Thấy gì từ vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á?

Thứ Tư, 08/09/2021, 08:56

Lần đầu tiên Việt Nam bước tới vòng loại cuối cùng của World Cup cũng là lần đầu tiên, bóng đá nước nhà được tiệm cận với những giá trị “cao cấp” của giới thượng lưu trong ngành công nghiệp không khói. Từ đó, không khó để nhìn thấy một số đặc tính quen thuộc tại các nền bóng đá hàng đầu.

Thế nào là “hàng đầu”?

Bóng đá châu Á phân hoá bản đồ rất quyền lực. Có 5 đại diện châu Á chưa từng đứng thấp hơn vị trí thứ 3 ở vòng bảng vòng loại cuối cùng của các kỳ World Cup gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Saudi Arabia và Australia. Tức là, 4,5 vé dự ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới tại châu Á về cơ bản là nằm trong tay nhóm những đội vừa kể trên.

Mặt khác, lại phải nói thêm 5 cường quốc bóng đá khu vực kể trên đều đại diện cho một giá trị nào đó hàng đầu khu vực. Lấy ví dụ thế này: Nhật Bản là quốc gia có số lượng cầu thủ thi đấu ở châu Âu nhiều nhất trong khi Hàn Quốc là nền bóng đá châu Á có thành tích tốt nhất ở một kỳ World Cup. Trong khi đó, giải VĐQG Iran có hệ số xếp hạng cao nhất khu vực Tây Á theo chấm điểm của AFC, còn giải VĐQG Saudi Arabia là giải bóng đá có giá trị thương mại lớn nhất châu Á. Australia thậm chí còn là trường hợp đặc biệt khi là một trong hai quốc gia (bên cạnh Mỹ) thuộc Top 50 FIFA có hệ thống thi đấu nhà nghề nhượng quyền, không có luật lên-xuống hạng.

anh 2 (1).jpg -0
Vòng loại cuối cùng World Cup 2022 rõ ràng là sân chơi ở đẳng cấp khác biệt so với những gì Đội tuyển Việt Nam từng trải nghiệm.

Như vậy, vòng loại thứ ba World Cup khu vực châu Âu là sân chơi của giới tinh hoa và phần còn lại. Để phá vỡ nhóm “5 dòng kẻ” này hoàn toàn không đơn giản nếu chưa muốn nói là “khó hơn lên giời”. Lịch sử các vòng loại châu Á mới chứng kiến Bahrain và Jordan tìm được vé đi play-off liên khu vực và tất nhiên, đó đều là những tia hy vọng chợt loé lên rồi vụt tắt.

Hãy nghe Xavi, người đã gắn bó với Qatar suốt 5 năm qua mô tả về bóng đá châu Á: “Vào thời điểm Qatar giành quyền đăng cai World Cup 2022, ĐTQG tại đây chắc chắn không dám mơ tới việc tìm vé dự World Cup theo đường chính ngạch. Bây giờ, khi Qatar là ĐKVĐ châu Á, đã thắng cả Nhật Bản và Hàn Quốc ở một số trận địa thì nếu bước ra sân chơi vòng loại, xác suất vẫn là 50-50”.

Uzbekistan, nền bóng đá “hạng hai” ở châu Á cũng đã tiêu tốn vô số tiền của cho giấc mơ World Cup. 15 năm qua, LĐBĐ Uzbekistan mất 32 triệu USD ký hợp đồng, trả lương và đền bù hợp đồng cho các HLV đảm nhiệm vị trí thuyền trưởng. Có vé dự World Cup ở châu Á, trên thực tế, là cuộc cạnh tranh khốc liệt mà ở đó, cái giá phải trả là rất nhiều thời gian và tiền bạc.

Oman, một thế lực đang lên

3/5 đối thủ ở bảng B thuộc nhóm hàng đầu và ngoài người hàng xóm Trung Quốc với những kế hoạch bóng đá tỷ USD, Oman chính là một ẩn số cần giải mã. Một giám sát trận đấu của VFF khi tới Muscat làm nhiệm vụ đã kể lại câu chuyện thế này với phóng viên về sự chịu chi của những người đứng đầu bóng đá Oman: Với tất cả quan chức, cán bộ tới Oman làm việc cho một trận đấu thuộc AFC, LĐBĐ Oman sẽ cử xe riêng đưa đón với từng người trong suốt quá trình công tác. Oman có thể là cái tên xa lạ với các khán giả Việt Nam nhưng chiến thắng 1-0 trước Nhật Bản của họ đã cho thấy năng lực, tầm vóc và khát khao khổng lồ của quốc gia này.

Vốn dĩ, Oman chỉ thực sự có giải bóng đá chuyên nghiệp từ năm 2014. Nhưng từ năm 2010, Cố quốc vương Qaboos bin Said đã tài trợ quỹ phát triển bóng đá trẻ vì mục tiêu World Cup 2026 với gói tài trợ trị giá 6,7 triệu USD/năm. Ước tính, LĐBĐ Oman đầu tư không dưới 15 triệu USD/năm cho các chương trình tìm kiếm và phát triển tài năng.

Ở vòng loại thứ hai, Oman chỉ chịu thua Qatar và hai thất bại đó đều diễn ra với cách biệt 1 bàn. Thậm chí nếu may mắn hơn, Oman đã góp mặt ở vòng loại cuối cùng World Cup 2018 khi năm ấy, họ cũng xếp nhì bảng nhưng đen đủi không nằm trong nhóm đội nhì bảng xuất sắc nhất do… kém hiệu số. Như vậy, bóng đá Oman đã phát triển theo hình đồ thị đi lên suốt 4 năm qua, tức là hai thế hệ nhân sự nổi tiếp.

Cú đấm quyết định được LĐBĐ Oman đưa ra cho chiến dịch World Cup 2022 là việc bổ nhiệm Branko Ivankovic, HLV thành công nhất bóng đá châu Á cấp CLB trong 10 năm qua. Chiến lược gia người Croatia từng vô địch quốc gia ở Trung Quốc, Iran và tại xứ Ba Tư, ông được mệnh danh là Sir Alex của bóng đá Iran nhờ thành tích 3 danh hiệu vô địch quốc gia liên tiếp với Persepolis. Cho tới thời điểm này, Ivankovic chính là HLV nước ngoài nhận lương cao nhất cho một lần bổ nhiệm tại một ĐTQG Tây Á, với thu nhập lên tới 3,8 triệu USD/năm khi dẫn dắt Oman từ tháng 1/2020. 3,8 triệu USD là con số rất lớn trên bình diện công việc của một HLV cấp quốc tế. Hãy tưởng tượng Zlatko Dalic khi đưa Croatia tới ngôi Á quân World Cup 2018 chỉ nhận lương 700.000 USD/năm.

Nói ngắn gọn, các đội bóng châu Á muốn dự World Cup phải đảm bảo hai yếu tố: Con người rất giỏi và tài chính rất mạnh. Đây xem ra vẫn là công thức chung cho sự thành công của nền bóng đá như Arsene Wenger tổng kết trong hội nghị trực tuyến các nền bóng đá đang phát triển: Muốn đốt cháy giai đoạn, bạn phải bỏ ra rất nhiền tiền!

Ra biển lớn là chấp nhận hy sinh “chỉ số”

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên trong gần 18 tháng, ĐT Việt Nam không có bất kỳ trận đấu chính thức cấp quốc tế nào trước khi tham dự vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á. Do yếu tố hoàn cảnh nên ĐT Việt Nam không bị rơi khỏi Top 100 FIFA từ năm 2020 tới nay.

Tuy nhiên tới vòng loại cuối cùng, nơi các đối thủ đều là nhưng đội bóng có trình độ vượt trội, thất bại là thực tế giới chuyên môn và người hâm mộ cần chuẩn bị tinh thần đón nhận.

Trong trường hợp Việt Nam không có bất kỳ chiến thắng nào ở vòng loại này, thầy trò HLV Park Hang Seo chắc chắn sẽ không nằm trong Top 100 FIFA sau khi năm thi đấu 2021 khép lại. Mặt khác, chúng ta cần tối thiểu là 4 điểm, tương đương 1 thắng và 1 hoà trong loạt trận tháng 10 và 11 để đảm bảo không rơi khỏi Top 100 khi bước sang năm 2022.

 

Đơn Ca
.
.
.