Chuẩn bị về hệ thống cơ sở vật chất cho SEA Games 31: Không thong dong với chuyện tiến độ

Thứ Năm, 04/11/2021, 08:35

Việc Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) do Việt Nam đăng cai tổ chức được dời lịch thi đấu từ tháng 12/2021 sang trung tuần tháng 5/2022 (dự kiến) đã mang đến nhiều thời gian chuẩn bị về hệ thống cơ sở vật chất hơn. Dù vậy, các bên liên quan đều không vì thế mà thong dong, cố gắng bảo đảm đến cuối năm 2021 sẽ hoàn tất để tập trung cho các mảng việc khác trong việc tổ chức SEA Games 31.

Một trong ba đầu việc quan trọng

Trong cuộc họp gần đây của lãnh đạo Tổng cục TDTT với các bộ phận liên quan về công tác chuẩn bị cho SEA Games 31, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn khẳng định, hiện tại ba mảng việc quan trọng nhất trong tổ chức SEA Games 31 chính là chuyên môn, y tế, cơ sở vật chất.

Trong số này, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ tập luyện và thi đấu của các đoàn tham dự SEA Games 31 luôn được xem trọng bởi đó cũng là hình ảnh của thể thao Việt Nam. Ngay sau SEA Games 31 năm 2019, các đầu việc để nâng cấp, sửa chữa các địa điểm thi đấu đã được khởi động vì chính người trong cuộc cũng hiểu rằng đó là phần việc tốn kém thời gian nhất với nhiều yếu tố khó lường.

Thực tế, các công trình tập luyện, thi đấu phục vụ SEA Games 31 chủ yếu là nâng cấp, sửa chữa nên không mang đến nhiều sức ép như khi Việt Nam đăng cai SEA Games 22 năm 2003. Tuy nhiên, vẫn phải dành nguồn kinh phí đáng kể để thực hiện, trong đó riêng ngân sách Trung ương chi 591 tỉ đồng để cải tạo, sửa chữa 4 công trình do Bộ VH, TT&DL quản lý là: Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (gồm SVĐ Quốc gia Mỹ Đình, Cung thể thao dưới nước); trường bắn Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội; nhà thi đấu Trường Đại học TDTT Bắc Ninh; đường đua xe đạp tại tỉnh Hòa Bình. Trong khi đó, riêng kinh phí để nâng cấp, sửa chữa cải tạo các công trình phục vụ tổ chức thi đấu, tập luyện cho SEA Games 31 do thành phố Hà Nội quản lý cũng là gần 600 tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn các công trình khác tại Hà Nội do các quận, huyện quản lý; các công trình ở một số địa phương khác như: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang… các địa phương cũng đăng cai một số môn thi đấu tại SEA Games 31 và cũng có kinh phí cải tạo, nâng cấp, sửa chữa từ nguồn kinh phí của tỉnh.

Chuẩn bị về hệ thống cơ sở vật chất cho SEA Games 31: Không thong dong với chuyện tiến độ -0
Đường dốc tại sân điền kinh của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội đang được gấp rút hoàn thiện để phục vụ các đoàn tập luyện khi tham dự SEA Games 31.

Thực sự, đó là cơ hội cực tốt để ngành Thể dục – Thể thao có điều kiện nâng cấp về hệ thống cơ sở vật chất nhằm phục vụ các mục tiêu lâu dài, thay vì chỉ SEA Games 31. Rõ nhất là trường hợp sân điền kinh tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội. Từ cách đây vài năm, những nhà quản lý và HLV điền kinh Hà Nội đã mong muốn được đầu tư đường chạy dốc và khu nhà tập luyện thể lực ở sân điền kinh. Nhưng vì nhiều lý do nên ước mơ vẫn là ước mơ. Phải đến khi sân điền kinh của trung tâm được đưa vào danh sách công trình phục vụ SEA Games 31 thì các hạng mục trên mới được đầu tư. Đến lúc này, đường dốc trong sân điền kinh của trung tâm đã thành hình rõ nét, để nơi đây về lâu dài có điều kiện tập luyện không thua kém Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội.

Từ giữa năm 2020, việc nâng cấp, sửa chữa, cải tạo các công trình phục vụ SEA Games 31 đã được tiến hành. Với các địa phương, nguồn kinh phí để sửa chữa, nâng cấp, cải tạo hầu hết được bảo đảm. Cũng vì vậy, tiến độ của các công trình được duy trì. Như tại một số quận, huyện tại Hà Nội, thông tin từ đơn vị quản lý các Nhà thi đấu Gia Lâm, Thanh Trì, Tây Hồ… đều cho hay, các công trình tại đây cơ bản đã hoàn tất phần bên trong nhà thi đấu như sàn, hệ thống ánh sáng, ghế ngồi, phòng chức năng… chỉ còn chờ hoàn thiện hạ tầng.

Còn tại Quảng Ninh, các địa điểm thi đấu phục vụ SEA Games 31 của tỉnh đã được Tổng cục TDTT đánh giá là hội đủ tiêu chuẩn để tổ chức các môn đăng cai tổ chức như: Bóng chuyền trong nhà (nam và nữ), bóng chuyền bãi biển, bóng ném bãi biển, cờ tướng, cờ vua, ba môn phối hợp và bóng đá nữ.

Trong khi đó, các công trình do Bộ VH, TT&DL quản lý là: Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (gồm SVĐ Quốc gia Mỹ Đình, Cung thể thao dưới nước); trường bắn Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội; nhà thi đấu Trường Đại học TDTT Bắc Ninh; đường đua xe đạp tại tỉnh Hòa Bình lại khởi động việc đầu tư nâng cấp sửa chữa cải tạo chậm hơn. Riêng dự án đường đua xe đạp tại tỉnh Hòa Bình bị vướng mắc về vốn dẫn đến giải phóng mặt bằng chậm, không thể hoàn tất vào tháng 9-2021 như kế hoạch.

“Xong sớm, nghỉ sớm”

Theo Tổng cục Thể dục - Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hiện các đơn vị được giao đăng cai các môn thi đấu gồm Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khác đều khẩn trương thực hiện việc tu sửa, nâng cấp các công trình phục vụ SEA Games 31 đúng thời gian dự kiến ban đầu (cuối tháng 11/2021).

Thực tế, nếu dịch COVID-19 không bùng phát mạnh tại Việt Nam, đặc biệt từ tháng 4/2021 đến đầu tháng 10 thì tiến độ nhiều công trình phục vụ SEA Games 31 đã được bảo đảm.

Trong báo cáo đoàn kiểm tra của Bộ VH,TT&DL, đại diện đơn vị nhà thầu thi công công trình Nhà thi đấu tổng hợp (phục vụ thi đấu môn bóng ném tại SEA Games 31) và Nhà tập luyện của Trường Đại học Thể dục - Thể thao Từ Sơn cho hay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nguồn cung cấp vật tư, thiết bị không đáp ứng được yêu cầu, nhân công bị hạn chế đi lại, công trình lại khởi công vào mùa mưa bão… nên tiến độ thi công bị ảnh hưởng.

Còn Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa - xã hội Hà Nội Đàm Xuân Dũng cho hay, do Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian dài, nên tiến độ các công trình bị chậm hơn kế hoạch.

Đến đầu tháng 11/2021, trong 8 công trình phục vụ SEA Games 31 của thành phố Hà Nội quản lý, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa - xã hội Hà Nội thực hiện thì 1 công trình là Khu tập luyện bắn cung tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao Hà Nội (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) đã hoàn thành, chỉ còn chờ bàn giao, 7 công trình khác đã hoàn thành từ 65% đến 70% tiến độ và dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 11 tới hoặc chậm nhất là trong tháng 12/2021.

Vấn đề là khi nhiều địa phương đã trong trạng thái bình thường mới, phải thích ứng an toàn với dịch COVID-19 thì các đơn vị cần bảo đảm tiến độ để BTC SEA Games 31 hoàn toàn tập trung vào các mảng việc khác trong tổ chức, đặc biệt là khâu y tế. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cũng nhận định, thời điểm này là giai đoạn cao điểm chuẩn bị cho SEA Games 31, các đơn vị cần phải đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình. Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa - xã hội Hà Nội Đàm Xuân Dũng cho hay, Ban Quản lý dự án dồn tổng lực, tập trung vật tư, huy động nhân lực để bảo đảm tiến độ hoàn thành các công trình.

Thực tế, còn không ít yếu tố có thể ảnh hưởng đến tiến độ nâng cấp, sửa chữa, hệ thống cơ sở vật chất, từ dịch bệnh đến việc giải ngân vốn. Vì vậy, thời gian từ nay tới SEA Games 31 dù đủ dài để hoàn tất công việc nhưng chưa chắc đã như vậy nếu bị ảnh hưởng bởi các yếu tố trên. Thế nên, cần sự khẩn trương hơn chứ không thể thong dong trong tiến hành công việc, bảo đảm “xong sớm, nghỉ sớm” cũng như chất lượng công trình để sang năm 2022, nước chủ nhà SEA Games 31 không phải lo lắng về tiến độ nâng cấp, sửa chữa hệ thống cơ sở vật chất phục vụ Đại hội.

Mong có giải đấu để thử nghiệm

Ở một số địa điểm thi đấu tại các quận, huyện ở Hà Nội phục vụ SEA Games 31 đã hoàn thành, đơn vị chủ quản đang rất nóng lòng được tổ chức một số giải đấu để kiểm nghiệm chất lượng công trình. Vấn đề là Hà Nội chưa có hướng dẫn về tổ chức các giải đấu thể thao trong nhà nên tất cả vẫn đang đợi thời điểm được tổ chức giải đấu. (Minh Khuê)

Minh Hà
.
.
.