HLV Park Hang-seo và cuộc cách mạng của bóng đá Việt Nam

Thứ Sáu, 12/11/2021, 08:25

Lần đầu tiên sau nhiều năm, HLV trưởng ĐTQG Việt Nam sẽ được tập trung vào một công việc duy nhất thay vì phải ôm đồm thêm đội U23 và đội Olympic. Bản hợp đồng mới của HLV Park Hang-seo vì thế có thể xem là cuộc cách mạng của bóng đá Việt Nam.

Bất cập “vừa xay lúa, vừa bế em”

“Xay lúa thì thôi ẵm em” không còn là câu tục ngữ thông dụng ở thời điểm này, nhưng giá trị của nó vẫn còn nguyên. Lời người xưa dạy rất rõ ràng, một người không thể làm cùng lúc hai công việc nặng nhọc và có tính chất khác nhau.

Về lý thuyết, tuyển U23 và tuyển quốc gia Việt Nam có nhiều điểm tương đồng. Cả hai đều là các đội tuyển bóng đá quốc gia, dùng chung một số cầu thủ và có lịch trình phần lớn khác nhau.

Tuy nhiên, việc dẫn dắt và quản lý hai đội bóng này hoàn toàn khác biệt. Trên thế giới, tuyển U23 cũng giống các tuyển trẻ khác, là cái nôi tạo cơ hội cho các tài năng trẻ chưa đủ lực lên tuyển quốc gia rèn luyện, phát triển bản thân, là một “sân chơi” khác ở cấp độ thấp hơn hẳn ĐTQG.

Nói cách khác, ở các nền bóng đá mạnh, tuyển U23 không phải chịu áp lực thành tích. Các HLV tuyển U23 vì thế không hẳn là người giỏi chiến thuật mà thiên về phát triển con người nhiều hơn. Chính cách tiếp cận này giúp ĐTQG của họ luôn có tính kế thừa, tre già măng mọc.

Ngược lại, ĐTQG mới là đại diện cho nền bóng đá và là nơi tập trung tinh hoa của quốc gia, chịu áp lực chiến thắng và gặt hái danh hiệu. HLV của ĐTQG đương nhiên phải ở đẳng cấp khác và làm công việc khác với tuyển U23.

Kể từ khi hội nhập trở lại với bóng đá quốc tế vào thập niên 1990, bóng đá Việt Nam hiếm khi có sự phân chia rõ ràng như vậy. Cũng một phần do chúng ta chịu văn hoá bóng đá của khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Ngay cả các quốc gia mạnh như Nhật Bản trước đây cũng dùng chung HLV cho cả hai đội tuyển U23 và tuyển quốc gia.

Thế nhưng, khi bứt ra khỏi “vùng trũng” và cố gắng tiến lên đẳng cấp cao hơn, ĐTQG Việt Nam đã gặp vấn đề khi phải chia sẻ HLV Park Hang-seo cho tuyển U23. Bằng chứng mới nhất là chuỗi các trận thua liên tiếp tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á gần đây. Chiến lược gia người Hàn Quốc gần như phải phân thân và không có thời gian để nghiền ngẫm, tìm kiếm hướng đi mới cho ĐTQG vì ông phải kiêm nhiệm cả tuyển U23.

Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến lịch trình của ĐTQG và U23 Việt Nam chồng chéo nhau nhiều hơn, càng khiến việc dùng chung HLV trưởng trở nên bất cập hơn.

HLV Park Hang-seo và cuộc cách mạng của bóng đá Việt Nam -0
ĐTQG Việt Nam và HLV Park Hang-seo.

Cuộc cách mạng của bóng đá Việt Nam

Chính vì vậy, việc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đồng ý cho HLV Park Hang-seo dừng dẫn dắt U23 Việt Nam sau SEA Games 31 được xem là cuộc cách mạng của bóng đá nước nhà. Cho dù nửa cuối năm 2022, ĐTQG Việt Nam không có nhiều trận đấu, nhưng đó vẫn là khoảng thời gian vàng để chiến lược gia người Hàn Quốc sắp xếp lại mọi thứ một cách gọn gàng, qua đó hướng đến kế hoạch phát triển trong năm 2023.

Hợp đồng mới của HLV Park Hang-seo chỉ kéo dài đến tháng 1/2023, nhưng động thái đầy thiện chí của VFF là dấu hiệu đảm bảo HLV người Hàn Quốc sẽ gắn bó với ĐTQG Việt Nam lâu hơn.

Trong 10 đời HLV trước Park Hang-seo, chỉ duy nhất Henrique Calisto được VFF gia hạn hợp đồng. HLV người Bồ Đào Nha cũng chỉ được tin tưởng sau khi giúp ĐT Việt Nam giành AFF Cup đầu tiên trong lịch sử vào năm 2008. Các đời HLV còn lại, từ nội đến ngoại đều bị thanh lý hợp đồng hoặc sa thải sớm, trong đó có nhiều người mất việc chỉ vì thất bại tại… SEA Games hoặc vòng loại U23 châu Á.

Điều đó cho thấy sự khắc nghiệt của vị trí HLV trưởng ĐTQG Việt Nam, đồng thời chứng minh sự đặc biệt của HLV Park Hang-seo. Chiến lược gia 64 tuổi không những được ký hợp đồng mới 2 lần, tăng lương theo cấp số nhân mà còn được VFF tạo điều kiện làm việc tốt nhất. Lần đầu tiên trong nhiều năm, HLV trưởng ĐTQG không phải kiêm nhiệm tuyển U23 và tuyển Olympic.

Sau 4 năm trải qua đủ các cung bậc cảm xúc, từ thành công cho đến thất bại, HLV Park Hang-seo hiểu rõ khó khăn của việc ôm đồm nhiều nhiệm vụ khác nhau. Nhiều người tin rằng HLV người Hàn Quốc đã trực tiếp đề nghị VFF phân chia vai trò, qua đó giúp ông đủ thời gian tập trung vào ĐTQG.

Thực tế, ĐTQG Việt Nam đang bị chững lại sau 3 năm tiến bộ vượt bậc. Thất bại tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 dù là chuyện “đương nhiên”, nhưng cũng để lại vết gợn trong lòng người hâm mộ. Chúng ta có thể làm tốt hơn nếu HLV Park Hang-seo tập trung hơn, đó là điều chắc chắn.

ĐTQG Việt Nam cũng cần có kế hoạch để nhích thêm trên nhóm các đội tuyển mạnh nhất châu Á. Sẽ là sai lầm nếu lấy kết quả ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 đánh giá công việc của HLV Park Hang-seo cũng như tiềm năng của ĐTQG Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lấy đó là động lực, là thước đo cho các chặng đường tiếp theo.

Các cầu thủ Việt Nam đủ khả năng ra nước ngoài thi đấu

Trong cuộc phỏng vấn gần đây, cựu HLV tuyển Việt Nam - Toshiya Miura tin rằng các cầu thủ Việt Nam có thể thi đấu tại J.League (giải vô địch quốc gia Nhật Bản) cũng như các giải đấu nước ngoài khác trong tương lai gần.

“Cùng với nền kinh tế tăng trưởng, Việt Nam đã xây dựng rất nhiều trung tâm đào tạo cầu thủ trẻ ưu tú. Thế nhưng, tôi tin rằng vẫn còn khá nhiều tài năng ở các nơi khác tại Việt Nam vẫn chưa được phát hiện. Vì thế, việc chú trọng vào các trung tâm tìm kiếm, đào tạo, nuôi dưỡng các ngôi sao trẻ ngay từ gốc một cách bài bản cũng như nâng cao chất lượng HLV là điều hết sức quan trọng”, HLV Miura nhận định.

Đây chắc chắn cũng là một phần trong kế hoạch mà HLV Park Hang-seo và VFF đã thống nhất khi gia hạn hợp đồng. Trong những năm gần đây, công tác đào tạo trẻ của Việt Nam đã phát triển trông thấy. Giờ là lúc chúng ta cần những HLV phù hợp cho lứa trẻ và hướng đến việc xuất khẩu cầu thủ nhiều hơn trong tương lai.

PV
.
.
.