà nước pháp quyền, xây dựng các chế độ giam giữ, cải tạo phạm nhân phù hợp với xu hướng nhân đạo, minh bạch, bảo đảm quyền con người nhưng cũng phải bảo đảm tính nghiêm ngặt, nghiêm minh của pháp luật góp phần phòng ngừa tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự cho các cơ sở giam giữ và trật tự xã hội; điều chỉnh lại công tác tổ chức giam giữ phạm nhân theo tính chất tội phạm và mức án, để có đối sách giam giữ, giáo dục cải tạo thích hợp với từng loại phạm nhân.

Tiếp tục đổi mới công tác giáo dục - dạy nghề cho phạm nhân theo hướng thiết thực, hiệu quả nhằm mục đích giáo dục, cải tạo người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội. Triển khai có hiệu quả công tác tiếp nhận, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù, người được đặc xá ổn định cuộc sống, hạn chế tái phạm tội nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội và chủ trương tái hòa nhập cộng đồng của Đảng, Nhà nước.

Chủ động nghiên cứu đề xuất triển khai công tác tạm tha có điều kiện và biện pháp quản lý nhằm mục đích tạo điều kiện cho người đã chấp hành án phạt tù một thời gian nhất định ở trại giam theo quy định pháp luật được trở về chấp hành án tại cộng đồng tạo điều kiện cho họ sớm tái hòa nhập công đồng, giảm ngân sách chi cho trại giam, nhưng không làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội. 

Chỉ đạo các trại giam từng bước chuyển đổi công tác tổ chức lao động – dạy nghề cho phạm nhân theo hướng chuyển từ lao động nông – lâm nghiệp sang lao động thủ công nghiệp, công nghiệp, gắn lao động cải tạo với dạy nghề cho phạm nhân…

Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế của lực lượng Công an đã góp phần quan trọng vào hoạch định và thực hiện chính sách đối nội, đối ngoại của Nhà nước

Thiếu tướng Trần Văn Tất, Bí thư Đảng uỷ Cục Đối ngoại: Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế của lực lượng Công an đã góp phần quan trọng vào hoạch định và thực hiện chính sách đối nội, đối ngoại của Nhà nước ta; tạo được sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy việc thiết lập  quan hệ ổn định, lâu dài giữa Công an Việt Nam với Cơ quan thực thi pháp luật của các nước; góp phần quan trọng vào nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và thực hiện có hiệu quả chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm; việc quan hệ tốt với các nước láng giềng đã tạo ra hành lang an ninh an toàn cho quốc gia.

Chúng ta đã thông qua nhiều kênh hợp tác khác nhau, như kênh ngoại giao, INTERPOL, ASEANPOL, lực lượng Công an Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý hàng năm hàng nghìn lượt thông tin liên quan đến phòng chống tội phạm có yếu tố nước ngoài; đã phát hiện, điều tra làm rõ hàng trăm vụ vụ án hình sự, kinh tế, tội phạm sử dụng công nghệ cao, các đường dây buôn bán ma tuý, buôn bán phụ nữ, trẻ em xuyên quốc gia; ngăn chặn kịp thời nhiều vụ lừa đảo, xác minh làm rõ hơn trăm vụ đối tượng là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài có liên quan đến hoạt động tội phạm, qua đó đã bắt giữ và trao trả hàng chục đối tượng truy nã cho Cảnh sát các nước như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Đức, Anh...và tiếp nhận và dẫn độ về Việt Nam nhiều đối tượng phạm tội lẩn trốn ở nước ngoài.

Thiếu tướng Trần Văn Tất, Bí thư Đảng uỷ Cục đối ngoại.

Ngoài ra lực lượng Công an còn tham mưu tích cực cho Chính phủ thúc đẩy đàm phán, ký kết hàng chục Điều ước, Thoả thuận quốc tế với các đối tác về phòng chống tội phạm, (tập trung vào những hiệp định tương trợ tư pháp hình sự, dẫn độ tội phạm) đã góp phần quan trọng pháp lý hoá việc phát triển hợp tác lâu dài có hiệu quả với các nước trong bối cảnh  mới.

Trong những năm tới đối với nước ta, cơ hội và thách thức đan xen đều lớn hơn trước, sự cạnh tranh quốc tế ngày càng quyết liệt, công tác đối ngoại Công an cần phải tiếp tục đổi mới nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ ANQG, TTATXH phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế, xã hội bền vững, góp phần hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó tập trung vào quán triệt sâu sắc quan điểm đối ngoại của Đảng, Nhà nước, nhận thức rõ yêu cầu, nhiệm vụ công tác bảo vệ an ninh, trật tự trong tình hình mới đặc biệt quan trọng; tiếp tục chủ động đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, phối hợp chặt chẽ giữa các Cơ quan đối ngoại (Bộ Công an, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Ủy Ban người Việt Nam ở nước ngoài…). Đẩy mạnh hoạt động trên các diễn đàn, các cơ chế hợp tác song phương và đa phương với các hình thức đa dạng qua đó nắm bắt kịp thời tình hình tham mưu cho Đảng, Nhà nước đề ra chủ trương, kế hoạch và có biện pháp chỉ đạo chặt chẽ công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế phục vụ nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước.

Trên lĩnh vực kinh tế, cần phải xác định rõ đối ngoại phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, do vậy cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp giữa các đơn vị trong và ngoài nước để thúc đẩy hợp tác có hiệu quả hơn, nhất là xác định rõ các mối quan hệ và thế mạnh của từng nước, từng khu vực để lựa chọn nội dung hợp tác phù hợp. Đồng thời thông qua các hoạt động trao đổi về đối ngoại giữa các Bộ để nắm bắt xử lý tình hình liên quan đến an ninh kinh tế của đất nước.

Giữ vững nguyên tắc và mềm dẻo trong hoạt động để xử lý các vấn đề quốc tế và có sự phối hợp chặt chẽ có hiệu quả giữa các bộ, ban, ngành, đoàn thể nhằm tạo sự đồng thuận và tiếng nói chung trên các diễn đàn, hội nghị. Tăng cường hơn nữa các hoạt động tuyên truyền đối ngoại trên các kênh để làm rõ chủ trương đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta. Thúc đẩy các hoạt động đối ngoại, tăng cường sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau qua đó tăng cường mở rộng hợp tác phục vụ thiết thực cho nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước đã đề ra....

Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT)  “Tiếp tục đổi mới các mặt công tác, tạo chuyển biến tích cực về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội”

Đảng bộ Cục CSGT đã lãnh đạo thực hiện tốt chức năng tham mưu, đề xuất với Đảng, Quốc hội, Chính phủ, ban hành nhiều chủ trương, giải pháp bảo đảm TTATGT; lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt có hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ của CSGT, trong đó đã đổi mới phương thức hoạt động tuần tra kiểm soát phù hợp với tình hình thực tế….; mở các đợt cao điểm tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, huy động tối đa lực lượng phương tiện, phát hiện xử lý vi phạm, nhất là vi phạm về chở hàng quá trọng tải, vi phạm tốc độ, nồng độ cồn, với mô hình liên tuyến, liên địa phương; từng bước hiện đại hóa phương thức hoạt động tuần tra kiểm soát của lực lượng CSGT; chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính trong công tác đăng ký, quản lý, cấp biển số phương tiện giao thông. 

Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Bí thư Đảng uỷ, Cục trưởng Cục CSGT.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống quản lý, đăng ký xe ô tô, mô tô trên phạm vi toàn quốc; phối hợp nghiên cứu, đề xuất thực hiện dịch vụ công trả đăng ký xe đến người dân, giảm  thời gian chờ đợi và đi lại của nhân dân, đến nay, 63/63 địa phương đã thực hiện đăng ký qua mạng và cấp biển số ô tô, mô tô theo phương pháp ngẫu nhiên, đảm bảo công khai, minh bạch…

Thời gian tới, Đảng bộ Cục CSGT tiếp tục chỉ đao nghiên cứu, dự báo đúng tình hình, chủ động phát hiện những vấn đề mới nảy sinh, tham mưu đề xuất các chủ trương, giải pháp bảo đảm TTATGT phù hợp với từng giai đoạn; đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ thông tin trong các lĩnh vực công tác của CSGT; huy động tối đa lực lượng, phương tiện, triển khai có hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ của CSGT, triển khai các đợt cao điểm bảo đảm TTATGT; tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT. Đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trên đường bộ và đường thủy nội địa, tập trung vào các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính gây ra tai nạn.

Triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ Công an về tiếp tục xử lý mạnh một số chuyên đề như xe vi phạm tốc độ, quá tải trọng, người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia. Tăng cường kiểm tra, giám sát TTATGT đường sắt. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông, trọng tâm là trên đường thuỷ nội địa.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong đăng ký, quản lý phương tiện, đưa công tác này thực sự khoa học và quản lý có hiệu lực, hiệu quả; đổi mới công tác tổ chức sát hạch, quản lý giấy phép của người điều khiển phương tiện trong CAND. Phối hợp nâng cao hiệu quả công tác giải quyết TNGT, nâng cao tỷ lệ điều tra các vụ TNGT có dấu hiệu tội phạm; Chủ động phòng ngừa và giải quyết ùn tắc giao thông; tổ chức khảo sát, kiến nghị những bất hợp lý về tổ chức giao thông; tổ chức tốt công tác dẫn đoàn bảo đảm TTATGT thông suốt, an toàn cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các sự kiện trọng đại của đất nước.

Phương Thuỷ
.
.
.