Bài toán cầu thủ U23 ở AFF Cup 2020
Một mặt, HLV Park Hang-seo rất muốn tạo điều kiện cho các cầu thủ U23 được thi đấu ở AFF Cup. Nhưng mặt khác, ông cũng không thể mạo hiểm với giải đấu mình chịu áp lực phải vô địch bằng được.
8 cầu thủ U23 Việt Nam lên ĐTQG
Nếu như là 3 năm về trước, câu chuyện HLV Park Hang-seo triệu tập và sử dụng một loạt cầu thủ U23 trên ĐTQG Việt Nam sẽ là điều bình thường và được ủng hộ. Bởi khi ấy, ĐTQG Việt Nam trải qua một cuộc cách mạng lực lượng đồng loạt. HLV Park Hang-seo có lý do để trẻ hoá mạnh mẽ ĐT Việt Nam, nhất là khi ông nhìn thấy thời điểm phù hợp sau khi lực lượng U23 Việt Nam ghi dấu ấn rất lớn tại VCK U23 châu Á 2018 (ngôi á quân) và ASIAD 2018 (hạng tư) trước đó.
Tuy nhiên ở thời điểm này, việc triệu tập cầu thủ U23 Việt Nam lên ĐTQG là một nhẽ. Nhưng việc sử dụng họ lại là một câu chuyện không dễ dàng. Ở vòng loại World Cup vừa rồi, các cầu thủ U23 Việt Nam lên tuyển cũng chiếm 1/4 lực lượng rèn quân. Nhưng đến hiện tại, chỉ có Thanh Bình và Văn Toản được thi đấu. Số còn lại chỉ dừng lại ở việc tập cùng và sinh hoạt chung với các đàn anh.
Ở giai đoạn chuẩn bị cho AFF Cup 2020, giống như vòng loại thứ 3 World Cup 2022, danh sách tập trung của đội tuyển Việt Nam hướng đến AFF Cup 2020 vẫn có sự xuất hiện của 8 cầu thủ U23 Việt Nam. Đó là thủ môn Quan Văn Chuẩn, các hậu vệ: Bùi Hoàng Việt Anh, Nguyễn Thanh Bình, Lê Văn Xuân, Lê Văn Đô; tiền vệ Lý Công Hoàng Anh cùng 2 tiền đạo Trần Văn Đạt và Hồ Thanh Minh.
Đúng như chia sẻ trước đó, HLV Park Hang-seo muốn có sự chuẩn bị từng bước cho thế hệ kế cận của bóng đá Việt Nam. Việc 8 cầu thủ kể trên được góp mặt trong danh sách ĐTQG Việt Nam cũng là bước chạy đà để U23 Việt Nam có một sự sẵn sàng để hướng đến 3 giải đấu vào năm 2022, bao gồm: SEA Games (12/5 - 23/5/2022), (VCK U23 châu Á (1/6-19/6/2022) và ASIAD (10/9 - 25/9/2022).
Theo quy định, mỗi đội tuyển Đông Nam Á sẽ được phép đăng ký 30 cầu thủ tham dự giải. Với quân số hiện tại của ĐT Việt Nam đang là 34 người, HLV Park Hang-seo sẽ chia tay 4 gương mặt trước khi lên đường sang Singapore. Điều đó cũng có nghĩa, tối thiểu 4 cầu thủ U23 sẽ được lựa chọn lên đường cùng các đàn anh. Với họ, đây đều là lần đầu tiên trong cuộc đời được góp mặt tại AFF Cup.
Thế khó của ông Park
Tuy nhiên, con đường từ việc được đăng ký tham dự giải đến ra sân thi đấu ở AFF Cup là rất dài. HLV Park Hang-seo cũng đang ở thế giữa dòng và phân vân. Một mặt, HLV Park Hang-seo rất muốn tạo điều kiện cho các cầu thủ U23 được thi đấu ở AFF Cup. Nhưng mặt khác, ông cũng không thể mạo hiểm với giải đấu mình chịu áp lực phải vô địch bằng được.
Bởi xét về vị thế của ĐT Việt Nam hiện tại, khi đã vào đến sân chơi châu Á thì việc phải làm ông vua của khu vực Đông Nam Á là bắt buộc. Bên cạnh đó, thất bại ở AFF Cup có thể là một khủng hoảng dây chuyền đẩy bóng đá Việt Nam vào khó khăn. Sự quay lưng của người hâm mộ với bóng đá Việt Nam và đặc biệt là V.League là điều chắc chắn xảy ra. Bên cạnh đó, áp lực thành công của chính Thái Lan cách đây 5 năm càng khiến Việt Nam rơi vào áp lực phải vô địch giải đấu này.
Còn nhớ hồi năm 2016, Thái Lan cũng thua liểng xiểng ở vòng loại thứ 3 World Cup 2018. Nhưng ngay khi trở lại Đông Nam Á, Thái Lan lập tức thể hiện vị thế số 1 Đông Nam Á. Thầy trò HLV Kiatisak Senamuang thi đấu như dạo chơi mà vẫn vô địch giải đấu. Rõ ràng, trong sự so kè và sân si giữa Thái Lan và Việt Nam, nếu như Việt Nam không làm được như đối thủ cách đây 5 năm trước, đó cũng là một thất bại với chính ĐT Việt Nam.
Thêm vào đó, luồng quan điểm cho rằng ĐT Việt Nam phải sử dụng đội hình mạnh nhất để vô địch AFF Cup bởi cũng từ chính vết xe đổ của bóng đá Thái Lan hậu vô địch AFF Cup 2016. Khi đó, do quá ảo tưởng về sức mạnh đã vươn tầm trình độ châu lục, Thái Lan bỏ bê đấu trường Đông Nam Á dẫn đến mất cả trì lẫn chài. Cụ thể, chẳng những Thái Lan không giữ vững vị thế số 1 khu vực mà ở trường châu lục, Bầy voi chiến cũng bị những ông lớn châu lục bắt nạt không thương tiếc.
Vậy, câu hỏi được đặt ra ở đây rằng, liệu có thể dung hoà giữa hai mong muốn, tức là vừa tạo điều kiện cho cầu thủ U23 Việt Nam được lần đầu tiên hít thở bầu không khí AFF Cup, vừa đảm bảo hành trình hướng tới bảo vệ chức vô địch hay không? Thực tế là vẫn có. Bởi dựa vào lịch thi đấu, ĐT Việt Nam có 2 trận đấu khá dễ thở ở vòng bảng khi gặp Lào (6/12) ở lượt đầu và Campuchia tại lượt cuối (19/12). Đây có thể là cơ hội để cầu thủ U23 hy vọng HLV Park Hang-seo đăng ký vào danh sách tham dự trận đấu. Hoặc thậm chí, họ sẽ được tạo điều kiện vào sân thi đấu ở một quãng thời gian của trận. Nếu điều kiện lý tưởng diễn ra, tức là ĐT Việt Nam có thể thắng Lào, Malaysia, Indonesia ở 3 lượt đầu tiên để đảm bảo một tấm vé đi tiếp thì việc HLV Park Hang-seo tung vào sân một đội hình dự bị khi gặp Campuchia ở lượt cuối là hoàn toàn có thể.
Văn Xuân, Việt Anh, Thanh Bình có cơ hội
Trong 8 cầu thủ U23 lên tập trung, Việt Anh, Thanh Bình, Văn Xuân và Hoàng Anh là những cái tên cứng nhất khi thường xuyên được triệu tập lên tập luyện cùng ĐTQG. Trong đó, Thanh Bình thậm chí cũng đã được vào sân thi đấu trong trận Việt Nam thua 2-3 Trung Quốc. Dù đó là một màn trình diễn quá non nớt và vấp nhiều sai sót nhưng chí ít, đó cũng là trải nghiệm quý giá dành cho trung vệ sinh năm 2000. 4 cầu thủ còn lại gồm Văn Đô, Văn Chuẩn, Văn Đạt và Thanh Minh có lẽ khó cạnh tranh. Nhiều khả năng, họ sẽ là những cái tên bị loại trước khi ĐT Việt Nam rút gọn danh sách 30 cầu thủ dự AFF Cup 2020.
Liên quan đến các cầu thủ U23 Việt Nam chuyên gia Đoàn Minh Xương cho rằng: “Bên cạnh việc tìm thành tích thì ông Park cũng nên tạo cơ hội cho cầu thủ U23 được thi đấu nhiều hơn ở một số trận đấu. Tôi lấy ví dụ nên để Lê Văn Xuân và Bùi Hoàng Việt Anh hay Nguyễn Thanh Bình thi đấu nhiều hơn ở những trận gặp Lào hay Campuchia, có thể đưa vào hiệp 2 hoặc khi chúng ta đã có kết quả thuận lợi để giúp họ hít thở không khí đội tuyển và tích lũy thêm kinh nghiệm trận mạc. Tương tự như vậy cũng nên thử Lý Công Hoàng Anh cho vị trí tiền vệ trung tâm, đá bên cạnh Hoàng Đức hoặc Tuấn Anh ở một số thời điểm”.