Nỗi lo đánh mất thế mạnh của cử tạ
- Bơi lội, cử tạ liên tiếp lập công tại ASEAN Para Games
- Khoảnh khắc Thạch Kim Tuấn "mở hàng" HCV cho cử tạ Việt Nam
Một thời hy vọng
Mới chỉ cách đây hơn 2 năm, cử tạ Việt Nam còn đang hào hứng khi có nhiều cơ hội giành huy chương Olympic hơn các kỳ trước. 2 kỳ Olympic trước, mọi hy vọng chỉ dồn vào nhóm lực sĩ nam như Hoàng Anh Tuấn và Trần Lê Quốc Toàn. Hoàng Anh Tuấn đã đáp ứng kỳ vọng khi giành tấm HCB lịch sử cho thể thao Việt Nam tại Olympic 2008. Đến Olympic 2012, Trần Lê Quốc Toàn suýt giành HCĐ, đủ giúp cử tạ Việt Nam duy trì được vị thế trong làng thể thao Việt Nam và luôn trong nhóm môn được đầu tư trọng điểm.
Giai đoạn 2012-2015 thực sự đáng nhớ với cử tạ Việt Nam. Sự trưởng thành vượt bậc về chuyên môn của Thạch Kim Tuấn khiến anh được coi là ứng cử viên sáng giá cho tấm huy chương Olympic 2016. Sự kỳ vọng vào Thạch Kim Tuấn có cơ sở nhất định khi anh duy trì được sự phát triển ổn định về chuyên môn, vượt qua được những khó khăn về hình thể - cao hơn so với chiều cao thông thường của các lực sĩ hạng 56kg.
Nhưng sự xuất hiện của Vương Thị Huyền ở hạng 48kg nữ mới thực sự gây chú ý. Thành tích tại Giải vô địch thế giới năm 2015 của Vương Thị Huyền được dự báo có thể tranh chấp HCB hoặc HCĐ tại Olympic 2016. Nhưng rồi cuộc chơi khó lường khi cả Thạch Kim Tuấn cũng như Vương Thị Huyền đều không vượt qua được những thời khắc cân não tại Olympic 2016. Cả hai đều không thể hoàn tất phần thi nên bị loại đầy đau đớn.
Còn những nhà quản lý, huấn luyện viên của cử tạ Việt Nam đã thẫn thờ trước thất bại của những niềm hy vọng giành huy chương Olympic vì cơ hội không dễ lặp lại. 2 kỳ Olympic liên tiếp không giành được huy chương dù có cơ hội là điều đáng suy ngẫm với cử tạ Việt Nam.
Làm lại với những niềm hy vọng mới và cũ
Sau năm 2016, cử tạ Việt Nam đã phải đối mặt với bài toán xây dựng lực lượng để chuẩn bị cho Olympic 2020. Ở hạng 56kg, chấn thương cộng với việc lập gia đình khiến Thạch Kim Tuấn hầu như không còn cơ hội tái lập thành tích như giai đoạn 2014-2015. Gần đây nhất, tại Giải cử tạ vô địch thế giới 2017 tại Mỹ, Thạch Kim Tuấn đã giành cả 3 HCV tại hạng 56kg nam trong đó thành tích cử tổng của anh là 279kg. Thành tích này không đánh giá được khả năng tranh chấp huy chương tại Olympic 2020, thậm chí là ASIAD 2018 của anh.
Lực sĩ Thạch Kim Tuấn chưa rõ dấu hiệu có thể giành huy chương ở Olympic 2020. |
Có tới 3 đoàn mạnh gồm Trung Quốc, Kazakhstan, CHDCND Triều Tiên vắng mặt tại giải này nên Thạch Kim Tuấn dễ dàng lên ngôi với mức tạ quá khiêm tốn so với thành tích giành huy chương tại Olympic (thường phải đạt 286kg trở lên mới có cơ hội giành HCĐ ở hạng 56kg nam). Như người trong nghề nhận định thì Thạch Kim Tuấn đã tận dụng tốt cơ hội để lên ngôi vô địch. Còn cơ hội giành huy chương ASIAD 2018 và xa hơn là tranh chấp huy chương Olympic 2020 lại chưa rõ ràng.
Nhưng đáng lo hơn lại là ở nội dung nữ. Vừa trở thành niềm hy vọng của cử tạ Việt Nam trong hơn 1 năm nhưng Vương Thị Huyền vẫn chưa cho thấy dấu hiệu sẽ sớm trở lại vị thế của một ứng cử viên giành huy chương Olympic.
Chỉ xếp hạng tư chung cuộc và không giành được tấm huy chương ở nội dung cử đẩy, cử giật tại Giải vô địch thế giới năm 2017 có thể xem là nỗi thất vọng với lực sĩ Hà Nội này. Ngoài Vương Thị Huyền, những nhà quản lý cử tạ Việt Nam cũng đặt chút ít hy vọng vào Nguyễn Thị Thúy (cùng thi đấu ở hạng 48kg nữ với Vương Thị Huyền).
Thế nhưng Nguyễn Thị Thúy cũng thất bại tại Giải vô địch thế giới 2017. Trong khi đó, cả hai đều không còn trẻ khi Vương Thị Huyền đã 25 tuổi, Nguyễn Thị Thúy đã 27 tuổi. Lúc này, chỉ còn Vương Thị Huyền có thể thi đấu đến năm 2020. Còn Nguyễn Thị Thúy dù đầy khát vọng, ý chí song khó có thể duy trì thành tích cho đến năm 2020.
Vì thế, chỉ còn cách đầu tư vào nhóm vận động viên trẻ để tìm thêm cơ hội ở những đấu trường như ASIAD hay Olympic. Ông Đỗ Đình Kháng, Vụ phó Vụ Thể thao thành tích cao I (Tổng cục TDTT) chia sẻ rằng, các lực sĩ trẻ Việt Nam giàu tiềm năng. Họ phải được thi đấu quốc tế nhiều hơn để rèn bản lĩnh.
Ngay hạng 56kg nam cũng đã có nhân tố kế thừa Thạch Kim Tuấn là lực sĩ trẻ Lại Gia Thành (Hà Nội). Nhưng nếu không được đầu tư cấp tập từ bây giờ thì Lại Gia Thành khó có thể phát triển hết khả năng và đương nhiên cử tạ Việt Nam sẽ chịu thiệt. Cái khó lại nằm ở nguồn kinh phí của nhà nước trong khi khâu xã hội hóa của Liên đoàn cử tạ Việt Nam lại không như ý.
Đấy cũng là tình trạng ở nhiều môn khiến tài năng của vận động viên không thể phát huy đến nơi đến chốn. Không giải quyết được việc này thì cơ hội tranh chấp huy chương tại các đấu trường quốc tế lớn của thể thao Việt Nam sẽ ngày càng thu hẹp.
Chông chênh hy vọng ở hạng 62kg nam Ngoài hạng 56kg nam, gần đây cử tạ Việt Nam còn mở mặt ở hạng 62kg nam với sự xuất hiện của lực sĩ Trịnh Văn Vinh. Anh đã giành HCV cử giật ở Giải cử tạ vô địch thế giới 2017 nhưng lại thất bại ở cả 3 lần nâng tạ ở nội dung cử đẩy. Vì thế, chưa thể đánh giá được khả năng giành huy chương ở ASIAD hay Olympic của lực sĩ này. Cũng như nhiều lực sĩ trẻ khác, Trịnh Văn Vinh vẫn cần được thi đấu quốc tế nhiều hơn để có chỗ đứng vững chắc trong nhóm đầu châu lục. Minh Nhật |