Tiếp thêm lực cho cờ vua nam Việt Nam

Thứ Năm, 17/10/2024, 08:28

Ít ngày trước, Liên đoàn cờ vua thế giới (FIDE) đã công nhận chuẩn kiện tướng quốc tế (IM) đối với 2 kỳ thủ trẻ của Việt Nam, đang thuộc đội cờ vua Hà Nội, là Đầu Khương Duy và Bành Gia Huy. Vui là thế nhưng rõ ràng vẫn cần tiếp thêm lực để cờ vua nam vững vàng ở sân chơi thế giới.

Tiếc nuối vì lý do khó đỡ

Trong số này, Bành Gia Huy vừa tham dự Giải cờ vua đồng đội thế giới (Olympiad) 2024 ở Hungary. Đó là giải đấu danh giá thu hút toàn bộ kỳ thủ mạnh nhất thế giới tham dự. Quan trọng nhất là thể thức thi đấu tại giải giúp đánh giá chính xác đẳng cấp thực sự của một nền cờ vua. Bởi với thể thức này, thi đấu cờ tiêu chuẩn, 1 kỳ thủ cũng không thể gánh toàn bộ đội tuyển mà quan trọng nhất là sự “mạnh đều” của các kỳ thủ trong đội tuyển đó. Có như vậy mới mong giành chiến thắng chung cuộc ở mỗi ván đấu.

Tiếp thêm lực cho cờ vua nam Việt Nam  -0
Đội tuyển cờ vua nam Việt Nam trước 1 ván đấu ở Olympiad 2024.

Ở giải đó chàng trai 15 tuổi Bành Gia Huy, tân vô địch quốc gia, đã cùng đàn anh Đại kiện tướng quốc tế Trần Tuấn Minh được giao nhiệm vụ thi đấu ở bàn 4. Kết thúc giải đấu, đội tuyển Việt Nam xếp hạng 25 bảng mở rộng và kết quả của đội cũng một phần đến từ việc 2 kỳ thủ thi đấu ở bàn 4 có nhiều ván đấu không thể kiểm soát tình thế để hoàn thành mục tiêu tối thiểu. 6 ván đầu, đội tuyển nam có khởi đầu trong mơ khi trong 3 đội dẫn đầu. Nhưng trong 5 ván cuối, đội không thể giữ được mạch trận thắng và hòa đầy ấn tượng như ở 6 ván đầu. Trong đó, sự non kinh nghiệm của Bành Gia Huy hay sự chững lại của Trần Tuấn Minh mới bộc lộ rõ. Không kịp khắc phục điểm yếu này, đội tuyển trôi dần xuống hạng 25 chung cuộc. HLV đội nam, Đại kiện tướng quốc tế Bùi Vinh cũng từng tiếc nuối khi đội “trôi” từ nhóm tranh huy chương xuống nhóm không còn cơ hội giành huy chương. Nhưng ông Bùi Vinh cũng phải thừa nhận rằng, kết quả trên phản ánh đúng về chất lượng của cờ vua nam Việt Nam hiện nay.

Đến đây, người trong cuộc mới thấm thía về việc lực lượng không đồng đều để căng sức thi đấu ở một giải đấu đồng đội đẳng cấp cao nhất thế giới. Đó cũng là vấn đề tồn tại từ nhiều năm nay của cờ vua Việt Nam bắt nguồn từ việc hạn chế thi đấu quốc tế. Bởi trong cả đội tuyển nam dự Olympiad vừa qua, chỉ Lê Quang Liêm có hành trang thi đấu quốc tế dày dặn nhất và được ghi nhận bằng vị trí thứ 15 thế giới hiện nay. Các tuyển thủ còn lại cũng không thể có điều kiện thi đấu quốc tế nhiều như Lê Quang Liêm liên quan đến vấn đề kinh phí. Hoặc nếu không, như trường hợp Bành Gia Huy, lại cần đủ thời gian để bồi đắp tài năng dù kinh phí thi đấu quốc tế không phải là vấn đề với kỳ thủ này.

Kiên nhẫn khắc phục

2 tân Kiện tướng quốc tế của cờ vua Việt Nam là Bành Gia Huy, Đầu Khương Duy hiện đều đang được gia đình, doanh nghiệp hỗ trợ tối đa để thi đấu quốc tế. Có lẽ cũng vì vậy mà tiến độ đạt danh hiệu Kiện tướng quốc tế của cả hai cũng là nhanh so với nhiều kỳ thủ Việt Nam. Cả hai đều chưa quá 15 tuổi và đều đang có tiềm năng phát triển thành Đại kiện tướng quốc tế trong vòng vài ba năm tới.

Như nhận xét của nhiều chuyên gia, nếu chỉ trông vào nguồn kinh phí từ nhà nước, cả Bành Gia Huy, Đầu Khương Duy sẽ khó đạt danh hiệu Kiện tướng quốc tế ngay trong năm 2024. Và xa hơn, càng khó nói đến cơ hội giành danh hiệu Đại kiện tướng quốc tế. Lúc ấy, ước mong về một đội hình đồng đều của đội cờ vua nam Việt Nam tại Olympiad cũng như tại sân chơi ASIAD càng khó thành hiện thực. Nhưng rất may, cả hai đều được gia đình và một số doanh nghiệp quan tâm, hỗ trợ nên được thi đấu quốc tế liên tục để từ đó được bồi đắp kinh nghiệm, bản lĩnh thi đấu.

Nhưng kể cả khi được hỗ trợ như vậy thì cả hai kỳ thủ này cũng như một số kỳ thủ trẻ khác cũng vẫn cần thời gian để có thể đáp ứng kỳ vọng. Theo nhận định của Đại kiện tướng quốc tế Bùi Vinh, cũng phải mất vài năm nữa để có một đội hình nam Việt Nam đồng đều tại Olympiad. Tất nhiên, phải đi kèm với mức đầu tư ít nhất như hiện nay, có thể lên đến tiền tỷ mỗi năm cho mỗi kỳ thủ trẻ hiện nay. Không kể, vẫn cần đến định hướng đầu tư rõ ràng hơn cho môn thể thao này khi đã chứng tỏ giá trị của mình. Điều đó cũng đã thể hiện tại Olympiad vừa qua, khi về thành tích cá nhân, kỳ thủ Lê Tuấn Minh đã giành HCĐ ở bàn thi đấu số 3. Đó cũng là chuyện hiếm trong làng cờ vua Việt Nam tại một giải đấu quy tụ tới hơn 190 đội. Còn nếu vẫn chỉ nhận mức đầu tư đều tay như hiện nay thì khó có thể xem đó là tín hiệu về việc xem trọng môn thể thao trí tuệ này trong hệ thống thể thao thành tích cao ở Việt Nam.

Cho nên câu chuyện tiếp thêm lực cho cờ vua nam Việt Nam để có vị thế tương xứng với thực lực của mình ở thế giới không đơn thuần chỉ là sự đầu tư từ nguồn xã hội hóa cho vài kỳ thủ trẻ. Đó còn là sự nhìn nhận đúng và đủ về vị thế, tiềm lực, uy tín quốc tế của môn thể thao này, nơi các VĐV Việt Nam có thể thi đấu sòng phẳng với các kỳ thủ khác trên thế giới ở những sân chơi có cả trăm đội tuyển mạnh nhất thế giới.

Mong có nhiều hơn Đại kiện tướng quốc tế

Cờ vua Việt Nam đang có các Đại kiện tướng quốc tế gồm Lê Quang Liêm, Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Lê Tuấn Minh, Nguyễn Anh Dũng, Trần Tuấn Minh, Đào Thiên Hải, Nguyễn Huỳnh Minh Huy, Từ Hoàng Thông, Nguyễn Đức Hòa, Bùi Vinh, Nguyễn Văn Huy, Cao Sang.

Cuối tháng 10 năm nay, đội cờ vua trẻ Việt Nam sẽ tham dự giải vô địch trẻ thế giới 2024 dành cho cờ tiêu chuẩn diễn ra tại Brazil. Dự kiến các gương mặt Đầu Khương Duy, Bành Gia Huy sẽ có mặt thực hiện ước mơ giành danh hiệu Đại kiện tướng quốc tế của mình.

Minh Khuê

Minh Hà
.
.
.