Sự trở lại của chuyên gia ngoại boxing nữ

Thứ Năm, 16/11/2023, 07:20

Từ đầu tháng 11 này, chuyên gia người Thái Lan Tawan Mungphingklang đã quay lại Việt Nam làm việc cùng đội nữ boxing Hà Nội. Đó không chỉ là niềm vui của đội boxing nữ Hà Nội mà còn có thể là với cả đội boxing nữ Việt Nam.

Dấu ấn đậm nét

Trên trang cá nhân mạng xã hội Facebook, Á quân hạng 50kg boxing nữ thế giới 2023 Nguyễn Thị Tâm không giấu được sự vui mừng khi tái ngộ người thầy ở Hà Nội. Những bức ảnh giữa cô và chuyên gia Tawan Mungphingklang (gọi tắt là Tawan) ở Hà Nội những ngày qua càng cho thấy bầu không khí, hiệu ứng tích cực từ lần trở lại Việt Nam này của ông Tawan.

Gần 2 năm trước, khi tình hình của các đội tuyển boxing Thái Lan đang có chiều hướng đi xuống về thành tích, ông Tawan đã được Liên đoàn boxing Thái Lan gọi về nước để tham gia huấn luyện các đội tuyển. Những nhà quản lý boxing ở Thái Lan đánh giá rất cao tài năng và sự tận tâm với nghề của ông Tawan. Họ tin rằng, ông sẽ sớm đưa boxing Thái Lan hoàn thành mục tiêu ở các đấu trường quốc tế. Cũng vì trách nhiệm với đội tuyển quốc gia nên ông Tawan đành chia tay đội nữ boxing Hà Nội, để lại nhiều hụt hẫng, tiếc nuối cho các nhà quản lý, HLV và các học trò.

Trước đó, trong khoảng hơn 8 năm gắn bó với boxing nữ Hà Nội, cũng như với đội tuyển nữ Việt Nam tập trung khu vực phía Bắc, cho đến khi về Thái Lan vào đầu năm 2022, chuyên gia Tawan đã chứng tỏ được sự “mát tay” của mình. Trong đó, nhiều thành tích của VĐV Hà Nội trong đội tuyển quốc gia được xem là dấu mốc lịch sử của boxing Việt Nam như tấm HCĐ tại Giải vô địch thế giới năm 2019 của Nguyễn Thị Hương; HCV Giải vô địch châu Á năm 2017 và tấm vé dự Olympic Tokyo 2020 của Nguyễn Thị Tâm. Bên cạnh đó là những tấm HCV tại  SEA Games năm 2015 và 2019…

Trong số những võ sĩ từng được chuyên gia Tawan huấn luyện và thành danh, nổi bật nhất đương nhiên là Nguyễn Thị Tâm. Từ một VĐV trẻ thi đấu chỉ bằng sự năng nổ, nhiệt tình, Nguyễn Thị Tâm đã ngày càng tiến bộ về chiến thuật thi đấu dưới bàn tay huấn luyện của chuyên gia Tawan. Thế nên, từ năm 2016, Nguyễn Thị Tâm đã vô đối ở hạng 51kg nữ tại Việt Nam, giành HCV Giải vô địch châu Á năm 2017, giành HCĐ ở ASIAD 2018, giành vé dự Olympic Tokyo 2020. Và sau đó, kể cả khi chuyên gia Tawan về nước thì những dấu ấn của ông vẫn hiện hữu trong những thành tích của Nguyễn Thị Tâm, trong đó có lần thứ hai giành ngôi vô địch châu Á năm 2022 (trở thành võ sĩ Việt Nam đầu tiên hai lần vô địch châu Á), giành ngôi Á quân thế giới năm 2023…

Còn các nhà quản lý boxing Hà Nội cũng cho rằng, trong thời gian làm việc tại Việt Nam cho đến đầu năm 2022, ông Tawan không chỉ nâng tầm cho các VĐV Việt Nam cũng như Hà Nội mà còn giúp nâng tầm cho nhiều HLV của Hà Nội.

1.jpg -0
Chuyên gia Tawan Mungphingklang được kỳ vọng tiếp tục mang đến thành công cho boxing nữ Việt Nam cũng như Hà Nội.

Giải pháp tối ưu

Quả thực, khi về Thái Lan, thành tích của ông Tawan với đội tuyển quốc gia nước này trong vai trò quản lý chung đội tuyển cũng như huấn luyện đội nam cũng khá ấn tượng. Tại SEA Games 32, đội tuyển boxing Thái Lan giành tới 9 HCV để khẳng định vị thế hàng đầu Đông Nam Á. Ở ASIAD 19 vừa qua, dù đội boxing Thái Lan không giành HCV nhưng thông qua thành tích thi đấu tại sân chơi này, cũng có 5 võ sĩ Thái Lan (3 nữ, 2 nam) giành vé tham dự Olympic 2024. Trong khi đó, boxing Việt Nam với niềm hy vọng Nguyễn Thị Tâm đã không thể giành tấm vé dự Olympic tại sân chơi này.

Đó có lẽ cũng là một phần lý do để ông Tawan quyết định quay lại Hà Nội khi nhận được lời mời của những người quản lý boxing nữ Hà Nội. Trở lại để hỗ trợ các học trò đang thực hiện những mục tiêu còn dang dở như giành vé dự Olympic 2024, cũng là để gặt hái thêm những thành công với boxing nữ Việt Nam, nơi mà ông Tawan luôn đánh giá cao về tiềm năng. Rõ ràng, với trình độ của mình, ông Tawan hoàn toàn có thể tìm được công việc ở nước khác với mức lương cao hơn nhiều lần so với khi làm việc tại Việt Nam. Nhưng cái tình với Việt Nam đã đưa ông trở lại. Thực tế, sau khi về nước, ông Tawan vẫn hỗ trợ boxing Hà Nội dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có hỗ trợ tập huấn đội boxing nữ quốc gia cũng như Hà Nội tập huấn tại Thái Lan.

Sau khi chuyên gia Tawan trở về nước vào năm 2022, cũng có những động thái để tìm chuyên gia ngoại cho đội nữ boxing Hà Nội. Nhưng so đi tính lại, với mức lương tối đa dành cho chuyên gia nước ngoài mà ngành Thể thao Hà Nội đang áp dụng, khoảng 2.500 USD/tháng thì cũng khó tìm được chuyên gia nước ngoài ưng ý. Cũng vì vậy, trong lúc chờ cái duyên với chuyên gia ngoại theo hướng “ngon, bổ, rẻ”, các nhà quản lý boxing tại Hà Nội vẫn trông vào đội ngũ HLV nội.

Ngay ở Hà Nội, cựu võ sĩ nổi tiếng Nguyễn Như Cường vừa kiêm vai trò quản lý – phụ trách đội boxing nữ Hà Nội, vừa tham gia huấn luyện các võ sĩ nữ. Những thành tích quốc tế vẫn đến với các võ sĩ Hà Nội nhưng bản thân ông Nguyễn Như Cường cũng hiểu rằng vẫn cần đến một chuyên gia ngoại có khả năng thích nghi với điều kiện sống, tập luyện thi đấu tại Việt Nam để cùng “chia lửa” với các HLV nội.

Thế nên, khi mời được chuyên gia Tawan quay lại làm việc với boxing nữ Hà Nội, những nhà quản lý thể thao cũng như boxing Hà Nội thực sự hào hứng, như trút đi được nỗi lo tìm chuyên gia ngoại bấy lâu. Đơn giản, ông Tawan đã quá thông thuộc, hiểu cặn kẽ về các điều kiện tập luyện tại Hà Nội cũng như các VĐV của Hà Nội. Hiểu cách khác, các chuyên gia ngoại khác, nhất là chuyên gia từ châu Âu, sẽ mất ít nhất từ 3-6 tháng để tìm hiểu, thích nghi với điều kiện tập luyện, thi đấu, tính cách, thể trạng của VĐV rồi mới có thể đưa ra phương án huấn luyện. Còn với trường hợp chuyên gia Tawan, sẽ không cần đến khoảng thời gian đó và quan trọng nhất là khả năng của ông đã được kiểm chứng, đủ để tạo niềm tin vào kết quả huấn luyện trong thời gian tới.

Chỉ cần nhìn vào sự hào hứng của các võ sĩ Hà Nội ít ngày sau khi chuyên gia Tawan trở lại cũng thấy những tín hiệu tích cực cho boxing nữ Hà Nội. Và đương nhiên là cả với đội tuyển nữ Việt Nam khi nhiều võ sĩ Hà Nội vẫn đang là nòng cốt của đội.

Minh Hà
.
.
.