Nguyễn Thị Ninh và nghị lực tuyệt vời của các VĐV thể thao đỉnh cao

Chủ Nhật, 07/05/2023, 07:08

Hình ảnh Nguyễn Thị Ninh ngã sõng soài sau khi về đích ở đường chạy marathon SEA Games 32 khiến người hâm mộ ngỡ ngàng. Đó là sự khắc nghiệt không chỉ của môn điền kinh, mà của hầu hết các môn thể thao đỉnh cao. Các vận động viên như Nguyễn Thị Ninh luôn phải đánh đổi rất nhiều để theo đuổi đam mê của bản thân, cũng như cống hiến tài năng cho nước nhà.

Chạy đến kiệt sức

Cuộc đua marathon SEA Games 32 trở nên đặc biệt khắc nghiệt khi thời tiết nắng nóng từ sáng sớm ở Siem Reap, Campuchia. Nhiều VĐV quyết định bỏ cuộc và nhiều người đã ngất vì sốc nhiệt. Ngay cả các tình nguyện viên ở các điểm chờ cũng cần chăm sóc y tế.

Bi hài nhất là trường hợp của vận động viên nhập tịch Campuchia, Yang Piseth - người vốn là niềm hy vọng vàng của nước chủ nhà ở nội dung này. Yang Piseth dẫn đầu vòng 1 và tràn đầy tự tin giành chiến thắng. Tuy nhiên, anh không thể hoàn thành cuộc đua vì say nắng. Hình ảnh Yang Piseth ngồi bệt trong bóng mát với gương mặt vô hồn cho thấy sự khó khăn của chặng marathon SEA Games 32.

Chính vì vậy, khi Nguyễn Thị Ninh về đích sau gần 4 tiếng đồng hồ và gục ngã, tất cả đều dâng lên cảm xúc cảm phục cô gái nhỏ 18 tuổi này. Thành tích của Nguyễn Thị Ninh kém xa nhóm giành huy chương. Lê Thị Tuyết về đích trước Nguyễn Thị Ninh 1 giờ, nhưng cũng chỉ có thể đoạt huy chương bạc.

Tuy nhiên, vấn đề không phải Nguyễn Thị Ninh đã chạy hết bao nhiêu thời gian mà nằm ở cách cô về đích. Ngay cả các vận động viên nam vốn dẻo dai hơn cũng có người bỏ cuộc, nhưng Nguyễn Thị Ninh thì không. Cô gái của đội Biên phòng đã chạy đến kiệt sức đúng theo nghĩa đen, để đến khi về đích thì không còn đủ sức lực để đứng vững. Nguyễn Thị Ninh đã phải nhờ đến xe lăn để di chuyển sau đó và phải thở oxy để hồi sức. Cô một lần nữa thể hiện nghị lực của mình khi từ chối đi cấp cứu tại bệnh viện. Điều này không chỉ nhấn mạnh quyết tâm của Nguyễn Thị Ninh, mà còn khẳng định cô làm chủ được sức lực của bản thân như thế nào.

Đó là hình ảnh tuyệt đẹp mà thể thao đỉnh cao mang lại. Khi người hâm mộ đã quá quen với những giọt nước mắt chiến thắng và thất bại, những niềm vui và nỗi buồn thuần túy từ kết quả thi đấu, thì Nguyễn Thị Ninh mang đến một trạng thái cảm xúc hoàn toàn khác.

Suy cho cùng, mục tiêu của thể thao không chỉ là nhanh hơn, cao hơn và xa hơn. Nó đôi khi là việc hoàn thành nhiệm vụ được giao, bằng mọi giá. Trong từ điển của một vận động viên chân chính không có từ “bỏ cuộc”, chỉ trừ khi sức lực của họ cạn kiệt hoàn toàn. Cần biết rằng thành tích cá nhân của Nguyễn Thị Ninh vốn tốt hơn nhiều. Tại Đại hội thể thao toàn quốc năm ngoái, cô giành huy chương bạc với thành tích 2 giờ 48 phút 29 giây, chỉ kém Lê Thị Tuyết hơn 1 phút.

Nguyễn Thị Ninh quê ở Bắc Giang. Trong kì đi tuyển quân, tìm năng khiếu cho điền kinh chạy dài, các HLV của thể thao Biên Phòng đã tìm thấy cô bé nhỏ nhắn này để rồi mời về tập luyện và đào tạo cho tới bây giờ. Ít ai ngờ rằng, Nguyễn Thị Ninh chỉ kịp tập và làm quen với cự ly marathon 42km khoảng 2 tháng trước Đại hội thể thao toàn quốc 2022 rồi được đăng kí thi đấu và giành huy chương. Thông tin này một lần nữa tô đậm nghị lực của Nguyễn Thị Ninh.

6-2.jpg -0
Nguyễn Thị Ninh ngã gục sau vạch đích marathon SEA Games 32.

Hình ảnh của VĐV thể thao đỉnh cao

Những gì Nguyễn Thị Ninh thể hiện là hình ảnh tiêu biểu của các VĐV thể thao đỉnh cao. Họ hy sinh, đánh đổi rất nhiều thứ để đổi lại đam mê và luôn thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo. Đằng sau các tấm huy chương là những nỗ lực phi thường từ ngày này qua tháng khác. Đặc biệt với các môn thể thao đặc thù như chạy marathon, các VĐV thậm chí rất khó chiếm được “hào quang rực rỡ” như các môn được đại chúng yêu thích khác. Sau cú ngã tại SEA Games 32, Nguyễn Thị Ninh được giới truyền thông nhắc đến và được người hâm mộ biết đến nhiều hơn. Nhưng điều đó có lẽ chỉ diễn ra trong thoáng chốc. Sau đó, rất ít người nhớ đến cô.

Đó là thực tế mà các VĐV như Nguyễn Thị Ninh chấp nhận. Một khi đã dấn thân vào thể thao đỉnh cao, họ sẽ chiến đấu cho bản thân, cho CLB và cho đội tuyển một cách vô điều kiện. Họ không mong cầu chiến thắng để đổi đời, mà đơn giản là giành thành tích về cho tập thể. Tất cả sẵn sàng hy sinh âm thầm vì vinh quang chung.

Đánh giá về Nguyễn Thị Ninh, Đoàn trưởng Đoàn thể thao bộ đội Biên Phòng – đại tá Hoàng Văn Khương cho biết “Em Ninh là một trong những gương mặt mà điền kinh Biên Phòng chúng tôi đào tạo từ năng khiếu sau khi tuyển chọn. Nói thật ít người biết chứ Ninh đã được tập và quen với chạy dài nhưng để bước vào thử sức đường chạy marathon 42km là không đơn giản. Nhất là, cuộc đấu ấy tại Đại hội thể thao toàn quốc. Chúng tôi chỉ động viên Ninh là cố gắng thi đấu chứ không tạo mục tiêu thành tích để VĐV bị áp lực. Kết quả có HCB cũng như đạt được thông số chuyên môn 2 giờ 48 phút 29 giây của Ninh rất đáng ghi nhận”.

Tại đấu trường quốc tế như SEA Games, nỗ lực của Nguyễn Thị Ninh càng đáng ca ngợi hơn. Không quá lời nếu nói rằng cô gái nhỏ này xứng đáng là tấm gương cho các VĐV noi theo. Trước khi nghĩ đến chiến thắng, bạn cần chiến đấu hết mình và không bao giờ bỏ cuộc vì bất cứ lý do nào.

Trong bối cảnh 5 VĐV điền kinh của Việt Nam bị tước huy chương tại SEA Games 31 vì dính doping, Nguyễn Thị Ninh giống như một điểm sáng lấy lại hình ảnh cho các VĐV thể thao đỉnh cao nước nhà trong mắt người hâm mộ.

An Khánh
.
.
.