Bóng chuyền nữ Việt Nam: Đổi mới, trẻ hóa là tất yếu

Thứ Hai, 10/10/2016, 09:25
Đội bóng chuyền nữ Việt Nam đang thi đấu tại giải quốc tế VTV Cúp 2016 tổ chức tại Hà Nam. Chưa bao giờ, người làm chuyên môn thấy rằng, bóng chuyền nữ (cấp độ đội tuyển) lại trẻ hóa mạnh mẽ đến vậy. Tuổi đời của những tuyển thủ đang thi đấu trong màu áo đội tuyển chỉ 20, 21.

Đâu rồi các cô gái Thông tin

Đội tuyển nữ Việt Nam đặt mục tiêu vô địch VTV Cúp 2016. Ai cũng biết, giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cúp đã là một thương hiệu riêng của bóng chuyền Việt Nam và thuộc hệ thống thi đấu của Liên đoàn Bóng chuyền châu Á.

Vì vậy, thành tích của đội tuyển tại giải sẽ là bộ mặt chung của bóng chuyền nữ nước nhà. Trước giải VTV Cúp năm nay, đội tuyển nữ do huấn luyện viên trưởng Thái Thanh Tùng chỉ đạo đã dự Cúp bóng chuyền nữ châu Á 2016 tại Vĩnh Phúc.

Không ai nói ra nhưng mọi người hiểu rằng, cuộc cọ xát tại Cúp bóng chuyền châu Á 2016 chuẩn bị cho thi đấu VTV Cúp 2016 ngay sau đó. Dàn cầu thủ mà huấn luyện viên Thái Thanh Tùng tin dùng trong chiến lược trẻ hóa của mình có thể kể đến Nguyễn Linh Chi (26 tuổi), Đinh Thị Thúy (18 tuổi), Trần Thanh Thúy (19 tuổi), Lê Thanh Thúy (21 tuổi), Lê Thị Hồng (22 tuổi), Nguyễn Kim Liên (23 tuổi)...

Giai đoạn hiện tại, đội tuyển nữ chỉ có 1 cầu thủ thuộc Bộ Tư lệnh Thông tin (đơn vị đang quản lý đội bóng Thông tin Lienvietpostbank) là vận động viên chuyền 2 Nguyễn Linh Chi. Sau một thập kỷ, bóng dáng của những cô gái bóng chuyền Thông tin đã vắng mặt đáng kể trên đội tuyển.

Trong giai đoạn mười năm đã qua và nhiều thế hệ trước, mỗi khi nhắc về đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia mọi người luôn nghĩ ngay quân số của Bộ Tư lệnh Thông tin phải chiếm đa số.

Thế hệ gần nhất với những Phạm Thị Yến, Đỗ Thị Minh, Phạm Thu Trang, Trần Thị Thảo, Phạm Kim Liên, Đào Thị Huyền, Tạ Diệu Linh giờ đã không còn trên đội tuyển.

“Những cầu thủ hiện tại là những người tốt nhất của bóng chuyền nữ và được lựa chọn có thẩm định chuyên môn. Bóng chuyền Bộ Tư lệnh Thông tin vẫn còn cầu thủ tốt như phụ công Bùi Thị Ngà, chủ công Âu Hồng Nhung nhưng họ bị chấn thương nên chúng tôi không tập trung lên tuyển. Quan trọng nhất là tập thể tạo được một gắn kết làm nên sức mạnh đồng nhất nên không phân biệt cầu thủ của đội bóng nào được tập trung thì mọi giải đấu đều thành công”, ông Thái Thanh Tùng chia sẻ.

Cuộc chuyển hóa lực lượng là điều phù hợp. Tại Đông Nam Á, bóng chuyền nữ Thái Lan luôn xưng danh ngôi số 1 nhưng qua từng năm, họ vẫn đưa một số vận động viên trẻ lên đội tuyển để tạo dựng lứa kế thừa. Chúng ta đang đi theo phương thức ấy.

Với nhiều người hâm mộ cả nước, sự vắng mặt của cầu thủ thuộc bóng chuyền Bộ tư lệnh Thông tin ở đội tuyển là hụt hẫng.

Từng có thời điểm, đội hình ra sân chính thức 6 người của đội tuyển nữ Việt Nam thì 5 cầu thủ thuộc Bộ Tư lệnh Thông tin (chưa kể huấn luyện viên trưởng cũng là người của đội bóng này). Lúc ấy, nhiều đội bóng cũng buồn vì quân mình thật sự tốt lại không được góp mặt.

Theo thời gian, từ giải vô địch bóng chuyền châu Á 2015, SEA Games 28-2015 rồi VTV Cúp 2015, Cúp bóng chuyền nữ châu Á 2016 và VTV Cúp 2016, khi ông Tùng đảm nhiệm vị trí huấn luyện viên trưởng, cầu thủ trẻ được tập trung và sử dụng nhiều hơn. Mọi người vui vì tất cả đều là tinh hoa từ các đội bóng chứ không riêng lẻ bất kỳ câu lạc bộ nào.

Đội nữ Việt Nam đã tin dùng cầu thủ trẻ là trên hết.

Đàn chị còn hữu dụng

VTV Cúp 2016, ngôi sao đầu tàu của bóng chuyền nữ là Nguyễn Thị Ngọc Hoa đã không góp mặt. Vì thế, vai trò “chị cả” trong đội được ban huấn luyện giao trọng trách cho phụ công kỳ cựu Phạm Kim Huệ.

 Sau 3 năm vắng mặt, Kim Huệ bất ngờ được tập trung cùng đội tuyển từ năm 2016 này. Vai trò thủ lĩnh về chuyên môn của cô có thể chưa thật đậm nét.

Ở tuổi 35, không ai đòi hỏi được Kim Huệ chơi mạnh mẽ được như thời tuổi 20. Bù lại, cô là chỗ dựa tinh thần cho lớp đàn em.

Cầu thủ libero Thanh Tuyền từng chiêm nghiệm: “Có những đàn chị như chị Huệ thì chúng tôi là cầu thủ trẻ thấy tự tin hơn nhiều. Khi thi đấu, không phải lúc nào cũng dẫn điểm đối thủ được. Lúc tinh thần đi xuống thì cầu thủ nhiều kinh nghiệm như chị Huệ, chị Hoa đã xốc lại tập thể rất hữu hiệu”.

Trên sân đấu ở Vĩnh Phúc vừa qua, Kim Huệ vẫn sắm vai phụ công trong đội hình chính và trong thời điểm cần cắt bóng ghi điểm, cô đều thành công. Tối khai mạc VTV Cúp 2016 (ngày 8-10) tại Hà Nam, Kim Huệ là nhân tố quan trọng trong đội hình ra sân.

Khi những người kinh nghiệm nhất như Ngọc Diễm, Linh Chi, Kim Huệ ra nghỉ nhường chỗ cho đàn em trẻ, họ lại sắm thêm vai trò người mách nước chuyên môn cho từng vận động viên trong mỗi phút giải lao.

Hẳn thế, chiến thắng 3-0 trước đội Giang Tô (Trung Quốc) là sự khởi đầu hiệu quả của bóng chuyền nữ Việt Nam với thế hệ mới.

Phải cảm ơn huấn luyện viên Nguyễn Mạnh Hùng

Huấn luyện viên Nguyễn Mạnh Hùng là người kỳ cựu nhất nhì làng bóng chuyền Việt Nam. Năm 2014, ông Hùng được đảm nhiệm vị trí huấn luyện viên trưởng đội bóng chuyền nữ Việt Nam.

Khi đó, vị huấn luyện viên này gây bất ngờ bằng việc đưa lên tuyển nòng cốt là các cầu thủ lứa tuổi U.19, có thêm kết hợp của cầu thủ kinh nghiệm như Đỗ Thị Minh, Nguyễn Thị Ngọc Hoa. Lứa cầu thủ khi đấy trẻ tuổi đời là Hà Ngọc Diễm, Bùi Thị Ngà, Lê Thanh Thúy... đã thi đấu rất tốt.

Kết thúc giải năm đó, đội nữ Việt Nam vô địch VTV Cúp 2014. Nếu không có sự mạnh mẽ thay đổi của ông Nguyễn Mạnh Hùng, chắc chắn, đội tuyển nữ quốc gia vẫn chưa thoát khỏi câu chuyện mãi tin dùng cầu thủ kỳ cựu không thể dứt.

Năm nay, tại VTV Cúp 2016, những đối thủ của tuyển Việt Nam là tuyển Indonesia, đội Chonburi (Thái Lan), đội Nagasaki (Nhật Bản), đội trẻ Trung Quốc, đội Giang Tô (Trung Quốc) là đối thủ vừa tầm để cầu thủ Việt Nam tranh tài.

Nếu may mắn và thành công, ông Thái Thanh Tùng và cầu thủ trẻ Việt Nam đoạt chức vô địch VTV Cúp 2016 cũng sẽ không bất ngờ.

DP

Diệu Phương
.
.
.