Bài toán giữ vị thế của thể thao Hà Nội

Thứ Năm, 10/10/2024, 07:34

70 năm sau ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1964-10/10/2024), thể thao thành tích cao Hà Nội được ghi nhận ở vị thế hàng đầu cả nước. Nhưng những nhà quản lý, giới chuyên môn đều hiểu rằng sẽ không dễ dàng giữ vị thế ấy. 

Những dấu ấn đáng nhớ

Thành tích của thể thao Hà Nội trong những năm qua thực sự là trong mơ với nhiều địa phương. Trong đó, thể thao Hà Nội liên tiếp đóng góp VĐV giành HCV trong 3 kỳ Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) gần đây. Trong đó, Dương Thúy Vi (wushu) giành HCV tại ASIAD 17 năm 2014, Bùi Thị Thu Thảo (điền kinh) giành HCV tại ASIAD 18 năm 2018; nhóm VĐV nội dung biểu diễn quyền nữ của đội tuyển karate, đội tuyển cầu mây nữ giành HCV ở ASIAD 19 được tổ chức vào năm 2023.

Ngay ở Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games), VĐV của Hà Nội thường xuyên đóng góp khoảng 25-30% trong tổng số huy chương của Đoàn thể thao Việt Nam ở nhiều kỳ. Ngoài ra, thể thao Hà Nội cũng liên tiếp có VĐV giành vé trực tiếp dự Olympic trong thành phần Đoàn thể thao Việt Nam, trong đó ở Olympic 2016 từng góp tới 8VĐV, chiếm phân nửa tổng số VĐV của Đoàn thể thao Việt Nam giành vé trực tiếp tham dự.

Bài toán giữ vị thế của thể thao Hà Nội -0
Võ sĩ Dương Thúy Vi của thể thao Hà Nội từng giành HCV tại ASIAD năm 2014. Ảnh: Bùi Lượng

Thể thao Hà Nội cũng từng tạo nên nhiều dấu mốc cụ thể cho thể thao Việt Nam thời kỳ hội nhập với tấm HCV tại Giải vô địch wushu thế giới năm 1993 của võ sĩ Nguyễn Thúy Hiền – cũng là tấm HCV đầu tiên của thể thao Việt Nam ở một giải vô địch thế giới. Hay như ở SEA Games 18 năm 1995, Vũ Bích Hường với tấm HCV nội dung 110m rào cũng trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên vô địch SEA Games ở một nội dung thi đấu tại môn điền kinh (môn thể thao cơ bản nhất trong hệ thống thi đấu Olympic). Ngay như năm 2014, khi đăng quang ở nội dung nhảy xa tại ASIAD 18, VĐV Hà Nội Bùi Thị Thu Thảo cũng trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên giành HCV ở môn điền kinh...

Ở sân chơi quốc nội, thể thao Hà Nội đã xác lập vị thế hàng đầu ở Đại hội thể thao toàn quốc từ năm 2002 đến nay... Ngay trong việc thuê, hợp tác với các nền thể thao phát triển để đưa chuyên gia ngoại tham gia đào tạo, huấn luyện, Hà Nội cũng thuộc diện đi đầu. Ngay từ những năm 1970, đã có một số chuyên gia ngoại thuộc Liên Xô cũ đến Hà Nội huấn luyện các VĐV bóng đá... 
Đó chỉ là những chấm phá dễ thấy nhất về thể thao thành tích cao của Hà Nội trong những năm qua. Phía sau đó còn là sự sát sao của lãnh đạo thành phố Hà Nội tới thể thao thành phố nói chung, thể thao thành tích cao nói riêng. Đặc biệt, nhiều chính sách, cơ chế dành cho thể thao thành tích cao Hà Nội được cụ thể hóa để từ đó tạo điều kiện tối đa cho những người trực tiếp làm thể thao, đến các VĐV. 

Khi còn sống, nguyên Giám đốc Sở Thể dục Thể thao (TDTT) Hà Nội (nay là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Hoàng Vĩnh Giang vẫn kể, để làm nên những thành công trong suốt những năm sau này, phải bắt đầu từ một tầm nhìn xa, được cụ thể hóa từ Chỉ thị số 28 ra đời từ năm 1994 của Thành ủy Hà Nội. Chỉ thị số 28 đã hoạch định rõ đường đi của thể thao Hà Nội trong đó, phải dành kinh phí đáng kể cho việc xây dựng lực lượng thể thao hiện đại, tinh nhuệ, tăng cường đưa VĐV đi tập huấn, thi đấu dài hạn trong nước và nước ngoài; thực hiện thuê chuyên gia giỏi, bảo đảm công tác tuyển chọn, đào tạo diễn ra bài bản, khoa học. Và một điểm khác cực kỳ quan trọng là Thủ đô Hà Nội phải đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở vật chất TDTT, bảo đảm điều kiện đăng cai các đại hội thể thao quốc tế lớn, trong đó có SEA Games vào đầu thế kỷ XXI… 

Với định hướng rõ ràng, chi tiết như vậy, các ngành, trong đó có ngành thể thao Hà Nội mới có cơ sở triển khai mạnh mẽ, quyết liệt những giải pháp để chuyển mình mạnh mẽ. Thế nên Hà Nội mới đặt ra chiến lược “đi tắt đón đầu” nổi tiếng, đưa hàng loạt VĐV năng khiếu tài năng đi tập huấn dài hạn ở nước ngoài (đặc biệt ở Trung Quốc) để có một lực lượng hùng hậu đóng góp vào thành tích chung của Đoàn Thể thao Việt Nam ở SEA Games 22 và trong cả hơn chục năm sau đó. Đồng thời tạo nên một hệ thống cơ sở vật chất hiện đại (ở thời điểm đó) phục vụ tập luyện, thi đấu TDTT, đặc biệt là thể thao thành tích cao hiện đại bậc nhất Việt Nam, có thể đăng cai các sự kiện tầm cỡ châu Á. 

Ngay việc đầu tư xây dựng Trung tâm Đào tạo vận động viên cấp cao Hà Nội (nay là Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội) theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng quy trình khép kín trong tập luyện, ăn, ở, sinh hoạt, học văn hóa… của hàng nghìn VĐV cũng được xem là bước đi trước mạnh mẽ của thể thao Hà Nội so với cả nước, làm nên những thành công cho đến tận lúc này. 

Hay vào cuối năm 2023, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua Quy định một số chế độ thu hút, đãi ngộ đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên của thành phố Hà Nội đạt thành tích cao. Quy định này được áp dụng từ đầu năm 2024 thực sự là bước đột phá lớn về chế độ đãi ngộ HLV, VĐV Thủ đô, giúp nhiều VĐV có mức thu nhập gấp đôi, thậm chí gấp ba so với trước đó. Đây được xem là lợi thế lớn của thể thao Hà Nội trong việc thu hút nhân tài, góp phần tạo nền tảng lâu dài về lực lượng để hướng tới những cái đích xa hơn. 

Tất cả những sự quan tâm, định hướng đó đã và đang tạo nên thế và lực ổn định cho thể thao Hà Nội trong mặt bằng thể thao cả nước cũng như quốc tế. Đồng thời góp phần tạo nên hình ảnh về sự phát triển mạnh mẽ, ổn định của Thủ đô.

Đã thành công rồi phải thành công hơn

Với nhiều địa phương, thành công của thể thao Hà Nội thực sự trong mơ. Nhưng với nhiều thế hệ quản lý, HLV, VĐV Hà Nội và xa hơn là lãnh đạo thành phố vẫn mong muốn đạt nhiều thành công hơn. Khi thể thao Hà Nội đặt dấu ấn bền vững trong thành phần Đoàn thể thao Việt Nam ở SEA Games thì những nhà quản lý đã hướng tới sân chơi ASIAD với mong muốn phải có VĐV giành HCV cá nhân. Đến khi mục tiêu ở ASIAD đã hoàn thành thì mong muốn phải là có VĐV giành huy chương ở sân chơi Olympic và nhiều VĐV hơn giành HCV ASIAD. Đó là việc bình thường bởi với tầm vóc của Thủ đô hơn nghìn năm tuổi, của truyền thống xây dựng thể thao thành tích cao kể từ khi giải phóng Thủ đô, và sự đầu tư hằng năm luôn ở mức lớn nhất cả nước, thể thao Hà Nội không thể chỉ hài lòng với những tấm HCV thế giới, châu Á hay Đông Nam Á, SEA Games, thậm chí là ASIAD... 

Đến lúc này, mục tiêu có VĐV giành huy chương Olympic và xa hơn là HCV ở Olympic trên vẫn chưa hoàn tất, vẫn là thách thức với thể thao Hà Nội, là nỗi trăn trở với nhà quản lý, các HLV. Không kể, việc thực hiện mục tiêu đóng góp cả chục VĐV Hà Nội trong Đoàn Thể thao Việt Nam ở mỗi kỳ Olympic tới cũng là vấn đề được quan tâm. 

Điều đó đòi hỏi phải có nguồn VĐV đủ đáp ứng nhiệm vụ trên, có sự đầu tư mạnh mẽ hơn hẳn hiện nay từ trang thiết bị tập luyện đến chế độ dinh dưỡng, y học, chăm sóc sức khỏe, tập huấn và thi đấu nước ngoài. Với những sự đầu tư cho VĐV Hà Nội thời gian qua, tất cả đều thấy rằng chỉ đủ đáp ứng để phục vụ các nhiệm vụ trong nước. Còn muốn vươn xa hơn phải có cách đầu tư vượt trội so với hiện nay, từ cơ chế thủ tục hành chính cho việc tập huấn, thi đấu quốc tế của HLV, VĐV đến khâu chăm sóc dinh dưỡng, hồi phục cho VĐV cũng đang thiếu nguồn nhân lực trầm trọng... Chuyện chỉ có vài bác sĩ, nhân viên y tế hỗ trợ cho cả nghìn VĐV thực sự khó chấp nhận trong thể thao hiện đại, đương nhiên dẫn đến hiệu quả chăm sóc, hỗ trợ cho VĐV trọng điểm, tài năng bị hạn chế. 

Cho nên, muốn khẳng định vị thế hàng đầu thì thể thao Hà Nội không chỉ chăm chăm đến ngôi Nhất toàn đoàn ở mỗi kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc, mà thay vào đó cần khẳng định mình ở sân chơi Olympic và ASIAD. Nếu lấy con số 10 rất giàu ý nghĩa với Thủ đô thì câu hỏi đặt ra là trong 10 năm tới, liệu thể thao Hà Nội có thể thực hiện được những mục tiêu Olympic và ASIAD của mình hay không? Câu trả lời ở phía trước nhưng rõ ràng vẫn cần đến nền tảng từ hôm nay. 
 

Giữ chân người tài 

Dù đã có những cơ chế chính sách đãi ngộ thuộc diện hàng đầu nhưng trong thời gian qua thể thao Hà Nội vẫn phải chứng kiến nhiều cuộc chia tay của các HLV hàng đầu ở những môn như karate, thể dục... mà gần nhất là trường hợp của cựu võ sĩ, cựu HLV karate Nguyễn Hoàng Ngân. Đó cũng là bài toán khác cần sớm có lời giải. (Minh Khuê)

Minh Hà
.
.
.