Sao cho xứng danh trọng điểm

Thứ Tư, 06/10/2021, 07:03

Giai đoạn này cũng là lúc ngành Thể thao xây dựng kế hoạch hoạt động cho năm 2022 trong đó có việc lập danh sách VĐV trọng điểm nhằm phục vụ các mục tiêu lớn như SEA Games 31, ASIAD 19 và cũng như các mục tiêu lâu dài. Quan trọng nhất là chọn đúng người để đầu tư, để xứng danh “trọng điểm”.

Bước tiến lớn

Cách đây vài năm, người trong ngành Thể thao vẫn đau đáu câu chuyện về đầu tư theo kiểu cào bằng. Khi ấy, chế độ cho VĐV có khả năng giành huy chương Olympic, HCV ASIAD hay SEA Games cũng như nhiều VĐV khác. Điều đó đương nhiên ảnh hưởng đến động lực của những VĐV hàng đầu, không làm rõ vai trò và vị trí của họ trong hành trình chinh phục các đỉnh cao các sự kiện thể thao quan trọng của thể thao Việt Nam. Không kể về chế độ ăn, tiền công tập luyện mà ngay cả điều kiện ở cũng là điều dễ thấy. Cứ như quan điểm về “trọng điểm” thì khi VĐV diện này phải ở tại các phòng có điều kiện tương đương khách sạn 3 sao, dành cho các chuyên gia. Tuy nhiên, các VĐV từ diện hàng đầu, có thể tranh chấp huy chương Olympic hay châu Á đến mức chỉ tranh chấp huy chương SEA Games cũng đều ở phòng như nhau tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia.

Còn sau đó, ngành Thể thao đã quyết định mức đầu tư cho VĐV trọng điểm và đó được xem là bước tiến lớn của ngành. Gần đây, mức đầu tư cho VĐV trọng điểm lên tới 400 nghìn đồng/ngày cho tiền ăn, 400 nghìn đồng/ngày cho tiền công tập luyện. Ít ra, đó cũng là động thái ghi nhận tài năng của các VĐV hàng đầu và VĐV tiềm năng có khả năng vươn lên hàng đầu thế giới, châu lục dù mức này vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu cho đầu tư VĐV đỉnh cao. Tuy nhiên, đó đã là nỗ lực lớn của ngành Thể thao khi nguồn đầu tư đều từ ngân sách. Và cũng vài năm gần đây, câu chuyện “cào bằng” mới lắng xuống. Ngay trong năm 2021, thể thao Việt Nam cũng xây dựng danh sách VĐV trọng điểm với gần 100 VĐV.

Việc đầu tư trọng điểm từ cấp Trung ương cũng tạo hiệu ứng, lan tỏa về các địa phương để các địa phương xây dựng chế độ “trọng điểm” cho VĐV. Một số địa phương, như Hà Nội, còn tính toán để các VĐV trọng điểm của mình được ở tại khu nhà dành cho chuyên gia.

Còn hiện tại, danh sách VĐV trọng điểm của thể thao Việt Nam 2022  đang được xem xét với khoảng 200 VĐV để từ đó chọn khoảng 100 VĐV từ nhiều môn. Trong số này, nếu không có bất ngờ thì 11 môn thể thao của Việt Nam có VĐV dự Olympic Tokyo 2020 gồm bắn súng, điền kinh, thể dục dụng cụ, cử tạ, bơi, đua thuyền rowing, boxing, bắn cung, cầu lông, judo, taekwondo sẽ có VĐV góp mặt.

Đương nhiên, nhiều VĐV trong danh sách này sẽ trong diện được nhắm đến giành HCV ở ASIAD 19 tại Trung Quốc, SEA Games 31 tại Việt Nam trong năm 2022 cũng như chuẩn bị cho vòng loại Olympic 2024. Như chia sẻ của Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn thì: "Danh sách VĐV trọng điểm của thể thao Việt Nam từ nhiều năm qua luôn được Tổng cục TDTT xem xét kỹ và tham khảo từng bộ môn để chuẩn bị cho những giải đấu quan trọng trong năm”.

quach-thi-lan-(1).jpg -0
VĐV điền kinh Quách Thị Lan trong danh sách VĐV được đầu tư trọng điểm năm 2021.

Tầm nhìn và nguồn đầu tư

Trong cuộc làm việc mới đây cùng Tổng cục TDTT, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cũng chỉ đạo, thể thao Việt Nam phải sắp xếp lại nguồn lực để có sự chuẩn bị tốt nhất ASIAD 19 tại Hàng Châu (Trung Quốc) và Olympic năm 2024 diễn ra tại Pháp. Ngoài ra, phải mạnh dạn lựa chọn những VĐV trẻ tài năng có khả năng giành thành tích cao đôn lên tuyển quốc gia đầu tư trọng điểm nhằm làm mới lực lượng.

Rõ ràng, định hướng trên mang tầm nhìn rõ rệt trong định hướng đầu tư cho các VĐV trọng điểm. Ông Dương Đức Thủy, nguyên phụ trách bộ môn điền kinh (Tổng cục TDTT) từng nhận định rằng, chỉ trong môn điền kinh, tầm nhìn khi xác định VĐV trọng điểm trong năm phải dựa vào mục tiêu ngắn, trung và dài hạn. Mục tiêu ngắn hạn, trung hạn có thể là các sự kiện trong năm đó cũng như năm sau và mục tiêu dài hạn không phải là 1 chu kỳ Olympic mà phải là 2 chu kỳ Olympic.

Ý kiến của ông Dương Đức Thủy cũng có thể liên hệ với nhiều môn khác để hiểu cho đúng, cho đủ khi xác định VĐV trọng điểm của từng môn. Bởi rõ ràng, quan trọng nhất phải là xác định đúng người để người được nhận mức trọng điểm cũng tự thấy xứng đáng, còn người ra quyết định chọn VĐV trọng điểm cũng không bị điều tiếng. Ông Dương Đức Thủy kể rằng, từng có lúc chỉ chọn 7 VĐV của bộ môn để đề xuất đầu tư trọng điểm trong năm tiếp theo dù bộ môn được phép đề xuất nhiều hơn.

“Tuy nhiên, phải nhận thấy VĐV xứng đáng thì mình mới đề xuất. Chứ biết là VĐV chựng lại về chuyên môn hoặc do chỉ muốn tăng thu nhập cho VĐV mà đề xuất đầu tư trọng điểm thì cũng không nên” – ông Dương Đức Thủy nói. Tất cả để thấy vai trò của bộ phận phụ trách bộ môn trong đề xuất danh sách VĐV trọng điểm để đầu tư hằng năm của từng môn. Làm đúng, chuẩn và không cảm tính tưởng là lý thuyết nhưng thực hiện lại không dễ.

Không kể, để có thể xác định chính xác VĐV trọng điểm lại căn cứ vào việc xác định nhóm môn trọng điểm trong giai đoạn 2022-2030 mà ngành Thể thao đang tập trung xây dựng. Trong đó đương nhiên phải ưu tiên các VĐV trọng điểm nhóm 1, nhóm có khả năng tranh chấp HCV ASIAD hay giành vé hoặc có thể giành huy chương Olympic.

Bên cạnh đó, vấn đề vẫn được quan tâm chính là đa dạng nguồn lực đầu tư cho nhóm VĐV trọng điểm. Đó cũng là mong muốn của Tổng cục TDTT bởi thực tế, số lượng VĐV thuộc diện trọng điểm có khi còn nhiều hơn số VĐV được quyết định đầu tư trọng điểm. Tất cả cũng đều bắt nguồn từ hạn chế từ nguồn ngân sách. Không kể, có thêm nguồn lực cho hỗ trợ cho VĐV trọng điểm thì họ càng có động lực thi đấu để luôn trong diện được hưởng chế độ tốt nhất trong làng thể thao Việt Nam.

Ông Hoàng Quốc Vinh – Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 (Tổng cục TDTT) kể rằng, nguồn lực xã hội hóa ở nhiều môn thể thao vẫn còn nhiều. Ngay những VĐV boxing hàng đầu Việt Nam đang có nhiều cơ hội nhận đầu tư từ các doanh nghiệp. Ngay như tay đấm hàng đầu của boxing Việt Nam hiện nay là Nguyễn Văn Đương (Bắc Ninh) cũng đang nhận được sự đầu tư từ một câu lạc bộ boxing chuyên nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh.

Nữ võ sĩ Nguyễn Thị Tâm (Hà Nội), cựu vô địch boxing nữ châu Á năm 2017, cũng được một CLB đào tạo võ sĩ chuyên nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh mời vào thi đấu cho CLB này. Cho nên, nếu các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia phát huy được vai trong việc hỗ trợ những VĐV trọng điểm thì sẽ tạo nguồn lực đáng kể để VĐV trọng điểm càng yên tâm tập luyện, thi đấu, tạo cơ sở cho những thành công của chính họ và thể thao Việt Nam.

Cũng còn một nguồn khác là từ chính các đơn vị chủ quản của VĐV. Trong quá khứ và hiện nay, nhiều đơn vị vẫn đang chung tay đầu tư VĐV thuộc đơn vị cùng Tổng cục TDTT. Về việc này, ông Đào Quốc Thắng – Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội từng khẳng định, trung tâm cũng sẵn sàng chung tay cùng Tổng cục TDTT để đầu tư thêm cho những VĐV Hà Nội có tên trong danh sách VĐV trọng điểm quốc gia hằng năm.

Có tầm nhìn đi cùng việc xác định giai đoạn đầu tư cho từng VĐV cũng như sự chung tay từ nhiều phía sẽ góp phần giúp các VĐV trọng điểm thêm động lực phấn đấu. Nhờ đó, cách làm trên sẽ giúp thể thao Việt Nam phát huy tối đa hiệu quả và bền vững.

Cần liên tục tổng kết, đánh giá

Một vấn đề khác cũng được các chuyên gia, nhà quản lý quan tâm chính là phải có tổng kết, đánh giá nghiêm túc về thành tích của các VĐV thuộc nhóm trọng điểm sau mỗi năm. Chính điều này sẽ tác động đáng kể đến hiệu quả đầu tư cho nhóm VĐV này.

Minh Khuê

Minh Hà
.
.
.