Hơn 35.800 hộ dân bị ảnh hưởng vì thi công đường chưa được đền bù
- Nguyên Trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1 gây thất thoát hơn 10 tỷ đồng
- Vụ khởi tố 17 cán bộ ở Sơn La là bài học cho giải phóng mặt bằng Long Thành
- Cần hơn 23.000 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, tái định cư
- Đề xuất nhiều đặc thù cho giải phóng mặt bằng, tái định cư Long Thành
Thiệt hại là “khách quan”, “ngoài dự báo” và “vượt hạn mức bồi thường”
Theo Tờ trình do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể thừa ủy quyền Chính phủ trình bày, việc thi công các công trình giao thông thường phải sử dụng các máy móc, thiết bị có tải trọng lớn, tạo rung chấn, chấn động hoặc sức ép lên nền đất (lu rung, búa rung, ép thủy lực, nổ phá…), không thể tránh khỏi việc làm ảnh hưởng đến các công trình xây dựng xung quanh; đặc biệt đối với nhà ở, công trình của người dân hai bên tuyến đường tại khu vực đô thị hoặc khu vực đông dân cư.
Nguyên nhân gây ra thiệt hại được Bộ trưởng cho biết là “khách quan, bất khả kháng, nằm ngoài khả năng tính toán, dự báo của nhà đầu tư, chủ đầu tư, nhà thầu thi công và các đơn vị liên quan”, do “đặc thù của các dự án xây dựng giao thông phải sử dụng thiết bị rung chấn”.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể tại phiên họp |
Theo Bộ trưởng Giao thông, một phần thiệt hại nêu trên được các doanh nghiệp bảo hiểm công trình xây dựng (do chủ đầu tư mua bảo hiểm công trình, trong đó có điều khoản bảo hiểm mở rộng trách nhiệm đối với bên thứ ba) chi trả, song tại một số dự án, số lượng nhà ở, công trình bị ảnh hưởng quá lớn, dẫn đến tổng giá trị thiệt hại vượt hạn mức bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm…
Qua số liệu tổng hợp sơ bộ, tại 31 dự án (15 dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa – Cần Thơ và 3 dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ; 13 dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa – Cần Thơ theo hình thức BOT), ước tính có khoảng 35.814 hộ dân bị ảnh hưởng với dự kiến kinh phí đền bù nằm ngoài trách nhiệm bảo hiểm do chủ đầu tư mua khoảng 166,793 tỷ đồng (18 dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ 81.936 tỷ đồng; 13 dự án BOT: 84.857 tỷ đồng).
Tình trạng này đã dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện kéo dài ở một số nơi, làm hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân và tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.
Nhà đầu tư, nhà thầu phải chịu trách nhiệm bồi thường
Không đồng tình với lý lẽ của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đa số ý kiến tại Uỷ ban Tài chính -Ngân sách khi thẩm tra tờ trình đều cho rằng: Trường hợp xảy ra các thiệt hại trong quá trình thi công mà nhà đầu tư, nhà thầu thi công mua không đủ phạm vi, hạn mức bảo hiểm, do khâu dự báo, chuẩn bị thi công chưa đầy đủ, chưa lường hết được các rủi ro có thể xảy ra thì nhà đầu tư, nhà thầu thi công phải chịu trách nhiệm bồi thường. Ngân sách nhà nước không bố trí nguồn lực để xử lý các nội dung này. Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nhấn mạnh: Việc Chính phủ trình không thuộc thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Phải dựa vào căn cứ pháp lý, chứ không thể làm cái gì không có căn cứ được.
Hồi đáp ý kiến này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nêu lý do: Trước đây, khi mở đường, đáng lẽ đền bù mỗi bên thêm 7 - 8 mét, nhưng tiết kiệm giải phóng mặt bằng khiến dân ở rất gần đường mới dẫn đến bị thiệt hại như trên. Tuy vậy, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển vẫn không đồng tình với lý lẽ này, ngắt lời Bộ trưởng: "Cái này Thường vụ nắm được cả, nhưng trách nhiệm dân sự thuộc về ai? Sao lại xử lý như thế này?”
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận trách nhiệm xử lý thuộc về Chính phủ |
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đặt vấn đề: “Quan điểm là thiệt hại cho dân thì phải bồi thường, nhưng trách nhiệm ở đâu và tiền ở đâu?” Theo ông Bình, ảnh hưởng của việc thi công phải được đặt ra ngay từ đầu. Nếu Chính phủ biết điều đó mà cứ ép nhà thầu phải làm thì đó là trách nhiệm của Chính phủ. Còn nếu nhà thầu biết có thiệt hại mà vẫn làm, không mua bảo hiểm thì đó là trách nhiệm của họ. Ông Bình cũng nhắc đến phương án đưa ra toà xử, làm tiền lệ sau này cả công trình nhà nước cũng đưa ra toà chứ không quay lại nhà nước xử lý.
Quan điểm này được Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đồng đình. Theo bà, về trách nhiệm dân sự thì luật quy định rất rõ ràng về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trong việc này nếu lỗi là do thi công, nhà thầu phải bồi thường. Còn nếu Chính phủ có cam kết chịu trách nhiệm thì lúc đó lấy tiền của Chính phủ. Còn nếu không thì ra toà.
Được hỏi ý kiến, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cũng khẳng định đây là trách nhiệm của nhà thầu và cơ quan thiết kế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho rằng Thường vụ không có căn cứ để xem xét nội dung Chính phủ trình. Phó chủ tịch lưu ý vai nào ra vai đấy, cần tránh Thường vụ làm thay và can thiệp sâu vào công việc cụ thể của điều hành. Đây là quan hệ trực tiếp giữa nhà thầu với dân, không phải cái gì liên quan đến lợi ích của dân cũng đưa lên Thường vụ. Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển nêu yêu cầu của Thường vụ là việc đền bù do thi công dự án gây thiệt hại cho 35 ngàn hộ dân cần được xử lý thấu đáo, nhưng đây là trách nhiệm dân sự thực hiên theo luật dân sự, không liên quan đến hoạt động của ngân sách, nếu dùng ngân sách để xử lý thì tạo nên tiền lệ không hợp lý, ông Hiển kết luận.