Đội tuyển vật nữ thích nghi hoàn cảnh mới

Thứ Năm, 24/03/2022, 07:43

Từ nhiều năm qua, đội tuyển vật Việt Nam, trong đó có nhóm vật tự do nữ đã ổn định với đội ngũ chuyên gia nước ngoài. Nhưng sau khi chuyên gia người Georgia C.Fridon đột ngột qua đời vào cuối tuần trước, đội tuyển sẽ phải sớm thích nghi để trước mắt là hoàn thành mục tiêu giành 6-7 HCV  tại SEA Games 31.

Cú sốc trước thềm SEA Games 31

Cuối tuần trước, chuyên gia Fridon đột ngột qua đời, tạo nên cú sốc không hề nhỏ cho các thành viên của đội tuyển vật nữ Việt Nam. Ít nhiều, tất cả đã quen với sự có mặt của vị chuyên gia này từ hơn chục năm qua. Như lời kể của HLV đội tuyển vật nữ quốc gia Nguyễn Huy Hà thì chuyên gia Fridon đến làm việc tại đội Hà Nội từ năm 1998.

Hai năm sau, Nguyễn Huy Hà mới bước chân vào đội tuyển vật Hà Nội và được chính chuyên gia Fridon huấn luyện. Lúc ấy, Hà Nội có tới 3 chuyên gia ngoại, đều đến từ các nước thuộc Liên Xô cũ là Fridon, Soso, Themo. Sau này, chỉ còn chuyên gia Fridon và Soso gắn bó với vật Việt Nam và họ cũng là những chuyên gia ngoại gắn bó lâu nhất với một đội tuyển quốc gia trong làng thể thao Việt Nam hiện nay.

Đến trước khi qua đời, chuyên gia Fridon vẫn huấn luyện cho đội tuyển vật tự do nữ như bao năm nay từng đảm nhận. Có lẽ, thành tích cùng phương pháp huấn luyện được xem là phù hợp với thể trạng người Việt Nam của ông đã khiến ông được tin tưởng cho vai trò chuyên gia ở đội tuyển vật tự do nữ lâu đến vậy. Cùng với các huấn luyện viên khác ở đội tuyển, ông đưa các đô vật nữ gặt hái nhiều thành công, việc giành hàng loạt huy chương thế giới, huy chương châu Á, HCV tại SEA Games và đặc biệt là đưa các đô vật nữ Việt Nam 2 lần liên tiếp tham dự Olympic (năm 2012: Nguyễn Thị Lụa; năm 2016: Nguyễn Thị Lụa, Vũ Thị Hằng).

Nếu dịch COVID-19 không diễn biến phức tạp, có thể ông cùng Ban huấn luyện đội tuyển vật tự do nữ đã hoàn thành mục tiêu đưa VĐV góp mặt ở Olympic Tokyo 2020. Đáng tiếc, do không thể dự các giải đấu vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các đô vật Việt Nam không có cơ hội thi đấu ở các vòng tranh vé dự Olympic Tokyo 2020.

Từng được chuyên gia Fridon huấn luyện rồi sau này cùng làm việc với chuyên gia Fridon tại đội tuyển quốc gia nên HLV trưởng đội tuyển vật nữ Việt Nam Nguyễn Huy Hà không khỏi tiếc nuối. “Chúng tôi học được nhiều điều từ thầy Fridon và cũng tính toán nhiều việc để cùng đội tuyển nữ chinh phục mục tiêu giành ít nhất 2 HCV, đóng góp vào việc hoàn thành mục tiêu giành 6-7 HCV cho đội tuyển vật Việt Nam tại SEA Games 31. Nhưng đến lúc này, thầy và chúng tôi không thể đi hết con đường chinh phục SEA Games 31 vì lý do bất khả kháng. Tất nhiên, chúng tôi không thể dừng lại, vẫn phải ghim nỗi đau lại để vượt qua, hoàn thành mục tiêu” – HLV Nguyễn Huy Hà đã chia sẻ như vậy vào cuối tuần qua.

Như thế, từ đầu năm 2022 đến này, đã có tới 2 đội tuyển võ (vật tự do nữ, boxing nữ) trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 31 phải bất ngờ chia  tay chuyên gia ngoại, những người đồng hành với hàng loạt thành công ở các đội tuyển này. Câu chuyện ở đội vật tuyển boxing nữ quốc gia có khác khi chuyên gia M.Tawan bất ngờ bị Liên đoàn Boxing Thái Lan gọi về nước để nắm quyền HLV trưởng đội tuyển boxing nam Thái Lan. Ít nhiều, việc huấn luyện ở đội boxing nữ quốc gia có xáo trộn.

fb_img_1647874923346.jpg -0
Giải đấu quốc gia được xem là cơ hội để hỗ trợ tối đa cho các VĐV đội tuyển vật nữ khi tham dự SEA Games 31.

Trông vào HLV nội

Ở đội boxing nữ, sau khi chuyên gia M.Tawan phải về nước, các nhà quản lý và Ban huấn luyện đội tuyển quốc gia đã thống nhất sẽ sử dụng HLV nội cho hành trình chinh phục mục tiêu giành 1 HCV tại SEA Games 31. Theo tính toán của HLV trưởng đội tuyển boxing nữ Nguyễn Như Cường, sự xuất hiện của chuyên gia ngoại có thể mang đến những xáo trộn nhất định cho khâu huấn luyện và ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu giành HCV ở SEA Games 31, diễn ra vào tháng 5.

Suy luận ấy cũng căn cứ từ thực tế khi từng xảy ra việc chuyên gia đưa phương pháp huấn luyện mới vào đội tuyển khiến các tuyển thủ không kịp thích nghi, dẫn đến chấn thương hoặc “loạn” cách tiếp cận trận đấu, không phát huy hết sở trường. Hoặc từng có trường hợp do bị thúc ép thời gian tìm kiếm dẫn đến chọn chuyên gia ngoại không như mong muốn, ảnh hưởng đến chất lượng của đội tuyển.

Cũng vì thế, khi trao đổi về việc tìm chuyên gia ngoại cho đội tuyển vật nữ quốc gia trong thời gian tới sau khi chuyên gia Fridon qua đời, Phó Chủ tịch Liên đoàn Vật Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội Đới Đăng Hỷ cũng bảo rằng, nếu đội tuyển vật nữ quốc gia có chuyên gia ngoại cũng nên đợi đến ít nhất sau SEA Games 31. Lúc đó mọi việc cần được cân nhắc kỹ, đặc biệt là trường phái huấn luyện của chuyên gia nhằm phát huy tối đa khả năng của các đô vật nữ Việt Nam.

“Còn trước mắt, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội cũng sẽ hỗ trợ tối đa đội tuyển vật nữ quốc gia, nơi có sự góp mặt của các HLV và VĐV Hà Nội. Tất cả để giúp đội hoàn thành mục tiêu tại SEA Games 31 và xa hơn là ASIAD 19 vào tháng 9 tới” – ông Đới Đăng Hỷ nói.

Đúng là sự hỗ trợ từ các địa phương thực sự quý cho đội tuyển vật nữ quốc gia vào lúc này nhưng tựu trung lại vẫn là nội lực của đội tuyển được phát huy như thế nào dù không có chuyên gia ngoại. Hiện tại, ngoài HLV Nguyễn Huy Hà, đội chỉ còn 1 HLV nội khác. Như chia sẻ của ông Nguyễn Huy Hà thì tại SEA Games 31 có 6 bộ huy chương nội dung vật tự do nữ, trong khi mục tiêu của đội tuyển vật tự do nữ Việt Nam là giành 2 HCV.

Nếu ở những kỳ SEA Games trước, việc thực hiện mục tiêu khá dễ dàng với sự hỗ trợ của chuyên gia Fridon cùng đội ngũ VĐV trình độ hàng đầu khu vực Đông Nam Á  thì đến trước SEA Games 31, cả đội như những người vừa đi vừa dò đường. Nguyên do bởi trong 2 năm qua, đội tuyển nữ Việt Nam không có chuyến tập huấn, thi đấu quốc tế nào để có thể nhìn nhận, đánh giá được thực lực đô vật nữ của các nước trong khu vực.

Trong khi đó, thông tin từ Internet về các đô vật nữ tại Đông Nam Á cũng ít ỏi. Vì vậy, cũng phải đến trước ngày thi đấu, phải qua quan sát trong tập luyện mới có thể đánh giá được tương đối chính xác thực lực của các đô vật nữ tham dự. Như ông Hà kể thì hiếm khi lại gặp nhiều khó khăn khách quan đến vậy trước một kỳ SEA Games.

Cho nên cũng chỉ trông vào các giải đấu thuộc hệ thống quốc gia để các tuyển thủ có cảm giác thi đấu tốt nhất khi góp mặt trong màu áo đơn vị chủ quản. Có điều, đã làm nghề thì phải chấp nhận mọi tình huống để vượt qua. Quan điểm ấy đã được những thành viên Ban huấn luyện đội tuyển vật nữ quốc gia hiện nay đưa ra và có thể sẽ là đường đi đúng để hoàn thành nhiệm vụ tại SEA Games 31 tới.

Hy vọng tốt hơn

Cho đến lúc này, đội tuyển vật quốc gia nói chung và vật nữ quốc gia nói riêng đều xác định không đi tập huấn tại nước ngoài mà chỉ tập huấn trong nước. Tuy nhiên, đến giai đoạn chuẩn bị cho ASIAD 19, bắt đầu từ sau SEA Games 31, họ cũng muốn được đi tập huấn nước ngoài để có thể giữ được cảm giác thi đấu khi bước vào sân chơi châu lục.

Minh Khuê

Minh Hà
.
.
.