Sông Lam Nghệ An: Bình mới, hy vọng rượu cũng mới!

Thứ Ba, 18/05/2021, 07:39
12 năm gắn bó cùng Sông Lam Nghệ An của Bắc Á Bank có khởi đầu và kết thúc đều rất đáng nhớ. Mùa 2010/11, đội bóng xứ Nghệ đăng quang V.League, chức vô địch quốc gia thứ 3 trong lịch sử của cái nôi luôn tự hào đã sản sinh ra những ngôi sao hàng đầu cho bóng đá Việt Nam. 


Khi cuộc chia tay với Bắc Á Bank diễn ra ở mùa giải này, Sông Lam Nghệ An đang đứng bét BXH với chỉ 10 điểm sau 12 vòng đấu, thành tích kém cỏi bậc nhất từ khi đội bóng ra đời. Sự sa sút không phanh trên sân cỏ đã dẫn đến những biến động lớn ở thượng tầng đội bóng xứ Nghệ khi cả Chủ tịch Nguyễn Hồng Thanh lẫn HLV trưởng Ngô Quang Trường đều từ chức.

Dĩ nhiên trong chặng đường hơn 1 thập kỷ đó, Sông Lam Nghệ An không tụt dốc theo kiểu chiếc xe mất phanh. Đội bóng xứ Nghệ có những lúc chơi tốt, có những thời điểm rơi vào khủng hoảng nhưng nhìn chung, họ không thể đạt được sự ổn định từng giúp Sông Lam Nghệ An là một thế lực ở V.League như quá khứ.

Cựu HLV trưởng ĐT Việt Nam Nguyễn Hữu Thắng, một người con của Sông Lam Nghệ An, cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến sự bất ổn của đội chủ sân Vinh chính là kinh tế. Nghệ An là một tỉnh nghèo và đội bóng, niềm tự hào của người dân xứ Nghệ, không có được điều kiện tài chính tốt như những đội bóng khác. Suốt hơn 1 thập kỷ, Bắc Á Bank là đơn vị duy nhất đồng hành cùng Sông Lam Nghệ An và nguồn lực của đội bóng không đủ để họ duy trì sức cạnh tranh với các “đại gia” V.League.

Phan Văn Đức và đồng đội cần có một môi trường tốt hơn ở câu lạc bộ.

Sông Lam Nghệ An vẫn có nhiều cầu thủ giỏi nhờ lò đào tạo trứ danh của họ, vẫn có lực lượng CĐV máu lửa bậc nhất V.League, nhưng trong thời đại bóng đá kim tiền, việc đội bóng thiếu “bầu sữa” dồi dào cùng với khả năng quản lý có phần lạc hậu khiến họ cứ tụt lại dần trong cuộc đua với các đội bóng khác. Đội chủ sân Vinh liên tục phải chấp nhận để những ngôi sao sáng nhất ra đi vì không đủ khả năng giữ chân họ trước những lời mời chào hấp dẫn. Những Quế Ngọc Hải, Nguyên Mạnh, Hồ Khắc Ngọc, Trọng Hoàng, Phi Sơn… chắc hẳn vẫn giữ trong mình tình yêu với đội bóng, với quê hương nhưng họ không có lựa chọn nào khác. Đời cầu thủ vốn ngắn và cơ hội thì lại chẳng có nhiều.

Không giữ chân được các trụ cột, đồng nghĩa với việc chất lượng đội hình đi xuống, thật khó để Sông Lam Nghệ An duy trì được thành tích xứng đáng với kỳ vọng to lớn mà các CĐV đặt vào họ. Nếu không có sự thay đổi, đội bóng xứ Nghệ hoàn toàn có thể đối mặt với viễn cảnh vắng mặt ở V.League mùa tới. Đó sẽ là một bi kịch với cái tên lừng lẫy Sông Lam Nghệ An.

“Tống cựu nghênh tân”

Tập đoàn Tân Long xuất hiện vào một thời điểm rất nhạy cảm. Đội chủ sân Vinh thì đang đứng bét BXH với thành tích thi đấu bết bát và họ lại đang phải đối mặt với khả năng tiếp tục phải chia tay những trụ cột vì điều kiện tài chính không đảm bảo.

Có đến khoảng 10 cái tên trong đội hình Sông Lam Nghệ An sẽ hết hạn hợp đồng sau mùa này chưa được gia hạn, và nổi bật nhất trong số đó tất nhiên là Phan Văn Đức. Tuyển thủ quốc gia SN 1996 là một tài năng đặc biệt, người có đủ khả năng làm tất cả các ông chủ tại V.League sẵn lòng mở hầu bao.

Nếu Phan Văn Đức, biểu tượng lớn nhất của đội bóng xứ Nghệ vài năm qua, ra đi thì đó sẽ là một cú đánh rất mạnh vào niềm kiêu hãnh của Sông Lam Nghệ An. Điều may mắn cho đội chủ sân Vinh là “Mạnh Thường Quân” đã xuất hiện kịp thời, giống như chiếc phao cứu sinh đem đến hy vọng cho Sông Lam Nghệ An.

Chiếc phao của Sông Lam Nghệ An là Tập đoàn Tân Long, một doanh nghiệp làm về nông nghiệp và các sản phẩm nông nghiệp. Tập đoàn Tân Long tiền thân là Công ty Tân Long Vân, được thành lập từ năm 2000. Trong giai đoạn kinh doanh đầu tiên, Tân Long là nhà cung cấp nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.  Sau này, tập đoàn mở rộng kinh doanh các mặt hàng nông nghiệp như gạo, ngũ cốc, sản phẩm chăn nuôi. Chủ tịch của Tân Long là doanh nhân Trương Sỹ Bá, một người con xứ Nghệ.

Trước đó, Ngân hàng Bắc Á bàn giao đội bóng Sông Lam Nghệ An lại cho tỉnh Nghệ An và không tính toán các khoản nợ của đội bóng khoảng gần 400 tỉ đồng. Nhờ đó, nhà tài trợ mới sẽ có thể tiếp quản đội bóng ngay lập tức mà không cần lo lắng về tình hình tài chính của đội chủ sân Vinh.

Tập đoàn Tân Long có mối liên quan khá mật thiết với bầu Hiển của T&T. Trong mùa giải 2021, nhãn hiệu gạo A An của Tân Long trở thành nhà tài trợ chính của CLB Hà Nội. Bên cạnh đó, Tân Long Group từ năm 2014 tới nay đã ký nhiều hợp đồng lớn với tập đoàn T&T trong mảng cung cấp nông nghiệp, cũng như có các giao dịch tài chính với Ngân hàng SHB. 

Với một nhà tài trợ mới có tiềm lực kinh tế, Sông Lam Nghệ An đang chờ đợi những sự chuyển biến đến ngay lập tức.

Việc đầu tiên là giữ chân Phan Văn Đức

Một trong những việc đầu tiên mà nhà tài trợ mới Tân Long Group thực hiện sau khi tiếp quản Sông Lam Nghệ An là tiến hành việc gia hạn hợp đồng với các trụ cột, trong đó có Phan Văn Đức. Đội chủ sân Vinh đang thuyết phục cầu thủ SN 1996 sẽ ở lại với hợp đồng có thời hạn 3 năm và mức phí lót tay lên tới gần 3 tỷ đồng/mùa. 

Đây là mức phí lót tay hợp đồng lớn nhất trong lịch sử của Sông Lam Nghệ An và không thua kém những bản hợp đồng cầu thủ nội đình đám ở V.League thời gian gần đây. Cùng với Phan Văn Đức, một tuyển thủ quốc gia khác là Phạm Xuân Mạnh cũng được đề nghị gia hạn hợp đồng với phí lót tay “khủng”.

Tân Long Group là một tập đoàn có tiềm lực mạnh. Năm 2018, Tân Long có vốn điều lệ 1.200 tỉ đồng, trong đó Chủ tịch HĐQT Trương Sỹ Bá nắm giữ cổ phần chi phối với tỷ lệ sở hữu 88% vốn. Đến cuối năm 2018, doanh nghiệp này nâng vốn điều lệ lên 2.200 tỉ đồng. Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Tân Long Group đạt 18.249 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 904 tỉ đồng.

Đơn Ca
.
.
.