“Nhà nghèo” chỉ lo trụ hạng

Thứ Năm, 16/06/2022, 08:13

Trong khi các đội bóng vẫn rầm rộ chiêu mộ cầu thủ ngoại thì những đội bóng thuộc diện “nhà nghèo” tại Giải vô địch bóng chuyền quốc gia năm 2022 như Hà Nội (nam) và Vĩnh Phúc (nữ) vẫn đứng ngoài cuộc. Đơn giản vì nguồn kinh phí duy trì đội bóng không cho phép họ “rộng tay” tuyển quân và chỉ chuyên tâm lo trụ hạng mùa này.

Nhiều đường đi những chung cảnh ngộ

Nếu phải chọn ra những đội eo hẹp kinh phí trong các đội nam, nữ tham dự Giải vô địch bóng chuyền quốc gia thì đội nam Hà Nội và đội nữ Vĩnh Phúc được xem như điển hình.

Đội nam Hà Nội từ lâu nay đã được biết đến như trường hợp vượt khó điển hình ở cả Giải vô địch hạng A cũng như Giải vô địch quốc gia. Ở giải hạng A, nơi hầu hết đội bóng đều hoạt động dựa trên nguồn kinh phí nhà nước, Hà Nội cũng không hơn các đội khác. Không có nhà tài trợ, không chiêu mộ được những VĐV giỏi từ nơi khác, hoàn toàn dựa vào dàn cầu thủ “cây nhà lá vườn” trưởng thành từ hệ thống đào tạo của mình, đội nam Hà Nội cũng hoàn thành mục tiêu trở lại sân chơi vô địch quốc gia – giải đấu danh giá nhất trong hệ thống thi đấu quốc gia vào hơn 2 năm trước.

Nhưng từ đó đến nay, trong 2 lần tham dự Giải vô địch quốc gia, đội bóng này vẫn không thoát được tiếng “nghèo” dù đến từ một trung tâm thể thao lớn nhất cả nước. Nguồn kinh phí vẫn chằn chặn từ phía nhà nước trong khi công tác xã hội hóa giậm chân tại chỗ. Lãnh đội cũng chạy đôn chạy đáo, vận dụng đủ các quan hệ cá nhân, người quen nhưng cuối cùng vẫn không tìm được nhà tài trợ cho đội.

Nguồn tài trợ lý tưởng, ước tính khoảng 3 tỷ đồng, sẽ đủ để hỗ trợ thu nhập, dinh dưỡng cho toàn bộ đội bóng và đương nhiên, giúp họ yên tâm cống hiến cho đội bóng hơn. Nhưng cuối cùng, nguồn tài trợ ấy vẫn chưa xuất hiện. Trong khi còn chờ có nhà tài trợ, thầy trò của đội vẫn phải thi đấu bằng sự khát khao, bằng quyết tâm khẳng định bản thân và chút sĩ diện của đội bóng hậu bối CLB Bưu điện Hà Nội vang danh một thuở. Những năm trước đã vậy và đến năm nay, tình hình cũng vẫn vậy, vẫn là chung sống với khó khăn về kinh phí.

Trong khi đó, ở giải nữ, chỉ trong gần 2 năm qua, cái tên Vĩnh Phúc thực sự gây chú ý. Mùa giải 2021, với sự tài trợ mạnh tay từ Tập đoàn FLC, đội bóng này gắn tên Bamboo Airway để thi đấu ở giải hạng A với mục tiêu thăng hạng. Cũng từ đó, hàng loạt hợp đồng đình đám với đã được đội bóng thực hiện, biến Bamboo Airway Vĩnh Phúc trở thành cái tên sáng giá nhất ở giải hạng A.

Với nguồn tài chính dồi dào, lực lượng vượt trội nên Bamboo Airway Vĩnh Phúc đã hoàn thành mục tiêu thăng hạng. Và đương nhiên, đội bóng không lên hạng để cho vui mà nhắm tới mục tiêu trong nhóm dẫn đầu ở Giải vô địch quốc gia. Nhưng những vấn đề khó khăn từ Tập đoàn FLC đã khiến đội bóng không còn nhà tài trợ trước mùa giải 2022. Đã xuất hiện thông tin đội bóng xin rút lui khỏi Giải vô địch quốc gia 2022 nhưng cho đến gần đây phía đội bóng vẫn khẳng định sẽ tham dự giải bằng nguồn kinh phí từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc. Thế là chỉ trong vòng 2 năm, từ một đội bóng còn khó khăn rồi vụt thành “đại gia” và lại trở về với những cái khó muôn thuở, hành trình của đội nữ Vĩnh Phúc thực sự có nhiều diễn biến kịch tính, khó lường.

bóng chuyền nữ mùa giải 2021.jpg -0
Đội nữ Vĩnh Phúc (áo trắng) thi đấu ở Giải vô địch bóng chuyền hạng A năm 2021.

Chỉ mong ở lại sân chơi vô địch quốc gia

Cái khó của những đội nam Hà Nội và nữ Vĩnh Phúc hoàn toàn có thể thấy ở việc “chiêu binh mãi mã” trước Giải vô địch bóng chuyền quốc gia 2022. Ở mùa giải này, các đội bóng đã được chiêu mộ cầu thủ ngoại sau nhiều năm chỉ thi đấu bằng cầu thủ nội. Thế là nhiều đội dồn dập chiêu mộ cầu thủ ngoại. Trong khi đó, cả hai đội bóng trên đều không thể thực hiện việc này.

Ông Bùi Đình Lợi, Trưởng bộ môn bóng chuyền – bóng rổ (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội) kể rằng, cơ chế tài chính ở đội bóng không cho phép thuê cầu thủ ngoại. Nếu có cũng khó đáp ứng khi mức lương của cầu thủ ngoại đều ở khoảng 5.000 USD/tháng. Với đội bóng hoạt động dựa vào nguồn kinh phí nhà nước thì đó là điều bất khả thi. Và nếu muốn có cầu thủ ngoại thì chỉ còn trông vào sự hỗ trợ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đội bóng vẫn không có doanh nghiệp đồng hành. Trong khi mục tiêu thiết thực nhất với đội về kinh phí chỉ là tìm được doanh nghiệp hỗ trợ cho các cầu thủ thay vì tuyển mộ cầu thủ ngoại.

Hiện tại, bên cạnh tiền ăn, cầu thủ của đội chỉ có thu nhập từ tiền công tập luyện khoảng 4,5 triệu – 4,8 triệu đồng. Người có trách nhiệm với đội ước tính chỉ cần 3 tỷ đồng đề hỗ trợ cầu thủ hằng tháng thì đội bóng hoàn toàn tự tin hướng đến mục tiêu trụ hạng mà không cần tăng cường cầu thủ ngoại. Và khi chưa có thêm nguồn kinh phí ngoài nhà nước, đội cũng chỉ biết cố gắng trụ hạng trong mùa giải 2022.

Cái may ở đội bóng là cầu thủ luôn xác định gắn bó, chia sẻ với các thầy, nhà quản lý bằng cái tình, bằng sự tự hào khi đại diện cho bóng chuyền thủ đô Hà Nội nên đó cũng là cơ sở để hy vọng trụ hạng.

Trong khi đó, đội nữ Vĩnh Phúc cũng không còn đặt những mục tiêu xa xôi khi nguồn kinh phí không còn dư dả như ở mùa giải 2021. Mục tiêu trụ hạng cũng trở nên thiết thực nhất đi kèm nỗi lo không biết tương lai sẽ thế nào.

Hai đại diện cho cái khó ở nội dung nam, nữ của Giải vô địch bóng chuyền quốc gia 2022 đều có những vấn đề của mình. Điều đó chỉ có thể giải quyết bằng sự đồng hành của doanh nghiệp bên cạnh sự vững chắc của hệ thống đào tạo trẻ nếu cả hai muốn giữ tên lâu dài ở sân chơi cao nhất của bóng chuyền quốc gia. Giờ thì có vẻ là quá muộn để đổi phận ở mùa giải 2022. Nhưng cũng chưa muộn để tính đến nguồn kinh phí cho những mùa giải sau.

Ngoại binh trở lại

Giải bóng chuyền cúp Hoa Lư – Bình Điền 2022 đang diễn ra tại Ninh Bình chứng kiến các cầu thủ ngoại trở lại thi đấu tại sân chơi bóng chuyền Việt Nam sau 11 năm vắng mặt. Sự xuất hiện của cầu thủ ngoại đã tạo nên những kết quả ấn tượng trong đó có trận thắng 3-2 của Hà Tĩnh (với ngoại binh Napadet Bhinijdee từ Thái Lan) trước Thể Công. Điều này càng báo hiệu sự thất thế của những Hà Nội (nam), Vĩnh Phúc (nữ) ở mùa giải quốc gia sắp tới khi không sở hữu cầu thủ ngoại trong đội hình.

Minh Khuê

Minh Hà
.
.
.