Báo chí Cách mạng Việt Nam đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc tại Hà Nam
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc động viên ngư dân Thừa Thiên - Huế
- Lễ đón chính thức Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Singapore
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. |
Tại buổi gặp mặt, đồng chí Thuận Hữu, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã ôn lại truyền thống báo chí cách mạng, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng và của dân tộc ta. Đặc biệt, trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, báo chí đã tích cực tuyên truyền có hiệu quả về các sự kiện quan trọng của đất nước, như: tuyên truyền về các Nghị quyết của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, Chỉ thị của Ban Bí thư, Bộ Chính trị, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền triển khai thực hiện các đạo luật đã được sửa đổi, ban hành; tuyên truyền, phản ánh đậm nét các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ; tích cực phát hiện, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, thành tựu công cuộc đổi mới; kiên quyết đấu tranh với những hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực; tham gia giám sát, phản biện xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân...
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí và đại biểu tham dự buổi gặp mặt... |
Phát biểu tại cuộc gặp gỡ báo chí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, 93 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí Cách mạng Việt Nam luôn là lực lượng nòng cốt nhất, giữ vai trò quan trọng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, không ngừng trưởng thành vững mạnh về mọi mặt; đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thay mặt Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Thủ tướng gửi tới lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc tốt đẹp nhất tới đội ngũ những người làm báo. Đồng thời nêu rõ, những năm qua, báo chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đưa tin đầy đủ, kịp thời, phản ánh mọi mặt đời sống xã hội; đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái; những biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống...
Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập Báo CAND; Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Tổng Biên tập Báo QĐND và Ông Tô Quang Phán, Tổng Giám đốc, Tổng biên tập Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội phát biểu tại buổi gặp mặt. |
Toàn cảnh buổi gặp mặt. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cho rằng, báo chí nước nhà còn có những hạn chế cần nghiêm túc đánh giá và sớm khắc phục. Việc phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin mở ra những phương thức truyền thông hiện đại, tổ chức sản xuất thông tin mới. Báo in đối mặt với sự sụt giảm mạnh về doanh thu, độc giả. Báo điện tử phải cạnh tranh quyết liệt với mạng xã hội, công tác quản lý còn bất cập. Người làm báo chưa bám sát tôn chỉ mục đích báo chí, có trường hợp còn chạy theo yếu tố thương mại, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, một chiều, giật gân, câu khách gây bức xúc xã hội… Cá biệt có nhà báo đã bị xử lý hình sự.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí trên cả nước tại buổi gặp mặt. |
Thủ tướng mong muốn các nhà báo làm tốt hơn nhiệm vụ thông tin tuyên truyền được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đồng thời đề nghị các bộ ban ngành, cơ quan truyền thông nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như lưu ý tập trung tuyên truyền đến nhân dân các vấn đề thời sự, đảm bảo đúng đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.
Báo chí cần tiếp tục phát huy vai trò lực lượng nòng cốt trong đấu tranh chống lại các thế lực thù địch; tích cực đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; chủ động bác bỏ những nội dung bôi nhọ, bịa đặt, vu khống, gây chia rẽ nội bộ, làm mất đoàn kết trong Đảng và trong xã hội.
Nhân dịp này, Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành, địa phương thực hiện tốt quy chế người phát ngôn; phối hợp chặt chẽ với cơ quan báo chí, truyền thông các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin tuyên truyền, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin cho báo chí về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, của địa phương; tình hình quốc tế, khu vực và những vấn đề nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm...; đồng thời yêu cầu Bộ Công an, các địa phương, cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm các hành vi cản trở, đe dọa, xâm phạm trên mọi hình thức đối với nhà báo trong thực thi nhiệm vụ. Nhà báo, người làm báo chân chính phải được bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình và tạo mọi điều kiện thuận lợi để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Phát biểu tại buổi gặp, Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân đề xuất ngoài việc giảm, miễn thuế cho các báo, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ giá giấy cho các báo, khôi phục nhà máy sản xuất giấy in báo. Bày tỏ băn khoăn với việc các báo đầu tư rất nhiều để phát triển báo điện tử nhưng các nhà mạng lại được lợi từ việc thu tiền từ người truy cập, Thiếu tướng Phạm Văn Miên đề nghị cần có quy định để các nhà mạng phải chia lại số doanh thu này cho các báo… Ông Tô Quang Phán, Tổng Giám đốc, Tổng biên tập Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội chia sẻ bức xúc với việc nhiều chương trình truyền hình chưa kết thúc nhưng các trang thông tin điện tử đã lấy clip đăng lên và các nhà mạng hưởng lợi, trong khi đài không thu được gì. Hiện các đài truyền hình địa phương đang đối diện với cuộc cách mạng về công nghệ thay đổi rất chóng mặt mà muốn đầu tư cần có chi phí rất lớn. Đồng thời khẳng định, các đài địa phương không thể tự lo được số kinh phí này. Do đó, ông Tô Quang Phán kiến nghị Chính phủ nên có cơ chế đầu tư công nghệ cho phát thanh truyền hình nói riêng và cho báo chí nói chung… |