Thế vận hội mùa đông 2018 chính thức bắt đầu
Quy mô lớn nhất trong lịch sử
Sau hai lần đăng ký đăng cai không thành công, thành phố PyeongChang (tỉnh Gangwon, Hàn Quốc) đã xuất sắc vượt qua hai đối thủ nặng ký là Annecy (Pháp) và Munich (Đức) để giành vị trí chủ nhà đăng cai Thế vận hội mùa đông lần thứ 23.
Đây là lần thứ 2 Thế vận hội mùa đông trở lại với châu Á, đúng 20 năm kể từ sau kỳ Olympic Nagano tại Nhật Bản. Theo thông báo của Ban tổ chức, hiện đã có gần 3.000 vận động viên đến từ 92 nước và khu vực xác nhận tham gia tranh tài tại Thế vận hội để giành lấy 102 huy chương vàng.
Ngoài ra, còn có hơn 55.000 nhân viên, tình nguyện viên phục vụ trong suốt quá trình thế vận hội diễn ra. Bên cạnh đó, khoảng 100.000 khách du lịch và cổ động viên đến Hàn Quốc trong dịp này để chứng kiến những màn tranh tài đỉnh cao.
KBS nhận định, Thế vận hội mùa đông 2018 có quy mô vận động viên và lực lượng phục vụ hậu cần tham gia lớn nhất trong lịch sử. Xuyên suốt 17 ngày diễn ra thế vận hội, sẽ có 102 sự kiện trong khuôn khổ 15 bộ môn thi đấu được diễn ra.
Năm nay, bên cạnh các bộ môn thi đấu quen thuộc như khúc côn cầu trên băng, trượt băng nghệ thuật, trượt ván trên tuyết, lần đầu tiên thể thức thi đấu bi đá trên băng đôi nam nữ được đưa vào nội dung tranh tài, và cũng là bộ môn mở màn tại thế vận hội năm nay.
Thế vận hội mùa đông 2018 sẽ diễn ra tại thành phố PyeongChang, Hàn Quốc từ ngày 9 đến 25-2. Ảnh: Euro Sport |
Theo phân tích của tạp chí Forbes, Hàn Quốc đã chi gần 13.000 tỉ USD để xây dựng, nâng cấp đường xá và cơ sở hạ tầng phục vụ thế vận hội. Sân vận động Olympic PyeongChang - nơi diễn ra lễ khai mạc và bế mạc Thế vận hội mùa đông 2018 được xây mới hoàn toàn với sức chứa 35.000 khách cùng chi phí khoảng 60 triệu USD.
Ngoài ra, để thuận lợi cho quá trình thi đấu của các vận động viên, Hàn Quốc đã thiết kế các địa điểm thi đấu nằm trong cùng một quần thể, chỉ mất chưa đầy 30 phút để di chuyển giữa những nơi thi đấu từ sân vận động Olympic PyeongChang.
"Thế vận hội mùa đông không phổ biến ở châu Á. Đó là lý do vì sao việc quảng bá nó trở nên rất quan trọng với chúng tôi", cô Jeong Ji-young, đại diện nhóm quan hệ công chúng của Olympic Pyeongchang 2018 cho biết. Hàn Quốc cũng đầu tư xây dựng hai khu làng Olympic, là nơi ở và sinh hoạt cho gần 3.000 vận động viên và các quan chức thể thao.
Vào ngày 3-2 vừa qua, hai khu làng Olympic đã chính thức được mở cửa để đón các đoàn thể thao tham dự thế vận hội. Cả hai ngôi làng đều có đầy đủ các tiện ích và khu giải trí, trung tâm thể dục thể thao hiện đại cùng các nhà hàng phục vụ 24/24h.
Điểm nổi bật của thế vận hội năm nay có lẽ chính là công nghệ. Ngay từ khi kỳ Thế vận hội chưa bắt đầu, cảnh tượng hai robot mang ngọn đuốc Olympic trong màn rước đuốc tại Daejeon đã thu hút sự chú ý của người xem.
Nổi tiếng là một quốc gia đi đầu trong công nghệ, Hàn Quốc đã không ngần ngại đưa công nghệ mạng 5G vào sử dụng, biến Thế vận hội mùa đông 2018 trở thành thế vận hội đầu tiên được phủ sóng 5G từ sân bay cho đến trung tâm báo chí và các địa điểm thi đấu. Ngoài ra, các vận động viên còn được gắn hệ thống camera định vị vào chân, giúp khán giả trải nghiệm rõ từng phần dự thi thông qua video thực tế ảo 360 độ.
Hòa bình trong chuyển động
Lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông 2018 tại PyeongChang diễn ra vào tối 9-2 được xây dựng với chủ đề "Hòa bình trong chuyển động" (Peace in motion). KBS tiết lộ, màn biểu diễn trong lễ khai mạc được tiến hành theo mô típ một câu chuyện cổ tích giả tưởng, vẽ nên hành trình khám phá lịch sử từ quá khứ đến tương lai của năm em nhỏ, xuất phát từ thần thoại cổ của Hàn Quốc, để đi tìm kiếm ý nghĩa của hòa bình.
Sáng cùng ngày, ngọn đuốc thắp sáng trong thời gian diễn ra Thế vận hội đã được đưa đến Pyeongchang, báo hiệu thời khắc kỳ Thế vận hội của hòa bình và đam mê sắp bắt đầu. Lễ khai mạc chứng kiến màn diễu hành chung của đoàn vận động viên Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên dưới một “lá cờ thống nhất” - màn diễu hành chung của hai nước sau 11 năm.
Đây là kết quả của quá trình xúc tiến ngoại giao và đàm phán giữa hai miền Triều Tiên kể từ sau khi nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un chìa “nhành ô liu” về phía Hàn Quốc trong thông điệp Năm mới của ông.
Việc hai bên phối hợp tích cực trong công tác chuẩn bị cho sự kiện thể thao quan trọng này được kỳ vọng sẽ tạo nền tảng thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Với số lượng vận động viên và người tham dự lên tới hàng trăm nghìn người, công tác đảm bảo an ninh trong suốt quá trình diễn ra Thế vận hội được Hàn Quốc đặc biệt đề cao.
Ông Lee Chul-sung, đại diện cảnh sát quốc gia cho biết, họ đã chuẩn bị trong suốt hơn một năm qua nhằm đảm bảo các bộ môn thi đấu đều sẽ diễn ra trong hòa bình, an toàn.
Trước thềm Thế vận hội mùa đông 2018, một loạt các cuộc diễn tập đã được tổ chức tại nhiều địa điểm của Hàn Quốc, NBC cho hay. Đặc biệt, trước giờ khai mạc Thế vận hội mùa đông 2018, Hàn Quốc đã tiến hành các biện pháp siết chặt an ninh tối đa với lực lượng gồm 50.000 binh sĩ vũ trang liên tục tuần tra cùng mạng lưới 182 camera theo dõi 24/7.
Không phận Pyeongchang bị đóng trong thời gian diễn ra Thế vận hội. Các đội tác chiến phục sẵn ở các địa điểm công cộng, sẵn sàng chặn đứng bất kỳ nguy cơ nào. Các đội phản ứng nhanh được phát những loại vũ khí chống thiết bị bay như súng radar phá sóng điều khiển, súng săn bắn hạ mục tiêu.
Hàng nghìn hầm trú ẩn trong lòng đất cũng được chuẩn bị cho mọi tình huống. Đồng thời, Hàn Quốc vừa ban hành lệnh cấm 36.000 người nước ngoài nhập cảnh vào nước này nhằm ngăn chặn nguy cơ khủng bố trong thời gian diễn ra Thế vận hội.
Những ngày này, trái tim người hâm mộ thể thao trên toàn thế giới đều đang hướng về PyeongChang, Hàn Quốc, cùng chờ đợi những màn trình diễn thể thao đỉnh cao đến từ các vận động viên chuyên nghiệp trên toàn thế giới.
Với sự chuẩn bị quy mô, kỳ công và an toàn, Thế vận hội mùa đông Pyeongchang được kỳ vọng sẽ mở ra một chân trời mới cho sự phát triển của thể thao khu vực và thế giới. Hơn thế, đây sẽ là nơi mà đam mê và lý tưởng hòa bình cùng hòa nhịp, xướng lên bài ca Olympic Pyeongchang 2018 đầy ấn tượng.