Đại hội thể thao toàn quốc vào guồng

Thứ Năm, 28/03/2024, 07:00

Buổi làm việc chính thức đầu tiên giữa Bộ VH,TT&DL với Sở VH-TT TP Hồ Chí Minh hồi tuần trước về công tác tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026 được xem như sự khởi động chính thức cho sự kiện quan trọng bậc nhất này của thể thao Việt Nam. Giờ mọi việc đã vào guồng, còn lại là sự chuẩn bị của các đoàn.

Dự kiến 42 môn trong chương trình thi đấu

Sau 20 năm (kể từ năm 2006), TP Hồ Chí Minh mới có cơ hội được đăng cai tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc. Cũng vào năm 2026, không chỉ TP Hồ Chí Minh mà 5 địa phương khác là Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bình Phước cũng đã cam kết cùng đăng cai với TP Hồ Chí Minh, bảo đảm các môn thi đấu dự kiến có thể diễn ra. Đây được xem là dịp để vực dậy các thiết chế thể thao của thành phố, tạo đà phát triển vững mạnh hơn nữa trong tương lai.

Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT TP Hồ Chí Minh Nguyễn Nam Nhân, trong năm 2024, 6 công trình thể thao trên địa bàn thành phố để phục vụ Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ X sẽ được khởi công, sửa chữa và nâng cấp gồm: Đường chạy điền kinh được sửa chữa theo tiêu chuẩn quốc gia, nâng cấp phần khán đài tại sân vận động Thống Nhất để đáp ứng cho việc tổ chức khai mạc đại hội; nâng cấp cải tạo Nhà thi đấu TDTT Phú Thọ, Nhà tập luyện thể thao Phú Thọ; xây mới Trung tâm đào tạo VĐV ở Trung tâm TDTT Hoa Lư...

Dự kiến vào năm 2025 sẽ khánh thành các cơ sở đã tu sửa, nâng cấp. Cũng trong năm 2025, Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng – nơi từng diễn ra nhiều sự kiện thể thao quốc tế và trong nước tại TP Hồ Chí Minh dự kiến sẽ được khởi công...

Tất cả để thấy ngành thể thao TP Hồ Chí Minh đang hướng đến phát triển thể thao lâu dài và vững mạnh hơn trong tương lai, cũng để lấy lại vị thế hàng đầu cả nước, vốn đã mất vào tay đoàn Hà Nội trong 6 kỳ Đại hội thể thao toàn quốc gần đây (trước kỳ Đại hội năm 2018 được gọi là Đại hội TDTT toàn quốc). Có thể hệ thống cơ sở vật chất phục vụ tập luyện sẽ chưa được như Hà Nội nhưng rõ ràng các đội thể thao của TP Hồ Chí Minh sẽ được tiếp thêm động lực nhằm hy vọng vượt ngưỡng, tạo dấu mốc mới cho thể thao thành phố.

Dự thảo đề án đăng cai Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X do TP Hồ Chí Minh đưa ra, dự kiến có 42 môn thể thao trong chương trình thi đấu đại hội được phân thành 4 nhóm gồm: Nhóm 1 là các môn trong chương trình thi đấu Olympic; nhóm 2 là các môn Asian Games (ASIAD); nhóm 3 là các môn thường xuyên trong chương trình thi đấu ở SEA Games; nhóm 4 là các môn thể thao dân tộc, các môn thể thao hiện đại có xu hướng phát triển.

Trong cuộc làm gần đây giữa Bộ VH,TT&DL với Sở VH-TT TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL Hoàng Đạo Cương cũng đề nghị Sở VH-TT TP Hồ Chí Minh tiếp tục rà soát kĩ lưỡng cơ sở vật chất của các địa phương nhằm bảo đảm công tác chuẩn bị, tổ chức đại hội. Bên cạnh đó, việc lựa chọn môn thi đấu tại đại hội phải theo định hướng phát triển của thể thao Việt Nam, hướng tới đấu trường Asian Games và Olympic. Đồng thời, chú ý giữ gìn, bảo tồn các môn thể thao dân tộc hướng tới mục tiêu lan toả văn hoá Việt Nam ra thế giới.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cũng lưu ý, việc lựa chọn môn đăng cai cũng phải được tính toán dựa trên cơ sở là các điều kiện về kinh tế - xã hội phù hợp và phát huy được đặc trưng, thế mạnh của các địa phương. Với những chỉ đạo trên có thể dự báo về việc số môn thể thao trong chương trình thi đấu Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X của TP Hồ Chí Minh sẽ không có nhiều thay đổi so với dự kiến. Đó cũng là lợi thế cho đơn vị đăng cai để hiện thực hóa mục tiêu giành ngôi số 1 ở Đại hội Thể thao toàn quốc sắp tới. Vấn đề giờ chỉ phụ thuộc vào bộ phận chuyên môn từ phía Cục TDTT trong việc định ra số nội dung thi đấu ở từng môn. Từ đó, người ta sẽ có cái nhìn tổng thể về cơ hội tranh huy chương của từng đoàn, nhất là các đoàn cạnh tranh 3 vị trí dẫn đầu đại hội.

nha-thi-dau.jpg -0
Nhà thi đấu Phú Thọ tại TP Hồ Chí Minh sẽ được nâng cấp để phục vụ Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026.

Hà Nội khó bảo vệ ngôi đầu

Sau 3 kỳ Đại hội thể thao toàn quốc (năm 1985, 1990, 1995) chỉ xếp Nhì, đến Đại hội thể thao toàn quốc năm 2002, đoàn Hà Nội đã lần đầu tiên giành ngôi Nhất toàn đoàn tại Đại hội. Ở 5 kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc tiếp theo (năm 2002, 2006, 2010, 2014, 2018), thể thao Hà Nội đều giữ ngôi đầu một cách thuyết phục. Giai đoạn này cũng trùng với thời điểm thể thao Hà Nội được đầu tư mạnh nhất về hệ thống cơ sở vật chất phục vụ tập luyện, thi đấu… Nhờ đó, Hà Nội có hệ thống cơ sở vật chất phục vụ tập luyện thể thao thành tích cao mạnh nhất cả nước nhờ sự khép kín về ăn - ở - học - tập luyện.

Đến lúc này, việc TP Hồ Chí Minh mạnh tay đầu tư cho hệ thống cơ sở vật chất phục vụ tập luyện, thi đấu thể thao thành tích cao cũng là lý do để nhiều người tin rằng, thể thao nơi đây có thể cất cánh tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2026. Không kể trong thời gian qua, thể thao Hà Nội cũng đang gặp những khó khăn nhất định, ảnh hưởng đến chất lượng tập luyện của VĐV. Như việc chậm trả chế đội bồi dưỡng tập luyện, dinh dưỡng của HLV, VĐV tháng 1 và 2/2024 phải đến gần cuối tháng 3 mới được giải quyết triệt để sau khi dư luận lên tiếng. Hay như việc thực hiện chế độ dinh dưỡng hiện tại trong 2-3 năm nay lại thực hiện với nhiều hình thức khác nhau như thuê người vào nấu ăn cho một số bộ môn; gọi suất cơm từ các cửa hàng mang về đội cho các HLV, VĐV; đặt suất ăn tại các cửa hàng gần địa điểm tập luyện của đội.

Việc giải bài toán dinh dưỡng kiểu này đương nhiên khó đưa ra đáp án chuẩn về chất lượng tập luyện của VĐV. Điều đó sẽ không chỉ ảnh hưởng đến các VĐV tuyến 1 mà còn các tuyến kế cận. Trong khi đó, nhu cầu về một đầu mối quản lý thực hiện chế độ dinh dưỡng cho VĐV bảo đảm phù hợp đặc thù với từng môn luôn hiện hữu. Ngoài ra, việc thực hiện thủ tục để tập huấn, thi đấu quốc tế cũng tốn thời gian chờ đợi của các đội cũng ảnh hưởng đến hiệu quả tập luyện của các đội.

Đó cũng là điều khiến các nhà quản lý thể thao Hà Nội, trong đó có Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, phải lưu tâm nếu không muốn hụt bước trong thời gian tới mà trước mắt có thể mất ngôi đầu tại kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2026.

Trong khi đó, nhiều địa phương khác cũng tích cực chuẩn bị lực lượng như đội bóng đá nữ Thái Nguyên T&T đã ký hợp đồng với 3 cầu thủ từng thi đấu cho TP Hồ Chí Minh và đương nhiên sẽ có lực lượng tốt hơn cho Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2026. Hay việc Đồng Nai sớm ký hợp đồng với chân chạy rào nữ số 1 Việt Nam Huỳnh Thị Mỹ Tiên để cô có thể thi đấu cho Đồng Nai ở Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2026…

Tất cả cho thấy guồng quay Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2026 đang chuyển động mạnh mẽ và đương nhiên không dành chỗ cho sự chậm chân xử lý các vấn đề thiết thân, thiết thực của VĐV.

Tháng 6/2024, hoàn thiện điều lệ khung Đại hội thể thao toàn quốc năm 2026

Theo chỉ đạo của Bộ VH,TT&DL, Cục TDTT phối hợp cùng Sở VH-TT TP Hồ Chí Minh rà soát văn bản, cố gắng hoàn thiện dự thảo đề án tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026  trong tháng 4 để báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ. Trong tháng 6, Cục TDTT và các bộ phận chuyên môn tiếp tục phối hợp cùng Sở VH-TT TP Hồ Chí Minh hoàn thiện điều lệ khung Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026 làm cơ sở để địa phương có sự chuẩn bị tốt nhất. Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ X vào năm 2026 có quy mô 12.000 vận động viên.

Minh Khuê

Minh Hà
.
.
.