Không dễ tìm thầy ngoại cho các kình ngư trọng điểm

Thứ Sáu, 03/09/2021, 07:30

Sau Olympic Tokyo 2020, các nhà quản lý bơi Việt Nam tiếp tục tập trung vào việc tìm chuyên gia ngoại cho kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên. Thế nhưng, sau khi HLV người Trung Quốc Huang Guo Hui (Hoàng Quốc Huy) qua đời đột ngột, bài toán tìm chuyên gia ngoại cho các kình ngư Việt Nam lại càng cần nhiều lời giải trong bối cảnh không dễ tìm chuyên gia phù hợp với nguồn lực của bơi Việt Nam, nhằm giúp bơi Việt Nam hướng tới những mục tiêu trong thời gian tới như SEA Games 31, ASIAD 2022 và vòng loại Olympic 2024.

Dấu ấn thầy ngoại

Trong làng bơi Việt Nam, có lẽ cố HLV Hoàng Quốc Huy là người để lại nhiều dấu ấn nhất. Ông biết các kình ngư Việt Nam từ năm 2003 khi các VĐV Việt Nam, trong đó có nhiều VĐV bơi Hài Phòng - lúc đó đang do một chuyên gia Trung Quốc khác mà các HLV Hải Phòng vẫn gọi tắt là Doãn Cử (hay còn gọi thân mật là A Cử), sang tập huấn tại Nam Ninh (Trung Quốc).

Sau đó, dù chỉ hợp tác với bơi Việt Nam trong thời gian ngắn với vai trò HLV thời vụ nhưng ông Hoàng Quốc Huy đã đóng góp đáng kể vào tấm HCV 100m ếch tại SEA Games năm 2005, cũng là tấm HCV đầu tiên tại Đại hội thể thao khu vực của bơi lội Việt Nam, mà kình ngư người Hải Phòng Nguyễn Hữu Việt giành được. Sau này, Nguyễn Hữu Việt còn giành HCV nội dung 100m ếch ở SEA Games 2009 với sự huấn luyện của chuyên gia Hoàng Quốc Huy. Ngoài ra, ở SEA Games năm 2007, Nguyễn Hữu Việt cũng giành HCV nội dung 100m ếch dưới sự dẫn dắt của chuyên gia A Cử.

Phải đến sau SEA Games năm 2015, chuyên gia Hoàng Quốc Huy mới chính thức làm HLV đội tuyển bơi Việt Nam theo hợp đồng năm một, trực tiếp phụ trách nhóm VĐV nam trọng điểm. Từ đó đến năm 2019, các kình ngư nam liên tiếp gây dấu ấn trong đó nổi bật hơn cả là Nguyễn Huy Hoàng - kình ngư nam Việt Nam đầu tiên giành 1 HCB, 1 HCĐ tại ASIAD (năm 2018), đồng thời giành chuẩn A tham dự Olympic Tokyo 2020 ở nội dung 1.500m.

Tại sân chơi SEA Games, Nguyễn Huy Hoàng giành 1 HCV (nội dung 1.500m tự do nam) tại SEA Games 29 năm 2017, 2 HCV (1.500m tự do, 400m tự do) tại SEA Games 30 năm 2019. Trong khi đó, các học trò khác của HLV Hoàng Quốc Huy như Trần Hưng Nguyên  giành 2 HCV nội dung  200m, 400m hỗn hợp SEA Games 30 năm 2019, Phạm Thanh Bảo giành HCB nội dung  200m ếch cũng tại SEA Games 30 năm 2019...

Cũng nhờ đó, SEA Games năm 2019 trở thành kỳ SEA Games bội thu nhất về HCV của các nam kình ngư Việt Nam từ trước đến nay. Và đương nhiên, tất cả đều mang dấu ấn của HLV Hoàng Quốc Huy. Không chỉ về phía VĐV, những HLV nội được làm việc cùng chuyên gia Hoàng Quốc Huy cũng phát triển nhanh chóng về chuyên môn.

Và ngay ở Olympic Tokyo 2020, dù không vào vòng chung kết thì Nguyễn Huy Hoàng vẫn là kình ngư châu Á có thành tích tốt nhất vòng loại. Đã có những kế hoạch, kỳ vọng vào việc Huy Hoàng có thể lên ngôi vô địch ở ASIAD năm 2022 dưới sự dẫn dắt của chuyên gia Hoàng Quốc Huy.

Không kể chuyên gia Hoàng Quốc Huy hay ông A Cử, bơi Việt Nam còn từng làm việc với chuyên gia Anderson Christopher (Mỹ), Nagy Peter (Hungary)... Dấu ấn của họ không rõ nét như chuyên gia Hoàng Quốc Huy nhưng cũng mang đến sự phát triển nhất định cho VĐV, được nhà quản lý ghi nhận.

Tất cả để thấy vai trò của HLV ngoại quan trọng như thế nào đến sự phát triển của bơi Việt Nam, đặc biệt ở phía các kình ngư nam vốn chủ yếu tập huấn trong nước.

Thêm bài toán tìm thầy ngoại

Sự ra đi đột ngột của HLV Hoàng Quốc Huy đã khiến các nhà quản lý ngành thể thao cùng bộ môn bơi (Tổng cục TDTT) và Hiệp hội thể thao dưới nước Việt Nam phải tìm phương án tối ưu, nhất cho công tác huấn luyện VĐV nam ở tổ nhóm cự ly dài. Trước mắt, kình ngư Nguyễn Huy Hoàng và nhóm các VĐV nam của đội tuyển bơi quốc gia ở nội dung cự ly dài vẫn được huấn luyện trực tiếp bởi các HLV nội, những người làm việc với chuyên gia Hoàng Quốc Huy trong hơn 5 năm qua và đã lĩnh hội gần như đầy đủ phương pháp huấn luyện của chuyên gia để chuẩn bị cho mục tiêu trước mắt là SEA Games 31 vào tháng 6 năm sau.

Tất nhiên, bơi Việt Nam vẫn sẽ phải tìm một HLV ngoại để tiếp tục nâng tầm cho Huy Hoàng và một số VĐV nam trọng điểm ở nhóm cự ly trung bình và dài, bên cạnh việc thu xếp đưa VĐV đi tập huấn nước ngoài khi dịch COVID-19 bị khống chế. Việc này đã được Tổng cục TDTT tính đến khi dự kiến sẽ đưa Nguyễn Huy Hoàng và một số kình ngư trọng điểm đi tập huấn ở Hungary sau khi dịch COVID-19 bị khống chế đồng thời có thể thuê chuyên gia ngay nước sở tại để huấn luyện các kình ngư Việt Nam.

Thực tế, nếu có chuyên gia ngoại cho Huy Hoàng ngay trong thời gian ngắn sắp tới thì chưa chắc đã bảo đảm thành tích. Đơn giản, để VĐV hiểu hết phương pháp, triết lý huấn luyện của HLV ngoại và ngược lại, HLV hiểu hết về những tố chất của học trò rồi đề ra cách tập luyện phù hợp lại là câu chuyện dài. Cho nên, lựa chọn thời điểm đưa Nguyễn Huy Hoàng và các kình ngư trọng điểm đi tập huấn nước ngoài, thuê chuyên gia tại đây cũng là vấn đề phải cân nhắc.

6-2.jpg -0
Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên vẫn có thể duy trì mục tiêu ở SEA Games 31 hay ASIAD 2022 nếu có chuyên gia ngoại huấn luyện.

Trong khi đó, việc tìm chuyên gia ngoại cho kình ngư Ánh Viên vẫn được thực hiện. Dù Ánh Viên không tạo dấu ấn ở Olympic Tokyo 2020 nhưng ở sân chơi SEA Games và ASIAD, cô gái này từng mang đến niềm tự hào cho thể thao Việt Nam và vẫn có thể làm nên sự tự hào nhất định cho bơi Việt Nam ở sân chơi ASIAD, SEA Games sắp tới. Thực tế, dù không còn tập huấn dài hạn ở Mỹ, đã trở về Việt Nam nhưng Ánh Viên vẫn nhận được sự đầu tư tốt nhất cho một VĐV bơi ở Việt Nam.

Có điều, cô vẫn đang cần được một chuyên gia đủ tầm để huấn luyện. Một chuyên gia ngoại giỏi là đáp án lý tưởng nhưng vấn đề lại ở việc các nhà quản lý không tìm được nguồn kinh phí để thuê chuyên gia như vậy (thường có mức lương khoảng 10.000 USD/tháng trở lên. Đấy mới là vấn đề lớn trong tìm chuyên gia ngoại cho Ánh Viên và của Huy Hoàng cùng những kình ngư nam trọng điểm. Như Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn nhận định thì vẫn sẽ cố gắng tìm HLV ngoại phù hợp để phát huy hết khả năng của VĐV.

Đúng là vẫn phải có động thái giải quyết vấn đề trên để đội tuyển bơi Việt Nam, trong đó có những kình ngư hàng đầu khu vực và châu lục có thể phát huy hết khả năng. Ở đây, chỉ khi có một cơ chế trả lương đặc thù hoặc có sự xã hội hóa mạnh mẽ thì mới có thể đưa được thầy ngoại giỏi đến huấn luyện cho bơi Việt Nam. Bằng không lại là sự may mắn để có một HLV có mức lương vừa phải nhưng lại phát huy tối đa năng lực của các tuyển thủ.

Đổi địa điểm tập huấn

Sau khi dịch COVID-19 được khống chế, toàn bộ đội tuyển bơi sẽ tập trung về một Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia thay vì tập huấn tại nhiều trung tâm như trước.

Cụ thể, cả đội sẽ tập huấn tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình ngay tại hồ bơi Mỹ Đình - nơi thường tổ chức thi đấu các giải quốc gia, quốc tế của Việt Nam, có trang thiết bị tốt nhất và phù hợp nhất cho đội bơi tập huấn lúc này so với các địa điểm tập huấn khác trong nước. Tất nhiên, về địa điểm tập huấn, giải pháp đi tập huấn dài hạn ở nước ngoài vẫn là lý tưởng nhất cho các kình ngư trọng điểm.

 

Minh Hà
.
.
.