Du lịch vùng Đông Nam Bộ: "Viên ngọc thô" cần mài giũa
- Liên kết phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long
- Nhiều thách thức trong liên kết phát triển du lịch
- Cần “nhạc trưởng” để liên kết, phát triển du lịch
Đặc biệt hội nghị còn có sự hiện diện của các Tổng lãnh sự các nước Campuchia, Lào, Malaysia, Thái Lan…
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các tỉnh thành Đông Nam Bộ dự hội nghị. |
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết Hội nghị liên kết phát triển du lịch với chủ đề “Liên kết – Phát triển – Bền vững” nhằm xây dựng những định hướng mới trong phát triển du lịch.
Đồng thời, phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch, vị trí chiến lược và đẩy mạnh kết nối du lịch giữa các tỉnh thành vùng Đông Nam Bộ, thu hút khách du lịch và đầu tư đến các địa phương, góp phần phục hồi ngành du lịch sau dịch COVID-19. Qua đó tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Các đại biểu thăm gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc trưng của các địa phương Đông Nam Bộ. |
Khu vực Đông Nam Bộ rất giàu về tài nguyên du lịch tự nhiên, có núi, biển, sông, hồ, rừng nguyên sinh nhiệt đới gió mùa; hệ sinh thái đa dạng sinh học; hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề và ẩm thực phong phú,…
Tuy vậy, khu vực Đông Nam Bộ được xem là “viên ngọc thô” cần được mài giũa với đa dạng tài nguyên du lịch tự nhiên như bờ biển đẹp, nước trong tại Bà Rịa – Vũng Tàu, quần thể di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng núi Bà; núi Bà Rá, núi Dinh, núi Chứa Chan…
Hay tài nguyên du lịch tự nhiên gắn liền với hệ thống sông, hồ như sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, sông Đồng Nai, hồ Dầu Tiếng, hồ Trị An, hồ Thác Mơ,…
Quang cảnh hội nghị. |
Tài nguyên du lịch sinh thái gắn liền với Khu dự trữ sinh quyển – rừng ngập mặn Cần Giờ đã được UNESCO công nhận, Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, hệ thống vườn quốc gia Cát Tiên, vườn quốc gia Côn Đảo, vườn quốc gia Bù Gia Mập, vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát…
Về cơ sở hạ tầng, giao thông với hệ thống đường hàng không, đường bộ, đường thủy, đường sắt và nhà ga cũng có nhiều thuận lợi.
Có thể nói, đây là những lợi thế so sánh quý giá của vùng Đông Nam Bộ, là nền tảng tạo ra sự cộng hưởng lớn trong phát triển du lịch nếu 6 tỉnh thành thắt chặt mối liên kết hợp tác giữa các địa phương trong vùng, nhất là tập trung vào các dự án trọng điểm mang tính kết nối giao thông, hạ tầng, nguồn nhân lực, quảng bá xúc tiến và phát triển sản phẩm du lịch.
Tại hội nghị, lãnh đạo UBND các tỉnh thành vùng Đông Nam Bộ và một số doanh nghiệp đã phát biểu tham luận, nêu bật những lợi thế, đặc trưng nổi bật của từng địa phương cũng như tiềm năng liên kết, phát triển du lịch giữa các tỉnh thành vùng Đông Nam Bộ, thu hút khách du lịch và đầu tư đến các địa phương.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến. |
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh sự liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh thành vùng Đông Nam Bộ diễn ra trong bối cảnh TP Hồ Chí Minh vừa liên kết với 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tạo nên thế và lực mới cho sự phát triển du lịch phía Nam, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Để đạt được các mục tiêu này, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chú ý tập trung vào 4 nhóm giải pháp như cần tăng cường liên kết kêu gọi đầu tư tư nhân, FDI vào cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch.
Đẩy mạnh liên kết phát triển nguồn nhân lực của ngành. Liên kết trong phát triển sản phẩm và công tác quảng bá, truyền thông cần phải có chiến lược cụ thể. Đồng thời, phát triển du lịch vùng phải gắn với xu hướng du lịch thông minh và du lịch có trách nhiệm để phát triển bền vững.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo. |
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết phát triển du lịch của vùng cần bám sát Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, vùng Đông Nam Bộ được định hướng khai thác các sản phẩm đặc trưng như: Du lịch kết hợp Hội nghị - Hội thảo; Du lịch biên giới gắn với cửa khẩu; Du lịch văn hóa, lễ hội, giải trí; Du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch giải trí cuối tuần, du lịch thể thao, du lịch mua sắm.
Để có được mối liên kết bền vững, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo các địa phương trong vùng cần đoàn kết để thực hiện trọn vẹn năm chữ “Kết” trong quá trình phát triển du lịch.
Năm chữ “Kết” bao gồm: Kết nối xây dựng sản phẩm du lịch liên vùng; Kết nối kêu gọi đầu tư phát triển du lịch vùng; Kết nối trong công tác xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu; Kết nối trong đào tạo nguồn nhân lực; Kết nối nhưng không hoà lẫn, mỗi địa phương đều định vị được sản phẩm đặc sắc để tạo nên chuỗi giá trị, hệ sinh thái du lịch vùng đặc sắc, riêng có.