Kình ngư “vàng” của thể thao người khuyết tật Việt Nam

Thứ Sáu, 12/10/2018, 08:28
Chưa kết thúc Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á (ASIAN Para Games) 2018 nhưng Võ Thanh Tùng đã chắc chắn là vận động viên (VĐV) Việt Nam giàu thành tích nhất. Tất nhiên, đây chưa phải là lúc chàng trai 33 tuổi giàu nghị lực này dừng lại bởi vẫn còn nhiều mục tiêu cần thực hiện.


Nghịch cảnh làm nên ý chí

2 tuổi, cậu bé Võ Thanh Tùng không may bị bại liệt. Từ đó, cậu bé không thể đi lại bình thường và phải làm quen với chiếc xe lăn. Vùng quê mà gia đình Tùng sinh sống gắn với sông nước, nguy hiểm luôn chực chờ. Thế nên, cậu bé được gia đình trang bị kỹ năng bơi – cũng là cách để sinh tồn, tránh nguy hiểm. Hóa ra, việc ở vùng sông nước như vậy lại mang đến những điều mà khi ấy chẳng ai trong gia đình Tùng nghĩ đến.

Từ bé xíu, Thanh Tùng đã bơi như rái cá. Điều này thu hút chú ý của người thân để rồi Tùng được giới thiệu đến tập bơi với những vận động viên khuyết tật ở Cần Thơ. Đến khi tỉnh Cần Thơ tổ chức một cuộc thi bơi dành cho người khuyết tật, Thanh Tùng cứ áo mỏng, quần cộc và cũng chẳng có kính, mũ bơi đến địa điểm thi đấu. Lập tức, thành tích của chàng trai này gây chú ý và đương nhiên anh được lựa chọn đi thi toàn quốc.

Khi có mặt ở Hà Nội để dự giải toàn quốc, khi đó khoảng năm 2005, Thanh Tùng chỉ hy vọng rằng sẽ thi đấu thật tốt để được tiếp tục thi đấu ở các tỉnh thành khác. Không ngờ, anh giành 2 HCV, 1 HCB để rồi sau đó quyết tâm đi theo con đường thi đấu bơi dành cho người khuyết tật.

Kình ngư Võ Thanh Tùng nhận HCV tại ASIAN Para Games 2018.

Lúc đó, chàng trai này cũng thừa hiểu rằng, tham gia tập luyện và thi đấu bơi người khuyết tật cũng chỉ để thỏa đam mê bơi lội của mình. Chính vì vậy, như nhiều VĐV người khuyết tật khác, anh tìm cho mình một cái nghề để có thu nhập ổn định. Điều đó đã đưa Tùng đến với ngành điện tử viễn thông tại phân hiệu Đại học Công nghệ thông tin tại Cần Thơ.

Nhờ đó, anh có nghề sửa điện thoại, đồ điện tử, đủ để nuôi sống bản thân và theo đuổi đam mê. Nó cũng như câu chuyện anh phải biết bơi để tránh khỏi tai nạn sông nước. Ở đó, Tùng không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải vươn lên, vượt qua khó khăn của bản thân để tồn tại.

Tất nhiên, khi thời gian dành để theo đuổi đam mê bơi lội có lúc lấn át cả thời gian làm nghề thì Tùng cũng gặp khó khăn nhất định. Khi đi làm thuê cho một số cửa hàng sửa điện thoại, có lúc Tùng đã chấp nhận mất việc do nghỉ để tập luyện và thi đấu quá nhiều.

Thế rồi, anh cũng biết cách vượt qua để vươn lên. Dù vậy, nếu không thi đấu cho thể thao khuyết tật TP Hồ Chí Minh thì Võ Thanh Tùng khó được biết đến như hiện nay. Chỉ khi về thi đấu cho đội TP Hồ Chí Minh từ năm 2009, Võ Thanh Tùng mới được gọi vào đội tuyển quốc gia. Để rồi từ đó, chàng trai này giành hàng loạt thành tích quốc tế ấn tượng, trở thành kình ngư người khuyết tật hàng đầu châu lục cũng như thế giới.

Bảng thành tích đồ sộ

Năm 2014, Võ Thanh Tùng đã gây ấn tượng đặc biệt tại ASIAN Para Games ở Hàn Quốc. Anh giành tới 5/9 HCV cho Đoàn Thể thao Việt Nam tại Đại hội và trở thành VĐV người khuyết tật tiêu biểu của năm. Đó là thành tích đáng tự hào của một kình ngư Việt Nam tại một sân chơi dành cho người khuyết tật ở châu lục.

Thành tích ấy cũng giúp Võ Thanh Tùng nhận được khoảng 700 triệu đồng tiền thưởng và có thể mua được một căn nhà nhỏ ở Cần Thơ. Đến lúc ấy, rõ ràng đam mê đã mang lại thu nhập chứ không còn chuyện lấy thu nhập từ nghề sửa điện thoại, điện tử để nuôi đam mê.

Nhưng đỉnh cao trong sự nghiệp của Võ Thanh Tùng vẫn chưa dừng lại khi anh giành tấm HCB nội dung 50m tự do hạng thương tật S5 tại Paralympic 2016. Trước đó, chưa kình ngư Việt Nam nào giành được huy chương ở đấu trường này. Đến khi Thanh Tùng giành huy chương thì tất cả mới tin rằng thể thao khuyết tật Việt Nam đang sở hữu nhiều VĐV tài năng, giàu nghị lực.

Cho đến trước ASIAN Para Games 2018, Võ Thanh Tùng vẫn là hy vọng lớn nhất của thể thao người khuyết tật Việt Nam. Anh lại được kỳ vọng sẽ tái lập thành tích 5 HCV như ở kỳ Đại hội trước. Như Trưởng đoàn Vũ Thế Phiệt chia sẻ thì rất khó để Võ Thanh Tùng thực hiện được mục tiêu này. Nhưng chỉ cần Thanh Tùng chứng tỏ được đẳng cấp của mình đã là tốt. Vậy mà mới được hơn nửa chặng đường, chàng trai này đã giành tới 3 HCV, phá 1 kỷ lục châu Á, 1 kỷ lục đại hội.

Tuy nhiên, ước mơ của Thanh Tùng không dừng lại ở việc thi đấu. Chàng trai này đặt ra những mục tiêu rõ ràng như tiếp tục gắn bó với nghề sửa điện thoại, dồn tiền thưởng để xây một hồ bơi.

Nếu hồ bơi hoàn thành, anh có thể dạy bơi để có thêm thu nhập cũng như tạo điều kiện để những người khuyết tật có một sân chơi tập luyện bơi, hy vọng sẽ có những kình ngư người khuyết tật phát triển được tài năng từ đây. Mấy năm gần đây, Thanh Tùng đã xúc tiến chuẩn bị cho dự án hồ bơi của mình nhưng phải đợi đủ kinh phí mới có thể tiến hành. Và nếu mọi việc hanh thông, rất có thể “dự án để đời” của anh sẽ thành hiện thực.

Tiếp tục theo đuổi mục tiêu giành huy chương ở Paralympic 2020

Ngay từ bây giờ, Võ Thanh Tùng đã đặt mục tiêu tái lập thành tích giành huy chương ở kỳ Paralympic 2020. Đây không phải là mục tiêu ngoài tầm với của kình ngư này nhất là khi anh đã chứng tỏ sự ổn định về phong độ trong thời gian gần đây. Đặc biệt tấm HCV ở nội dung 100m tự do đồng thời phá kỷ lục châu Á tại ASIAN Para Games 2018 đã mở ra cơ hội tranh huy chương mới cho anh tại Paralympic 2020. Trước đó, anh thường tham dự các nội dung ở cự ly 50m.

Minh Hà

Minh Khuê
.
.
.