Cái giá của bản quyền truyền hình World Cup 2022
Việt Nam vẫn chưa thể sở hữu bản quyền truyền hình World Cup 2022. Với cái giá 15 triệu USD khiến nhiều người ủng hộ quan điểm “không nên mua bằng mọi giá”.
Hiện tại, đã có 37 quốc gia trên thế giới mua được bản quyền phát sóng World Cup 2022. Infront Sports & Media (đơn vị sở hữu bản quyền truyền hình World Cup 2022 ở 26 quốc gia tại khu vực châu Á) đã có cuộc đàm phán với 5 đối tác Việt Nam về gói bản quyền truyền hình giải lần này. Được biết, mức giá mà đơn vị này đưa ra là 15 triệu USD (hơn 350 tỉ đồng) đối với gói bản quyền truyền hình và radio, bao gồm độc quyền truyền hình (mặt đất, cáp, vệ tinh, IVTV) và không độc quyền phát thanh trên lãnh thổ Việt Nam; quyền truyền phát trên di động và Internet (bao gồm OTT).
Nhìn lại lịch sử, Việt Nam từng mua bản quyền truyền hình World Cup với giá triệu USD bắt đầu từ World Cup 2002. Thời điểm đó mức phí là 1 triệu USD. Đến World Cup 2006 là 2 triệu USD, World Cup 2010 là 2,7 triệu USD, World Cup 2014 tăng lên 7 triệu USD và ở World Cup gần nhất là 2018 tại Nga là 12 triệu USD.
Tại kỳ World Cup gần nhất, khán giả Việt Nam từng đứng trước nguy cơ không được xem World Cup bởi mức giá quá cao. Đó là thời điểm mà đại diện phân phối bản quyền World Cup cho FIFA tại châu Á đã yêu cầu mức giá lên đến 15 triệu USD. Sau đó, giá được chốt là 12 triệu USD. VTV chỉ sở hữu bản quyền World Cup 2018 vào phút cuối khi có sự giúp sức của các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam. Trước thềm World Cup 2022, vấn đề bản quyền lại nóng lên và câu chuyện có nên mua hay không lại được đặt ra với các nhà đài. Thực tế, với mức giá 15 triệu USD, sẽ không có đơn vị nào trong nước có thể sở hữu bản quyền mà không có sự chung tay của các doanh nghiệp.
Thực tế, mức giá 15 triệu USD đắt hay rẻ? Theo quan điểm của BLV Quang Tùng, 15 triệu USD, chưa kể đến các chi phí về mặt kỹ thuật, chi phí sản xuất cho các nhà sở hữu bản quyền ở Việt Nam là một con số lớn. 15 triệu USD mà nhà cung cấp đưa ra đôi khi còn bao gồm cả việc họ giúp chúng ta tránh được việc đơn vị rơi vào tình thế khai thác bản quyền nhưng không thể bảo hộ được bản quyền. Thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam đã vấp phải vấn đề này.
Nghĩa là, nếu mua bản quyền với giá vừa phải, không mua trọn gói, sẽ phải chịu những điều kiện bảo hộ trên lãnh thổ Việt Nam, trong khi điều kiện để bảo hộ của chúng ta chưa thực sự đầy đủ. Và chúng ta hoàn toàn có thể bị phạt, nếu không bảo hộ được bản quyền, không chặn được sóng trên lãnh thổ, chặn tín hiệu trên các hạ tầng. Do đó, mua với giá cao cũng sẽ giảm thiểu độ rủi ro. Đây là góc độ an toàn cho các nhà cung cấp.
Tình trạng kênh lậu xuất hiện ở Việt Nam đã được ghi nhận và hoàn toàn có thể được lặp lại với World Cup. Đây là xu hướng đi ngược với xu hướng văn minh của thế giới, nên sẽ không được ủng hộ. Việt Nam chưa có điều kiện để bảo hộ bản quyền nhưng đó là xu hướng phải hướng tới. Và với những gì chúng ta đã trải qua trong nhiều năm, chúng ta đã xem bóng đá trên các kênh truyền hình trả tiền thay vì trên kênh quảng bá như giai đoạn đầu trên VTV3, mọi chuyện cũng đã trở thành nếp. Đây là xu thế bình thường, nên chúng ta hoàn toàn có thể được xem World Cup, có điều là cách tiếp cận sẽ phải khác đi.
Quan điểm của nhiều chuyên gia cũng như một số đơn vị truyền hình là không mua bản quyền World Cup 2022 bằng mọi giá. Đây cũng là điều đã được đề cập cách đây 4 năm. Khi nào, bản thân người Việt còn chưa có ý thức xem truyền hình trả tiền. Thống kê tính đến giữa tháng 7/2022, thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam chạm đến 16,9 triệu thuê bao. Doanh thu nửa đầu năm 2022 là 350 tỉ đồng. Doanh thu cả năm dự kiến 700 tỉ đồng. Và nếu đối chiếu với giá bản quyền World Cup 2022 thì rõ ràng trong phạm vi có thể mua được. Thế nhưng, thực tế người dân không chỉ mua thuê bao chỉ để xem World Cup.
Cái giá 15 triệu USD vì thế được xác định là “trên trời” và quan điểm vẫn cứ là “không nên mua”. Tuy vậy, cái gì cũng có giá của nó và chúng ta cứ chờ đến phút chót để chứng kiến sự ngã ngũ của câu chuyện này.
Vì sao U19 Indonesia không dự giải U19 Quốc tế?
Giải U19 Quốc tế 2022 sẽ diễn ra từ ngày 5/8 tới 11/8 với sự tham gia của 4 đội bóng gồm: U19 Thái Lan, U19 Myanmar, U19 Malaysia và chủ nhà U19 Việt Nam. Đáng nói giải đấu này không có sự góp mặt của U19 Indonesia, đội bóng đang được chú ý thời gian sau tuyên bố muốn rút khỏi Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) do thất bại tại giải U19 Đông Nam Á hồi tháng trước.
Nói về lý do đội bóng trẻ xứ Vạn đảo không có tên tại giải U19 Quốc tế diễn ra tại Việt Nam, đại diện Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cho biết, việc không mời đội bóng này là do yếu tố chuyên môn. “Giải U19 Quốc tế 2022 chính là cữ tập dượt quan trọng cho U19 Việt Nam để chuẩn bị cho vòng loại U20 Châu Á 2020 sẽ diễn ra tạ Indonesia và tháng 9. Tại vòng loại, U20 Việt Nam sẽ chạm trán các đối thủ Hong Kong (Trung Quốc), Timor Leste và chủ nhà Indonesia.
Việc U20 Indonesia sẽ là đối thủ chính thức của U20 Việt Nam ở vòng loại là lý do VFF cũng như ban huấn luyện U19 Việt Nam không lựa chọn họ ở giải giao hữu này vì lý do chuyên môn”, đại diện VFF cho hay. “Các đội bóng thường sẽ lựa chọn giấu bài cũng như tránh lộ thông tin về đội hình, nhân sự trước những đối thủ của mình ở giải đấu chính thức để có được sự chuẩn bị tốt nhất. U20 Indonesia là chủ nhà vòng loại U20 Châu Á 2023 nên U20 Việt Nam cũng cần có sự tính toán kĩ lưỡng trước thềm vòng loại”, vị này thông tin thêm.
U19 Việt Nam tại giải U19 Quốc tế 2022 sẽ do huấn luyện viên Đinh Thế Nam dẫn dắt. Đây là giải đấu mà U19 Việt Nam sẽ thử nghiệm nhiều nhân sự mới, nhằm tính toán lực lượng cho vòng loại U20 Châu Á 2023.(H.H.)