Bóng đá Việt Nam sau SEA Games 29: Mổ & Xẻ

Thứ Hai, 11/09/2017, 09:09
Ngày 12-9 tới, bộ phận chuyên môn VFF sẽ ngồi lại với cựu HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng và Ban huấn luyện Đội tuyển U.22 Việt Nam để mổ xẻ thất bại tại SEA Games 29. Rốt cuộc, phải mổ xẻ những gì? Và không chỉ Đội tuyển U.22 Quốc gia, mà ngay cả bộ máy VFF nói chung cũng cần và phải thay đổi những gì để người hâm mộ có thể hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn?


Kỳ 1: "Điểm chết" của HLV Hữu Thắng

Năm 2013, trong một lần ngồi với lãnh đạo VFF, nghe họ than thở về việc "tìm một HLV nội ngồi ghế thuyền trưởng đội tuyển sao khó thế?" tôi đã đặt ra câu hỏi: “Tại sao không nghĩ đến giải pháp Nguyễn Hữu Thắng?”

Câu trả lời của Tổng Thư ký VFF Ngô Lê Bằng lúc ấy là: "Với Nguyễn Hữu Thắng, nếu đội tuyển thành công thì không sao, nhưng nếu thất bại chỉ sợ người ta lại soi mói quá khứ của Hữu Thắng, từ đó dị nghị không hay về Đội tuyển".

Ngay từ lúc ấy tôi đã không tán đồng cách nghĩ này. Bởi quá khứ là quá khứ, hiện tại là hiện tại. Và với những hiểu biết của mình về HLV Hữu Thắng, tôi tin chắc những vấn đề của quá khứ đã không còn gây khó dễ cho công việc hiện tại của HLV này nữa, ít ra là với chính bản thân ông. Ba năm sau, khi VFF chính thức chọn HLV Hữu Thắng thay cho thầy ngoại Toshiya Miura thì tôi thấy rằng dàn lãnh đạo VFF đã có một tư duy hoàn toàn khác - đúng và tích cực về con người này.

HLV Nguyễn Hữu Thắng đã từ chức, nhưng...

Nhìn từ bản thân HLV Hữu Thắng, việc nhận nhiệm vụ ở đội tuyển khi ấy cũng là một điều dũng cảm. Bởi sau sự thất bại của thầy nội Hoàng Văn Phúc ở SEA Games 2013, không nhiều thầy nội dám nhận lời lên Tuyển nữa. Cái cách mà HLV Hữu Thắng phản ứng sau hai thất bại ở AFF Suzuki Cup 2016 và SEA Games 2017 cũng là điều đáng ghi nhận.

Trước cả một rừng phóng viên, ông nhận hết trách nhiệm về mình, thậm chí còn "xin" truyền thông nếu có trách hãy trách mình, chứ đừng đụng tới các cầu thủ. Tất cả nói lên rằng, xét ở góc độ tư cách, HLV Hữu Thắng khiến cho những người đã chọn và đã đặt niềm tin vào ông không phải thất vọng. Và đấy cũng là điều khiến ông ghi điểm trong mắt giới quan sát.

Nhưng về công việc thì phải nhìn nhận một cách thật sòng phẳng, khách quan. Ngay từ khi nhận lời ông bầu, Phó Chủ tịch Tài chính VFF Đoàn Nguyên Đức cầm quân Đội tuyển Quốc gia và U.22 Quốc gia, HLV Nguyễn Hữu Thắng hiểu rằng mình phải xây dựng một phong cách chơi bóng duy mĩ. Vì, bầu Đức tôn thờ chủ nghĩa duy mĩ. Và vì quân Hoàng Anh Gia Lai- quân chủ lực cho chiến dịch săn vàng SEA Games cũng được dạy đá bóng duy mĩ ngay từ khi mới chập chững học nghề.

Nhưng ai cũng biết, điều làm nên phong cách của cầu thủ Hữu Thắng ngày xưa không phải là sự duy mĩ, mà là chất thép. Một trung vệ Hữu Thắng đầy lửa và đầy thép từng là nỗi khiếp sợ của cả những tiền đạo Việt Nam lẫn Đông Nam Á.

Sau này, cầm quân ở T&T Hà Nội (giờ đã đổi tên thành CLB Hà Nội) và Sông Lam Nghệ An, HLV Hữu Thắng cũng cho thấy hơi hướng của một nhà cầm quân theo "chủ nghĩa chiến đấu", chứ không phải "chủ nghĩa duy mĩ". Cho nên có thể nói, ngồi lên ghế HLV trưởng Đội tuyển Việt Nam và U.22 Việt Nam, HLV Hữu Thắng buộc phải đi theo một phong cách vốn không phải của mình, nếu không muốn nói là sở đoản với mình.

Hẳn nhiên trên thế giới vẫn có những con người đi từ mẫu "cầu thủ chiến đấu" đến một "HLV duy mĩ", nhưng nó là cá biệt, hiếm hoi. Về cơ bản, phong cách của một con người bóng đá là những yếu tố mang tính bền vững cao, và rất khó thay đổi. Khi cầm Real Madird, cũng có những lúc Jose Mourinho phải chỉ huy các học trò "đá đẹp", nhưng "đá đẹp" lại là sở đoản lớn nhất của Mourinho, do vậy, nhìn một cách tổng thể Mourinho đã thất bại một cách cay đắng ở cái nơi mà chính ông đã đặt rất nhiều kỳ vọng.

Trở lại với HLV Hữu Thắng, "ép" nhà cầm quân nổi tiếng là sắt thép này phải xây dựng một đội bóng duy mĩ rõ ràng là điều không tưởng. Và từ sai lầm mang tính căn cốt ấy mà trong suốt quá trình cầm quân, HLV Hữu Thắng đã để lộ ra hàng loạt những sai lầm khác liên quan tới việc sử dụng nhân sự, sắp xếp đội hình, thay người, đọc trận đấu...

Cũng cần nói thêm, đây không phải là những điều mà sau khi Đội tuyển U.22 thất bại báo giới mới nói, và nói hệt như kiểu "tát nước theo mưa". Trái lại, báo giới đã nói những điều này từ trước, một cách có mức độ để mong những người trong cuộc tìm ra giải pháp dung hoà, nhưng tiếc là một thành trì khép kín từ bầu Đức đến HLV Hữu Thắng khiến cho chẳng có giải pháp nào được lắng nghe.

Ngày 12- 9 tới đây, khi ngồi lại với VFF, chắc chắn HLV Hữu Thắng  sẽ lại nhận hết trách nhiệm về mình - đúng như những gì ông từng nói, và đúng như tính cách vốn có của ông. Thì đúng là  trong tư cách của một HLV trưởng, ông Thắng phải chịu trách nhiệm chính, vì thế chuyện ông xin từ chức là chính xác. Nhưng xét sâu xa ra, chọn một HLV và "ép" HLV ấy phải cầm quân bằng đúng "điểm chết" của mình thì lỗi không chỉ hoàn toàn nằm ở HLV.

Đến Calisto cũng từng trả giá...

Bán kết lượt đi AFF Suzuki Cup 2010, HLV Henrique Calisto mang quân tới Malaysia và tuyên bố: "Chúng tôi sẽ đá tấn công". Những tưởng ông Calisto chỉ "tung hoả mù" với báo giới Malaysia, nhưng trong các buổi tập sau đó của Đội tuyển Việt Nam, người ta thấy đúng là ông muốn "đôi công" thật.

Ngay lập tức Tổng Thư ký VFF lúc ấy - ông Trần Quốc Tuấn (giờ là Phó Chủ tịch chuyên môn VFF) đã ngăn cản. Ông Tuấn phân tích: "Chúng ta chỉ hợp đá phòng ngự phản công. Trận này đá phản công, kiếm 1 điểm trên sân khách là thành công lớn". Nhưng Calisto bác bỏ với luận điểm: "Chúng ta đang làm đương kim vô địch, tại sao phải phòng ngự phản công?".

Trận ấy Việt Nam đè Malaysia ra đá, và thua đau 0-2. Sau này, trong buổi họp báo cuối cùng trên cương vị HLV trưởng Đội tuyển Việt Nam trước khi sang làm HLV trưởng Muathong United (Thái Lan), HLV Calisto bị chất vấn rất nhiều về chuyện: "Tại sao trận ấy lại tấn công?".

Đến tận bây giờ nhiều quan chức VFF vẫn tin rằng nếu trận ấy đá phòng ngự phản công theo đúng tính cách của mình thì Việt Nam không thua đau như thế. Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia Nguyễn Văn Vinh chia sẻ: "Tôi tin rằng đến 50 năm nữa bóng đá Việt Nam vẫn phải sử dụng lối đá phản công khi gặp các đội bóng lớn Đông Nam Á và châu Á".

Nhắc lại những chuyện này để thấy một con người - một đội bóng luôn cần có một bản ngã ổn định, và khi nó đã ổn định thì mọi sự thay đổi đột ngột đều phản tác dụng. Hẳn nhiên những mong muốn thay đổi để tạo cho mình một tư thế mới một tầm vóc mới là chính đáng, nhưng khi điều kiện chưa chín muồi, những chấp nhận những "thay đổi nóng vội" không khác gì việc chấp nhận lao vào một ván bạc đầy rủi ro. (Tuấn Thành)

Phan Đăng
.
.
.