Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018: Vẫn chờ Điều lệ khung!
- Khai mạc Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5
- Khai mạc Đại hội thể thao sinh viên toàn quốc 2015
- Việt Nam giành 2 HCĐ Đại hội thể thao sinh viên thế giới
Khác biệt đến từ tên gọi
Kỳ Đại hội năm 2018 ghi nhận sự thay đổi về tên gọi. Điều này cũng phù hợp với tính chất của Đại hội khi Vòng chung kết Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018 chỉ chú trọng đến hầu hết môn thành tích cao. Vì thế, tên gọi của đại hội lần này không còn chữ “Thể dục” – vốn hướng về thể thao quần chúng, mà chỉ còn chữ “Thể thao”.
Sự thay đổi này khẳng định sự quan tâm, đầu tư đến những môn thể thao thành tích cao, vốn tạo nên gương mặt thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Nhờ đó, vòng chung kết Đại hội hướng các địa phương, ngành vào việc tập trung xây dựng lực lượng, đầu tư cho các vận động viên, môn và nhóm môn mũi nhọn, qua đó giúp thể thao Việt Nam có nguồn vận động viên phong phú và giàu chất lượng.
Với mốc 4 năm tổ chức một lần, Đại hội chính là dịp để các đơn vị tổng kết, đánh giá quá trình đầu tư cho thể thao thành tích cao, cũng là bộ mặt của thể thao tỉnh, thành nhà hoặc ngành mình.
Hiện tại, Đại hội Thể dục thể thao các tỉnh, thành, ngành đang được tổ chức. Trong khi đó, việc chuẩn bị cho Đại hội Thể thao toàn quốc cũng được các đơn vị ráo riết tiến hành. Dù vậy, các đơn vị đã gặp không ít khó khăn khi phải đến đầu tháng 11, Đề án tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018 mới được thông qua. Phải đợi khi Đề án được thông qua thì các đơn vị mới nắm rõ số môn trong chương trình thi đấu, từ đó chuẩn bị lực lượng.
So với Dự thảo Đề án tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018, đã có sự thay đổi về số lượng môn thi đấu. Theo Dự thảo Đề án Đại hội, sẽ có 34 môn thi đấu xuất hiện trong chương trình thi đấu. Tuy nhiên, khi Đề án chính thức được thông qua, đã xuất hiện thêm 2 môn là lặn và bowling.
Đô vật Vũ Thị Hằng – niềm hy vọng của thể thao Hà Nội tại kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018. |
Sự xuất hiện của cả hai môn thi đấu này cũng được coi là hợp lý và phù hợp với sự phát triển của thể thao nhiều địa phương, ngành. Sau Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VII năm 2014, nhiều địa phương vẫn phát triển môn lặn. Thế rồi Dự thảo Đề án tổ chức Đại hội Thể thao Thủ đô lại không có môn này. Điều đó khiến nhiều đơn vị băn khoăn vì đã đầu tư cả tỷ đồng mỗi năm cho môn lặn để chuẩn bị cho những kỳ cuộc lớn. Nếu không tổ chức môn lặn tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018 thì đơn vị quản lý nhà nước về thể thao phải thông báo từ sau kỳ đại hội trước để các đơn vị chuyển hướng đầu tư.
Còn đến phút chót mới thông báo thì rõ là khiến các đơn vị bị động, gặp khó khăn. Cuối cùng, đơn vị quản lý thể thao nhà nước cũng thể hiện rõ sự cầu thị khi đưa môn lặn trở lại chương trình thi đấu của Đại hội Thể thao Thủ đô.
Mừng nhất trong quyết định này là TP Hồ Chí Minh, Quảng Bình, Hà Nam… - những đơn vị mạnh về môn lặn. Nhờ đó, thể thao TP Hồ Chí Minh sẽ có ít nhất 12-15 HCV tại kỳ đại hội tới, để tạo áp lực đáng kể lên đoàn Hà Nội trong cuộc đua tới ngôi vô địch toàn đoàn. Còn sự xuất hiện của môn bowling sẽ giúp những đơn vị như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương… cùng chia đều cơ hội giành HCV.
Đã có Đề án, còn chờ Điều lệ khung
Đề án Đại hội Thể thao toàn quốc 2018 mới chỉ đưa ra được số môn thi đấu tại Đại hội. Còn Điều lệ khung sẽ cụ thể hơn, trong đó quy định về nhân sự được các đơn vị đặc biệt quan tâm. Từ đây, các đơn vị mới có thể quyết định được nhân sự cụ thể thi đấu tại Đại hội. Nếu chưa có Điều lệ khung, các đơn vị sẽ gặp khó về chuẩn bị nhân sự. Trong khi đó, chỉ còn gần 1 năm là tới Vòng chung kết Đại hội Thể thao toàn quốc và cũng chỉ còn hơn 2 tháng nữa sẽ diễn ra cuộc đấu đầu tiên của Đại hội.
Ở khía cạnh khác, căn cứ vào Điều lệ khung, các bộ môn của Tổng cục TDTT mới có thể ban hành Điều lệ của từng môn thi đấu. Chính điều lệ này sẽ quy định số nội dung thi đấu. Từ đó, các đơn vị tham dự có thể biết rõ cơ hội tranh chấp huy chương cũng như khả năng xếp hạng chung cuộc.
Hiện tại, nhiều bộ môn của Tổng cục TDTT đã chuẩn bị sẵn Điều lệ của môn thi tại Đại hội và chỉ còn chờ Điều lệ khung được ban hành. Bản thân họ và các đơn vị tham dự Đại hội cũng sốt ruột đợi ngày Điều lệ khung được ban hành. Điều lệ khung ban hành chậm ngày nào sẽ ảnh hưởng đến các đơn vị tham dự ngày đó. Như vậy, đây là kỳ đại hội mà Điều lệ thi đấu được ban hành muộn nhất so với một số kỳ đại hội thể thao toàn quốc gần đây.
Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018 thêm 2 môn vào phút chót Trong Dự thảo Đề án tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018 có 34 môn. Nhưng vào phút cuối, môn lặn và bowling đã được bổ sung khiến hành trình giữ ngôi nhất toàn đoàn của thể thao Hà Nội thêm khó khăn. 36 môn thể thao tại đại hội kỳ này gồm: điền kinh, bơi, thể dục (thể dục dụng cụ, thể dục aerobic), đua thuyền (rowing, canoeing), bóng đá (bóng đá 11 người, bóng đá futsal nam), bắn súng, bắn cung, cử tạ, judo, taekwondo, vật, boxing, kiếm, cầu lông, quần vợt, bóng chuyền, bóng ném, bóng rổ, xe đạp, bóng bàn, golf, karatedo, wushu, pencak silat, cờ vua, cầu mây, billiard & snooker, khiêu vũ thể thao, bowling, thể hình, muay, bi sắt, vovinam, võ cổ truyền, đá cầu, lặn. Minh Nhật |