Thể thao thành tích cao Công an nhân dân năm 2023: Nhiều dấu ấn mạnh mẽ
Hoàn thành trọn vẹn mục tiêu đóng góp huy chương cho Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32, ASIAD 19 hay có VĐV giành vé trực tiếp tham dự Olympic 2024… là những dấu ấn đáng nhớ của thể thao thành tích cao Công an nhân dân (CAND) trong năm 2023.
Ít nhưng phải tinh
So với nhiều đơn vị, địa phương khác, thể thao thành tích cao CAND không phát triển nhiều môn thể thao thành tích cao. Đây cũng là định hướng chung từ nhiều năm nay bởi việc xây dựng, phát triển các môn phải bám vào đặc thù của ngành cũng như cơ hội tranh huy chương ở cấp độ quốc tế. Cũng vì vậy, thể thao CAND thường duy trì khoảng trên dưới 20 môn thể thao thành tích cao theo hướng ít môn nhưng phải tinh.
Trong năm 2023, với thể thao thành tích cao Việt Nam, hai sân chơi quan trọng nhất là ASIAD 19 và SEA Games 32 bên cạnh các vòng loại tranh vé dự Olympic 2024.
Trong đó, SEA Games 32 dù không còn là ưu tiên hàng đầu nhưng vẫn là sân chơi để thể thao Việt Nam và nhiều nước khẳng định vị thế. Cho nên, Thái Lan mới cử gần 900 VĐV để tranh ngôi Nhất toàn đoàn, chủ nhà Campuchia cũng đưa hàng loạt VĐV đi tập huấn dài hạn ở nước ngoài bên cạnh việc nhập tích nhiều VĐV khác. Cũng bởi vậy, thể thao Việt Nam chỉ đặt mục tiêu vào nhóm 3 đoàn dẫn đầu với hy vọng giành từ 89 HCV đến 120 HCV. Trong hành trình chinh phục các mục tiêu ấy, những VĐV CAND trong các đội tuyển quốc gia cũng nhận được kỳ vọng nhất định.
Cuối cùng, trong thành tích dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương với 136 HCV, 105 HCB, 114HCĐ của thể thao Việt Nam, các VĐV CAND đóng góp 4 HCV, 4 HCB, 6 HCĐ. Đáng chú ý, 2 nội dung mà VĐV CAND đóng góp HCV ở Kata (biểu diễn quyền) đồng đội nữ ở môn Karate và đội tuyển nữ 4 người ở môn cầu mây cũng là những nội dung được “tính toán” cho mục tiêu tranh HCV ở ASIAD 19, diễn ra sau SEA Games 32 khoảng hơn 5 tháng.
Nói về ASIAD 19, cho đến trước khi diễn ra khai mạc sân chơi này, đến các nhà quản lý, chuyên gia cũng rất kiệm lời về khả năng tranh chấp HCV để có thể hoàn thành mục tiêu giành tối thiểu 2 HCV. Đấy là điều dễ hiểu khi thể thao Việt Nam không có nhiều cơ hội rõ rệt để tranh HCV ở ASIAD 19, nơi nhiều đoàn có lực lượng VĐV hùng hậu, vượt trội.
Nếu xét kỹ, các nhà quản lý lúc đó cũng chỉ kỳ vọng vào nội dung đội tuyển nữ 4 người (cầu mây) và Kata đồng đội nữ (Karate). Tuy nhiên, cơ hội rõ rệt hay không còn phụ thuộc vào sự thay đổi lực lượng của các đối thủ cạnh tranh vào phút chót. Thế nên, trong những cuộc trao đổi với giới truyền thông trước ASIAD 19, lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT CAND hay các HLV bộ môn Karate, cầu mây của trung tâm cũng đều “khẩn khoản” rằng: “Đừng đề cập nhiều đến khả năng tranh chấp HCV tại ASIAD 19 của các cháu”.
Thượng tá Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT CAND lúc đó cũng chia sẻ rằng các thầy cô ở trung tâm chỉ có thể nhắn, động viên các VĐV đang tập trung ở đội tuyển quốc gia, nhất là những nội dung có thể tranh chấp HCV ASIAD 19 và không hề đề cập đến áp lực thành tích. Tất cả cũng nhằm để các VĐV có sự tập trung tối đa trước khi bước vào Đại hội. Và đấy cũng là một trong những cách đóng góp, chung sức cùng các đội tuyển quốc gia có sự góp mặt của VĐV CAND để thực hiện mục tiêu ở ASIAD 19.
Cuối cùng, mục tiêu về HCV của thể thao Việt Nam cũng hoàn thành với việc giành 3 HCV, 5 HCB và 19 HCĐ. Trong số này, VĐV CAND đóng góp vào 2 tấm HCV ở nội dung đội tuyển nữ 4 người (cầu mây) – VĐV Nguyễn Thị Ngọc Huyền; Kata đồng đội nữ (Karate) – VĐV Nguyễn Ngọc Trâm. Cùng với Hà Nội, thể thao CAND là đơn vị có VĐV đóng góp nhiều HCV nhất cho thể thao Việt Nam tại ASIAD 19. Nếu tính kỹ, với chỉ 9 VĐV góp mặt trong thành phần Đoàn Thể thao Việt Nam dự ASIAD 19 nhưng có tới 2 VĐV giành HCV thì đó là tỷ lệ cao nhất về số VĐV góp mặt/ HCV trong các đơn vị, địa phương đóng góp VĐV cho Đoàn Thể thao Việt Nam dự ASIAD 19. Và đó cũng là thành tích tốt nhất tại một kỳ ASIAD của thể thao CAND.
Bên cạnh thành tích tại SEA Games 32 cũng như ASIAD 19, dấu ấn khác của thể thao CAND còn đến từ tấm vé dự Olympic 2024 của xạ thủ Trịnh Thu Vinh ở nội dung 10m súng ngắn hơi nữ. Cho đến lúc này, thể thao Việt Nam mới có 3 vé trực tiếp dự Olympic 2024 trong đó, duy nhất Trịnh Thu Vinh được trao vé cá nhân trực tiếp.
Và đương nhiên, cũng phải kể đến thành tích hàng trăm huy chương tại các giải quốc tế và trong nước khác của VĐV CAND ở các môn như điền kinh, bắn súng, các môn võ thuật… Tất cả thực sự là sự tôn vinh định hướng phát triển thể thao thành tích cao gắn với đặc thù của ngành Công an mà thể thao CAND lựa chọn lâu nay.
Còn nhiều mục tiêu khác
Trong dịp trao đổi gần đây, Thượng tá Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT CAND bảo rằng, thành tích của thể thao CAND trong cả năm 2023 bắt đầu từ quá trình gây dựng, đào tạo VĐV từ nhiều năm trước theo một định hướng, cách làm xuyên suốt. Ở đó, luôn có sự quan tâm, sát sao của lãnh đạo Bộ Công an, sự nỗ lực vượt khó của các HLV, VĐV. Dù vậy, ngay lúc này, các HLV, VĐV của trung tâm cũng đã gác lại những gì đạt được trong năm 2023 để hướng tới những mục tiêu mới.
Thực tế, về cơ sở vật chất phục vụ tập luyện và cả cơ chế đặc thù cho VĐV góp mặt ở đội tuyển quốc gia, giành thành tích quốc tế, thể thao CAND còn phải tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thể thao thành tích cao. Ngay ở Hà Nội, từ đầu năm 2024, thành phố Hà Nội cũng bắt đầu áp dụng chế độ thu hút, đãi ngộ đặc thù đối với VĐV, HLV đạt thành tích cao của thể thao Hà Nội. Nhờ vậy, thu nhập VĐV. HLV có thể bảo đảm ở mức cao hơn 2-3 lần trước đây nếu giành HCV giải đấu từ cấp độ Đông Nam Á trở lên, hay được hưởng chế độ nếu được tập trung ở đội tuyển quốc gia…
Dù vậy, khả năng thích nghi, điều chỉnh của thể thao CAND từ nhiều năm qua đã thể hiện rõ với những thành tích cụ thể nên những người làm thể thao ở đây vẫn sẽ tiếp tục hướng tới những mục tiêu khác trong đó có tạo điều kiện để xạ thủ Trịnh Thu Vinh thể hiện tốt nhất khả năng, trình độ chuyên môn ở Olympic 2024 hay tiếp tục xây dựng lực lượng để đóng góp cho Đoàn Thể thao Việt Nam ở SEA Games 33 tại Thái Lan. Xa hơn còn là chuẩn bị lực lượng tốt nhất nhằm giữ vị trí trong nhóm 10 đoàn dẫn đầu tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2026.
Và ngay từ bây giờ, tất cả đều xem những gì đạt được trong năm 2023 như động lực để duy trì và nâng cao vị thế cho thể thao thành tích cao CAND trong năm tới và những năm tiếp theo…
Không dễ ở Đại hội Thể thao toàn quốc
Ngay hiện nay, nhiều địa phương, ngành đã chuẩn bị lực lượng cho Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2026 – nơi được xem như sân chơi đánh giá chất lượng đào tạo của thể thao thành tích cao của cả nước. Việc nhiều địa phương chỉ đầu tư một số môn, nội dung mũi nhọn khiến khả năng tranh chấp HCV tại Đại hội của thể thao CAND sẽ bị hạn chế đáng kể.
Thế nên, không dễ để thể thao CAND vào nhóm 10 đoàn dẫn đầu Đại hội.
Minh Khuê