Nghịch lý của Câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An

Chủ Nhật, 18/10/2020, 09:28
Truyền thống không rớt hạng V.League tiếp tục được Sông Lam Nghệ An (SLNA) giữ vững. Truyền thống đào tạo tài năng trẻ của đội bóng xứ Nghệ trở lại mạnh mẽ trong 3 năm trở lại đây. Nhưng truyền thống ấy sẽ chẳng có giá trị với một SLNA thiếu tham vọng và tài chính. Và truyền thống ấy cũng sẽ là vô nghĩa nếu như Đội tuyển quốc gia (ĐTQG) không cần nhiều tài năng xứ Nghệ.

Vẫn cứ điệp khúc nghèo vượt khó

SLNA không phải không có lý tưởng hay mục đích sống. Nhưng họ “sống” trong một mảng màu cũ kỹ và lạc hậu. Thế giới này dù vẫn còn đó những nước mắt đồng cảm cho cảnh nghèo vượt khó. Nhưng thực sự, với sự hào nhoáng và có phần ảo ảnh mà mạng xã hội tạo ra, đa phần chỉ nhìn vào thành công bề nổi để vội vã phán xét và đánh giá về người đối diện. Người ta dễ dàng khen giỏi với những người có nhà lầu, xe hơi, doanh nghiệp, ngay cả khi đằng sau đó là hàng tỷ đồng tiền gốc lẫn lãi vì nợ ngân hàng. Nhưng người ta không tung hô một anh chàng quanh năm chăm chỉ làm việc nhưng vẫn chỉ đi một chiếc xe số vì gia cảnh khốn khó.

SLNA không vô địch V.League một lần nào suốt 1 thập kỷ đã qua. Khoảng thời gian ấy, SLNA vẫn trụ hạng V.League. Đó là sự tự hào mà ông Nguyễn Hồng Thanh, Chủ tịch CLB nói đanh thép trong một cuộc họp Ban chấp hành (BCH) VFF cách đây không lâu. Vế thứ hai sau câu nói ấy, ông nhắc đến việc SLNA vẫn cứ tằn tiện vượt qua khó khăn về tài chính (mỗi năm chỉ được 30-50 tỷ từ ngân sách của tỉnh và nhà tài trợ Bắc Á – thấp hơn 1 nửa hoặc 1/3 lần so với các đội tham vọng vô địch V.League) cho mọi hoạt động, kể cả đào tạo trẻ), như một cậu học trò nghèo mà vẫn cố gắng hiếu học.

Chẳng mấy ai để ý về cái kỷ lục 20 năm không một lần rớt hạng V.League của SLNA. Trong một xã hội ngày càng đề cao tính thực dụng như ở Việt Nam, họ chỉ quan tâm đội bóng đó chiêu mộ được ngôi sao nào hay vô địch V.League bao nhiêu lần mà thôi. Hà Nội FC, có số mùa tham dự V.League chỉ bằng một nửa SLNA. Nhưng chẳng sao cả. Nhiều người nhìn vào vẫn cứ mê Hà Nội FC. Đơn giản là họ giàu, giàu từ việc chiêu mộ cầu thủ cho đến hàng loạt chức vô địch V.League mùa này qua mùa khác.

Đúng là SLNA giàu truyền thống bậc nhất V.League. Nhưng họ đâu có giữ nổi chân những ngôi sao đắt giá của mình. Hết một mùa giải, người ta lại thấy SLNA chia tay với những trụ cột của đội bóng. Mùa trước nữa, đó là Ngọc Hải. Mùa trước là trường hợp của Khắc Ngọc, Nguyên Mạnh. Và mùa này, họ đối diện nguy cơ mất đi Tuấn Tài vào tay đội bóng khác.

SLNA không đủ giàu để giữ chân các ngôi sao, chứ chưa nói đến chuyện chiêu mộ nhân tài. SLNA cũng chẳng đủ giàu tham vọng để thuyết phục những gương mặt ưu tú hiện diện ở sân Vinh. Nhất là khi, nhiều cầu thủ giỏi của SLNA khi sang đội bóng khác là vô địch V.League. Trọng Hoàng (B.BD), Công Vinh, Hồng Sơn (Hà Nội T&T) là những trường hợp điển hình như thế.

Giàu truyền thống nhưng lại không giàu có và giàu chức vô địch. Nghịch lý của SLNA cứ tồn tại năm này qua năm khác.

Câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An nổi tiếng với việc nhiều năm trụ hạng V.League.

Mạnh mẽ ở giải trẻ nhưng yếu đuối ở các đội tuyển quốc gia

Một nghịch lý khác không tồn tại ở đội 1 nhưng hiện diện ở bóng đá trẻ SLNA. Cụ thể, trong vòng 3 năm trở lại đây, SLNA liên tục giành những chức vô địch ở các giải trẻ. U13 Sông Lam Nghệ An trở thành đại diện tiếp theo của xứ Nghệ vô địch giải trẻ. Cụ thể ở đây là Giải bóng đá Thiếu niên toàn quốc. Đây cũng là lần thứ 8, các cầu thủ thuộc lứa U13 của SLNA đăng quang trong lịch sử - một con số vô tiền khoáng hậu.

Trước U13 SLNA, U17 SLNA vô địch U17 Quốc gia sau 8 năm chờ đợi. Năm ngoái, U15 SLNA bảo vệ thành công chức vô địch U15 Quốc gia. Riêng với cấp độ U19, dù chưa thể đăng quang ngôi vương nhưng trong 3 năm qua, SLNA thường xuyên lọt vào vòng 4 đội mạnh nhất.

Những thành công của SLNA ở các giải trẻ có thể xem là sự khẳng định cho màn tái xuất của một lò đào tạo bóng đá trẻ lừng lẫy, sau những năm tháng phải nằm chiếu dưới trước HAGL, Viettel, Hà Nội hay PVF. Thế nhưng, có một nghịch lý đang tồn tại nơi SLNA. Đó là họ càng thành công trong 3 năm qua thì những đại diện của họ trên các ĐTQG lại càng bị hạn chế. Điều đó rất khác so với thế hệ của những Đình Hoàng, Mạnh Hùng, Ngọc Hải, Nguyên Mạnh, Tuấn Tài, Khắc Ngọc…

Dù không thành công ở giải trẻ nhưng đã có thời điểm, SLNA là nòng cốt của các ĐTQG Việt Nam. Vậy nhưng lúc này ở ĐT Việt Nam, Quế Ngọc Hải là cái tên duy nhất từng trưởng thành ở Nghệ An được chen chân vào đội hình thầy Park. Ở đội U22, cũng chỉ 5 cầu thủ Nghệ An là Ngọc Ánh, Văn Lắm, Sỹ Hoàng, Bá Sang, Văn Việt được lên tập trung hồi tháng 8 vừa rồi. Bởi nếu so với danh sách lên tới hơn 40 cầu thủ, con số 5 mà ông Park chọn từ SLNA là quá ít.

Câu chuyện ấy tiếp tục diễn ra ở đội U19 và U17 Quốc gia. Dù U17 SLNA vô địch giải U17 Quốc gia. Nhưng số cầu thủ của SLNA được HLV Philippe Troussier lựa chọn ban đầu chỉ có 4 gương mặt. Sau đó, vì những lý do khác nhau, ông thầy người Pháp bổ sung thêm 1-2 cầu thủ nữa. Nhưng rõ ràng, nó vẫn là quá ít ỏi so với hơn 40 cái tên lên U17 Việt Nam. 

Vất vả tìm nhà tài trợ

Cuối năm 2018, nhà tài trợ Bắc Á hết hợp đồng 9 năm với SLNA. Đội bóng này cùng tỉnh chạy đôn chạy đáo tìm nhà tài trợ. Nhưng từ Vin Group, T&T Group đều bất thành trong hợp tác. Sau cùng, SLNA buộc phải nhờ cậy lại “người cũ” Bắc Á. Tất nhiên, chi phí tài trợ cho năm từ nguồn tài trợ duy nhất này chỉ ở mức 30-50 tỷ đồng.

Năm nay, SLNA nhận 25 tỷ từ Bắc Á và 25 tỷ từ Tập đoàn TH. Thực tế, Bắc Á hay TH cũng chỉ là một với đứng đầu là Tập đoàn TH. May mắn là trong năm nay, với số trận giảm đi, SLNA… tiết kiệm được kha khá tiền di chuyển, ăn ở. Nhưng việc giữ được cầu thủ, đặc biệt là hàng tỷ đồng tiền lót tay vẫn là quá khó khăn.

An Khánh
.
.
.