Hành trình đến hồi kết

Thứ Năm, 03/03/2022, 09:45

Hành trình đi tìm một vị Chủ tịch cho Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam tưởng đơn giản nhưng hóa ra lại đầy khó khăn. Đến mức, gần 1 năm qua, Liên đoàn còn không có người đứng vai Chủ tịch. Cho đến thời gian gần đây, câu chuyện đã có hồi kết khi có người đứng ra đảm nhận chức Chủ tịch Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam đúng với những tiêu chí mà Liên đoàn tìm kiếm trong hàng chục năm qua.

Nhọc nhằn tìm người ưng ý

Từ cách đây hơn chục năm, những người có trách nhiệm ở Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam vẫn nói về việc Liên đoàn cần có một Chủ tịch là một doanh nhân, muốn đồng hành cùng bóng bàn Việt Nam.

Chuyện nghe có vẻ đơn giản vì ngay lúc ấy, Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam là một trong những Liên đoàn thể thao quốc gia gây chú ý trong công luận và có khả năng huy động nguồn lực xã hội lớn. Thế nhưng vì những lý do khách quan và quan trọng là bộ máy nhân sự chưa đáp ứng được yêu cầu dẫn đến hình ảnh của Liên đoàn không gây ấn tượng được với những doanh nhân được mời vào vị trí Chủ tịch Liên đoàn.

Hành trình đến hồi kết -0
Giải Bóng bàn các cây vợt xuất sắc quốc gia năm 2021 tại Cao Bằng thu hút được nhà tài trợ, tạo động lực cho VĐV.

Đơn giản, ai cũng biết, nếu doanh nhân được mời vào Liên đoàn thì kỳ vọng luôn là sẽ thu hút thêm nhiều tài trợ. Khả năng tài chính từ các doanh nghiệp cũng như quan hệ của họ sẽ mang đến cho Liên đoàn nguồn tài chính dồi dào, ổn định, qua đó hỗ trợ lại cho các hoạt động của Liên đoàn để cùng cơ quan quản lý nhà nước đưa bóng bàn đến những nấc phát triển mới.

Thực tế, nhiều Liên đoàn thể thao đã phát triển mạnh mẽ từ khi có Chủ tịch là doanh nhân. Gần đây nhất là Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam với hàng loạt hoạt động khiến bộ môn từng ít được chú ý giờ trở thành môn chơi thường xuyên của giới trẻ, đồng thời có những nguồn thu ổn định.

Trong khi đó, bóng bàn vẫn long đong với hành trình tìm kiếm một Chủ tịch là doanh nhân. Còn nhớ, từ cuối năm 2016, những người có trách nhiệm của Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam khóa IV đã ướm thử nhiều doanh nhân vào vị trí Chủ tịch Liên đoàn khóa V. Nhưng đáp lại đều là những lời từ chối khéo, do đang bận trăm công nghìn việc, rằng giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp đã ngốn hết thời gian rồi nên không đủ thời gian để hoàn thành trọng trách tại Liên đoàn.

Hết người này đến người kia từ chối chức chủ tịch khiến Đại hội Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam khóa V liên tục lỗi hẹn, chậm tổ chức đến hai năm so với dự kiến. Không tìm được doanh nhân vào vị trí Chủ tịch, cuối cùng Đại hội Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam khóa V (2018-2022) được tổ chức và người nhận chức Chủ tịch khóa V là ông Trần Gia Thái, lúc đó cũng đã tham gia Ban Chấp hành Liên đoàn khóa IV và không phải là một doanh nhân đúng nghĩa. Tuy vậy câu chuyện về vị trí Chủ tịch Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam không dừng ở đây. Đảm nhận vị trí Chủ tịch Liên đoàn được hơn 2 năm thì Chủ tịch Liên đoàn Trần Gia Thái đã xin nghỉ để đảm đương vai Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội.

Đến lúc ấy, những người có trách nhiệm của Liên đoàn lại phải đi tìm và mời người vào vị trí Chủ tịch Liên đoàn. Còn người ngoài thì không khỏi ngậm ngùi khi vị trí Chủ tịch của Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam đã mất đi sức hút đáng kể. Người được mời lại không nhận lời, còn người đảm nhận vị trí thì cũng “chuyển hướng” khi chưa hết nhiệm kỳ.

Đi tới hồi ổn định

Thực tế, những người có trách nhiệm ở Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam nhiệm kỳ V đã tính tới phương án không có Chủ tịch Liên đoàn cho tới hết nhiệm kỳ. Dù vậy, họ vẫn đi tìm kiếm với hy vọng có người sẽ đảm nhận ngay thay vì đợi đến Đại hội Liên đoàn khóa VI. Người trong nghề còn nói rằng, việc tìm kiếm sẽ khó dù bóng bàn Việt Nam đã ít điều tiếng hơn hẳn trong khi thành tích tại các kỳ SEA Games gần đó thực sự ấn tượng với cùng 1 HCV ở kỳ SEA Games 29 và 30.

Còn như ông Phan Anh Tuấn - Tổng Thư ký Liên đoàn từng chia sẻ, hy vọng đến năm 2023, năm dự kiến diễn ra Đại hội Liên đoàn nhiệm kỳ VII sẽ tìm được vị Chủ tịch Liên đoàn là một doanh nhân đam mê bóng bàn. Từ đó góp phần nâng tầm cho bóng bàn Việt Nam, nhằm xứng với tiềm năng, vị thế.

Cũng theo ông Phan Anh Tuấn, chính những người đang điều hành Liên đoàn nhiệm kỳ VI cần thêm nhiều động thái để chứng minh Liên đoàn đang có môi trường hoạt động tốt, cùng hướng đến mục tiêu chung là vì sự phát triển của bóng bàn Việt Nam. Qua đó để người được mời vào vị trí Chủ tịch Liên đoàn tin rằng sẽ phát huy được khả năng khi đảm nhận vị trí Chủ tịch, rằng việc đầu tư thời gian, công sức, vật chất cho Liên đoàn là không vô ích.

Trong những ngày chờ đợi người đảm nhận vị trí Chủ tịch Liên đoàn, bóng bàn Việt Nam vẫn có chuyển động tích cực, trong đó Giải bóng bàn các tay vợt xuất sắc toàn quốc năm 2021 đã lần đầu tổ chức ở Cao Bằng với sự tài trợ của Vgroup.

Và đến những ngày cuối tháng 2 vừa qua, thông tin từ Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam cho hay rằng đã tìm được người đảm nhận vai trò Chủ tịch Liên đoàn và chỉ còn chờ ngày ra mắt. Người “đứng mũi chịu sào” cho Liên đoàn hoàn toàn đáp ứng được những mong muốn mà bao năm nay Liên đoàn tìm kiếm.

Âu cũng là điều đáng mừng cho một Liên đoàn thể thao quốc gia có sức hút hàng đầu ở Việt Nam. Và cũng chỉ mong đến chữ “ổn định” ở vị trí này thay vì chuyện “rẽ ngang” như thời gian qua. Tuy nhiên, chính bộ máy hiện tại của Liên đoàn cũng phải hoạt động hết công suất để không có chuyện “lập ra cho có”, để cộng hưởng với sự xuất hiện của “người mới” ở vai Chủ tịch Liên đoàn.

Động lực hoàn thành mục tiêu ở SEA Games 31

Theo Tổng thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam Phan Anh Tuấn, việc Liên đoàn sắp có Chủ tịch mới cũng là động lực để Liên đoàn hoàn thành những mục tiêu đề ra, trong đó có việc giành HCV tại SEA Games 31 tại Việt Nam. (Minh Khuê)

Minh Hà
.
.
.