Gương mặt tạo thương hiệu thể thao CAND

Chủ Nhật, 07/02/2021, 19:42
Trong một năm đầy khó khăn của thể thao Việt Nam vì bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thể thao CAND vẫn có những vận động viên tạo nên điểm nhấn. Trong số này, 3 cái tên gồm Ngần Ngọc Nghĩa (điền kinh), Nguyễn Văn Trí (Pencak Silat), Nguyễn Thị Việt Linh (Bóng bàn) được giới chuyên môn đánh giá cao khi tạo nên dấu ấn mạnh mẽ tại các giải đấu mà họ tham dự. Nhờ đó, càng làm sáng lên thương hiệu của thể thao CAND - đơn vị thể thao giàu truyền thống trong làng thể thao Việt Nam.


Ngần Ngọc Nghĩa: Kỷ lục nối liền kỷ lục

5 năm trước, Ngần Ngọc Nghĩa đã nổi lên là chân chạy ngắn hàng đầu Việt Nam. Đến năm 2018, chàng trai người Thái trắng đang thi đấu cho đội CAND chứng tỏ tài năng khi không có đối thủ tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 8 đi kèm kỷ lục quốc gia cũng như kỷ lục Đại hội ở nội dung 100m nam. Đến năm 2019, ngoài việc tiếp tục thống trị đường chạy ngắn (100m và 200m), Ngần Ngọc Nghĩa trở thành VĐV duy nhất của Việt Nam tham dự Giải điền kinh vô địch thế giới ở Qatar và đã vượt qua vòng loại thứ nhất nội dung 100m nam. Kể ra để thấy áp lực rất lớn trên vai của một VĐV giàu thành tích và từng đại diện cho điền kinh Việt Nam ở đấu trường thế giới như Ngần Ngọc Nghĩa trong năm 2020.

Đã vậy, dịch COVID-19 ập đến khiến kế hoạch huấn luyện, nâng tầm cho Ngần Ngọc Nghĩa bị đảo lộn. Nhưng chỉ đến khi Ngần Ngọc Nghĩa tạo nên cột mốc mới ở nội dung 100m nam tại Giải điền kinh vô địch quốc gia 2020 – vốn bị hoãn lên hoãn xuống vì dịch COVID-19, thì tất cả đều thán phục tài năng, nỗ lực và ý chí của chân chạy ngắn hàng đầu Việt Nam này.

Trước Giải điền kinh vô địch quốc gia 2020, giới chuyên gia đều chỉ mong các VĐV thi đấu ở mức tròn vai sau một thời gian dài chỉ tập mà hầu như không thi đấu. Nhưng chính Ngần Ngọc Nghĩa còn mang đến nhiều điều tích cực hơn khi không chỉ giành HCV mà còn phá kỷ lục quốc gia của chính anh tại nội dung 100m nam với thành tích 10 giây 40 (kỷ lục cũ là 10 giây 47). Trong khoảng thời gian 2 năm, hai lần phá kỷ lục quốc gia ở nội dung danh giá nhất của môn điền kinh, đồng thời mở ra cơ hội tranh chấp HCB hoặc xa hơn là  HCV tại SEA Games 31, cũng là điều đáng nể.

Giành 3 HCV tại Giải điền kinh vô địch quốc gia ở những nội dung như 100m, 200m, 4x100m thực sự là thành tích đáng tự hào của Ngần Ngọc Nghĩa cũng như điền kinh CAND. Bắt nguồn từ khâu tuyển chọn, đào tạo để đến lúc này, điền kinh CAND hoàn toàn tự hào, tự tin vào mũi nhọn Ngần Ngọc Nghĩa cũng như đội chạy cự ly ngắn nam của mình. Ngần Ngọc Nghĩa sẽ còn phải tiếp tục chứng minh nhiều điều trong năm 2021, đặc biệt khi SEA Games 31 diễn ra tại Việt Nam. 

Nguyễn Thị Việt Linh: Cuộc trở lại ấn tượng

Trong năm 2020, làng bóng bàn nữ Việt Nam chứng kiến hàng loạt sự trở lại ấn tượng trong đó có trường hợp của hai tay vợt Hà Nội là Nguyễn Thị Nga, Phạm Dạ Thảo, hay trường hợp của tay vợt CAND Nguyễn Thị Việt Linh. Nếu Nguyễn Thị Nga, Phạm Dạ Thảo trở lại sau sinh con thì Nguyễn Thị Việt Linh trở lại sau khi nghỉ thi đấu từ năm 2017 do bệnh dạ dày.

HLV đội bóng bàn CAND Nguyễn Danh Phong kể lại rằng, lần trở lại trong năm 2020 của Việt Linh chứa đựng cả ý chí của cô gái sinh năm 1994 này và cả niềm tin của các HLV. Hơn 3 năm trước, cô gái này đã phải tạm xa các giải đấu đỉnh cao để điều trị bệnh dạ dày, vốn làm cô thường xuyên không thể thực hiện trọn vẹn giáo án tập luyện trong một chu kỳ huấn luyện. Đấy là điều đáng tiếc với cô, các HLV ở đội bóng bàn CAND và của làng bóng bàn nữ Việt Nam. Đơn giản vì lối đánh thiên về cắt bóng của cô vẫn là “của độc” trong làng bóng bàn nữ Việt Nam và hoàn toàn có thể góp phần giúp đội tuyển nữ Việt Nam vươn đến ngôi cao hơn tấm HCĐ tại các giải đấu tầm cỡ Đông Nam Á.

Cũng chỉ đến khi nhận thấy Việt Linh đã hồi phục sau một thời gian dài chữa bệnh, các HLV đội CAND mới động viên cô học trò cũ trở lại thi đấu. Khát vọng tiếp tục được thi đấu của tay vợt nữ số 2 một thời của bóng bàn nữ Việt Nam (thường chỉ xếp sau Mai Hoàng Mỹ Trang) đã khiến cô quyết định trở lại bàn đấu, bắt đầu từ Giải bóng bàn toàn quốc năm 2020 – Báo Nhân Dân.

Nhưng đến Giải Bóng bàn các đội mạnh toàn quốc sau đó, người hâm mộ đã thực sự chứng kiến hình ảnh lợi hại của một Linh “cắt” ngày nào. Khi cô đã bắt nhịp được nhịp điệu thi đấu đỉnh cao thì trở nên khó bị đánh bại. Chính phong độ và lối chơi bóng của cô gái này đã giúp đội nữ CAND lên ngôi vô địch nội dung đồng đội nữ. Trong đó, dấu ấn của Việt Linh càng trở nên rõ ràng khi cô thắng tay vợt Nguyễn Thị Nga ngay ở lượt đấu đầu tiên của trận chung kết đồng đội nữ giữa đội CAND và Hà Nội.

Chính chiến thắng ấy càng tiếp thêm động lực cho các đồng đội của cô để rồi họ chóng vánh vượt qua các tay vợt khác của Hà Nội, giúp đội CAND giành chiến thắng chung cuộc 3-0. Đấy là chức vô địch đồng đội nữ đầu tiên tại một giải đấu quốc gia của bóng bàn CAND từ năm 2014, giai đoạn Việt Linh đang đạt phong độ đỉnh cao.

Nguyễn Văn Trí: Nhà vô địch vô đối

Từ sau khi giành HCV tại SEA Games 29 năm 2017 và đặc biệt là HCV ASIAD 18 năm 2018, võ sĩ Pencak Silat Nguyễn Văn Trí đã trở thành cái tên quen thuộc trong làng thể thao Việt Nam. Trong làng Pencak Silat Việt Nam, Nguyễn Văn Trí cũng hầu như không có đối thủ ở hạng 95kg nam. Cũng không phải ngẫu nhiên khi trong năm 2020, đội Pencak Silat CAND đặt ra mục tiêu cho Nguyễn Văn Trí là giành HCV tại Giải vô địch Pencak Silat toàn quốc và Giải vô địch các CLB Pencak Silat toàn quốc. Đấy là điều đương nhiên kể cả khi Nguyễn Văn Trí phải tập chay, ít thi đấu cọ xát vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Nhà đương kim vô địch ASIAD 2018 kể lại: “Cũng bởi dịch COVID-19 nên tôi phải thay đổi giáo án tập luyện trong đó thiên về các bài tập liên quan đến thể lực, sức mạnh nhằm duy trì thể trạng”. Thực tế, đẳng cấp của Nguyễn Văn Trí đã thể hiện rõ ở hai giải đấu thuộc hệ thống thi đấu quốc gia. Ở cả hai giải, Nguyễn Văn Trí chỉ phải thi đấu 2 trận để giành HCV ở hạng 95kg nam.

Đáng chú ý, ở Giải vô địch các CLB Pencak Silat toàn quốc, Nguyễn Văn Trí không phải thi đấu trận nào do các đối thủ đều xin bỏ cuộc khi biết chắc sẽ không thể thắng được nhà vô địch ASIAD. Tại Giải vô địch Pencak Silat toàn quốc, nhà đương kim vô địch ASIAD 2018 cũng chỉ mất hai trận đấu khá dễ dàng để lên ngôi vô địch. Có thể việc Nguyễn Văn Trí lên ngôi dễ dàng ở hệ thống thi đấu giải quốc nội còn để lại chút suy nghĩ về việc đào tạo VĐV trong làng Pencak Silat Việt Nam nhưng mặt khác cũng cho thấy đẳng cấp của võ sĩ này.

Chính vì vậy, khi nhắc đến các VĐV của các môn võ thuộc thể thao CAND, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT CAND Nguyễn Xuân Hải đã cho rằng trường hợp của Nguyễn Văn Trí được xem như điểm sáng. HLV đội Pencak Silat CAND Lê Ngọc Anh khẳng định rằng, Nguyễn Văn Trí đã có một năm đầy nỗ lực để vượt qua khó khăn của dịch COVID-19, từ đó đóng góp hiệu quả cho Pencak Silat CAND. Vì vậy, hoàn toàn có thể hy vọng vào khả năng đóng góp của Nguyễn Văn Trí cho đội tuyển Pencak Silat Việt Nam tại SEA Games 31 cũng như cho Pencak Silat CAND tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 9 năm 2022.
Minh An
.
.
.