Những câu chuyện bên lề giải Boxing trẻ toàn quốc
Là sân chơi dành cho vận động viên lứa tuổi thanh thiếu niên, Giải vô địch Boxing trẻ toàn quốc 2023 đã diễn ra và khép lại với những câu chuyện không thể lường trước. Nhưng tranh cãi chỉ là vỏ ngoài của những mâu thuẫn vốn tồn tại trong lòng Boxing Việt Nam những năm qua.
Dấu hỏi về trọng tài
Một trong những chủ đề tạo nhiều ý kiến trái chiều nhất ở Giải vô địch Boxing trẻ toàn quốc 2023 là công tác trọng tài. Trong khoảng 5-6 ngày thi đấu liên tiếp của giải, luôn có 1-2 đoàn nộp đơn khiếu nại, chấm lại trận đấu vào ngày tiếp theo. Đi kèm là không ít hình ảnh phản cảm được các đoàn thể hiện.
Trong một lần phản đối kết quả, các vận động viên và khán giả thuộc đoàn Quân Đội đã tràn xuống khu vực nhà thi đấu. Một số cá nhân quá khích còn có lời qua tiếng lại với lực lượng an ninh, thậm chí ném chai nước về phía bàn giám sát trọng tài. Mọi chuyện càng căng thẳng hơn khi đơn vị Quân Đội khiếu nại thành công.
Với môn Boxing, việc đảo ngược kết quả một trận đấu nhờ khiếu nại và chấm lại là rất hy hữu. Trên thực tế, trong số tất cả các trận đấu có khiếu nại ở Giải vô địch Boxing trẻ toàn quốc 2023, chỉ có Quân Đội đảo ngược kết quả thành công. Việc đó khiến không ít người đặt giả thuyết có một "thế lực ngầm" chi phối giải. Để hiểu rõ hơn về câu chuyện liên quan đến đơn vị Quân Đội, chúng ta có thể nhìn lại những sự vụ trong quá khứ.
Năm 2016, tại đêm chung kết giải đấu Boxing tranh đai Let's Viet, võ sĩ Trịnh Thị Diễm Kiều (Quân Đội) được chấm điểm giành chiến thắng dù Nguyễn Thị Tâm (Hà Nội) thi đấu tốt hơn. Không hài lòng trước kết quả được các trọng tài đưa ra, Nguyễn Thị Tâm đã xin nghỉ thi đấu. Nữ võ sĩ sinh năm 1994 thậm chí đã làm hồ sơ ứng tuyển vị trí nhân viên an ninh cấp cao của một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Bộ hồ sơ của Nguyễn Thị Tâm có lẽ vẫn đang nằm ở đâu đó trong phòng tuyển dụng của tập đoàn này, nhưng cô đã chuyển ý nhờ một nỗ lực khó tin. Giải Boxing tranh đai Let's Viet khi ấy thực chất chỉ là một giải đấu mang nhiều ý nghĩa về mặt giải trí trên sóng truyền hình. Nhưng nhà tài trợ giải đấu lúc đó cũng là Chủ tịch Liên đoàn Boxing Việt Nam (VBF), ông Trần Minh Tiến. Với tinh thần chấm điểm công khai, khách quan và minh bạch, Chủ tịch VBF đã mời một trọng tài quốc tế từ Thái Lan đến chấm lại trận đấu. Không phải các trọng tài Việt Nam, mà chính trọng tài Thái Lan khi ấy đã quyết định phần thắng thuộc về Nguyễn Thị Tâm.
Kết thúc giải, VBF cũng tiến hành làm mới đội ngũ trọng tài bằng việc tổ chức các khóa học, đào tạo trọng tài Boxing quốc gia. Những trọng tài tốt nhất còn được cử theo học các khóa đạt chuẩn quốc tế. Đằng sau những hoạt động bồi dưỡng chất lượng đội ngũ trọng tài là tham vọng không để một thế lực nào chi phối những người cầm cân nảy mực.
Những bài học trong quá khứ, tiêu biểu như giải Let's Viet khiến VBF không muốn chuyện tương tự diễn ra. Do đó, câu chuyện về những "thế lực ngầm", nếu có, luôn bị VBF cố gắng đẩy lùi. Đội ngũ trọng tài Boxing quốc gia hiện tại có những người là HLV Quân Đội, nhưng điều đó không có nghĩa là họ có thể chi phối giải đấu. Mọi hành vi không đúng mực của đoàn Boxing Quân Đội cũng bị Ban tổ chức nêu tên, yêu cầu kỷ luật. Ví dụ tiêu biểu nhất chính là công văn chỉ đích danh một khán giả gây rối tại giải vừa qua, là một tuyển thủ Boxing quốc gia của đoàn Quân Đội.
Những tuyển thủ "ảo"
Không gây ồn ào như công tác trọng tài, nhiều vận động viên đến tham dự giải Boxing trẻ toàn quốc với danh nghĩa thành viên đội tuyển trẻ quốc gia. Khoảng 2 tuần trước khi giải chính thức diễn ra, Tổng cục TDTT (nay là Cục TDTT) có quyết định triệu tập 2 HLV và 18 VĐV lên đội tuyển nữ trẻ. Phần lớn VĐV đến từ những đơn vị thuộc khu vực Tây Nam Bộ và trung du miền núi phía Bắc.
Câu chuyện sẽ không có điểm bất thường nếu như nhiều VĐV thuộc đội tuyển trẻ quốc gia thi đấu thua sút so với VĐV không lên tuyển. VĐV Lường Ánh Tuyết (Sơn La) đã nhận thất bại ngay trận đầu tiên khi chạm trán Huỳnh Thị Vũ Duyên (Quảng Ngãi), người sau đó lên ngôi vô địch. Trận đấu thậm chí diễn ra với thế trận một chiều, và trọng tài phải dừng ở hiệp 3 vì Vũ Duyên quá áp đảo. Trong số 18 võ sĩ được tập trung lên đội tuyển nữ trẻ quốc gia, chỉ có một vài gương mặt thi đấu đúng phong độ như Trần Thanh Tuyền (Cần Thơ) và Sông Thị Kim Ngân (Lào Cai). Nhiều tuyển thủ trẻ quốc gia thuộc 2 đơn vị Cao Bằng, Thái Nguyên thậm chí rời giải mà không có thành tích nào đáng kể.
Trước danh sách gây tranh cãi của đội tuyển Boxing nữ trẻ quốc gia, đội tuyển Boxing Việt Nam cũng khiến khán giả bất ngờ với danh sách dự kiến các tuyển thủ tham dự giải Boxing trẻ châu Á 2023. Danh sách này không có VĐV nào thuộc 2 đơn vị mạnh có truyền thống phát triển Boxing trẻ là Hà Nội và Quân Đội.
Đâu là nguyên nhân khiến những gương mặt xuất sắc nhất không được gọi lên các đội tuyển Boxing quốc gia? Tại sao các VĐV của Sơn La, Lào Cai, Thái Nguyên, Cao Bằng lại tập trung ở TP Hồ Chí Minh, dù đội tuyển nữ có một đội tập luyện tại Hà Nội? Đằng sau cách bố trí tập huấn lạ thường đó là những câu chuyện hậu trường, nơi VBF không có quyền can thiệp nhân sự đội tuyển quốc gia.
Theo Luật Thể dục Thể thao, quyền triệu tập đội tuyển quốc gia thuộc về Liên đoàn Thể thao quốc gia. Nhưng trừ bóng đá, đội tuyển của phần lớn các môn thể thao tại Việt Nam vẫn được triệu tập theo Tổng cục TDTT (nay là Cục TDTT). Vì thế, không phải lúc nào những VĐV tốt nhất cũng được gọi lên tuyển.
Người lớn và ảnh hưởng lên tư duy con trẻ
Không hài lòng trước kết quả chấm điểm từ các trọng tài, trong ngày thi đấu 19/7, 3 võ sĩ của đơn vị Hà Nội nam đã xin thua ngay sau khi bước lên đài chuẩn bị đấu với đối thủ Quân Đội. Chuỗi trận xin thua này chỉ dừng lại trong ngày thi đấu tiếp theo, khi một VĐV là con trai của HLV trong đội lên thi đấu.
Chia sẻ về hình ảnh lên đài xin thua của các VĐV đội Boxing Hà Nội nam, HLV của một địa phương khác (xin được giấu tên) bình luận: "VĐV không bao giờ dám tự ý xin bỏ cuộc, nhất là VĐV trẻ. Bọn nhóc chỉ làm vậy nếu được HLV yêu cầu. Đúng là họ có thể không hài lòng về cách chấm điểm của trọng tài, nhưng khuyên VĐV bỏ cuộc, không thi đấu thì không nên chút nào".
Trái ngược với hình ảnh bỏ cuộc xin thua của VĐV Hà Nội, phía Quân Đội khẳng định họ trở thành đội Boxing nam số 1 Việt Nam nhờ tư duy "không từ bỏ". Ngay cả khi bước vào chạm trán với đối thủ mạnh hơn mình, các VĐV Quân Đội cũng chấp nhận thi đấu, và chỉ dừng lại khi đã cố gắng chơi hết sức mình.