Bơi Việt Nam tại ASIAD 2018: Bất ngờ từ nhân tố lạ

Chủ Nhật, 26/08/2018, 06:56
Khi Nguyễn Thị Ánh Viên thất bại trên đường bơi 400m hỗn hợp nữ, người ta đã nghĩ đến viễn cảnh “trắng tay” tại ASIAD 2018 của đội tuyển bơi Việt Nam. Thế nhưng, màn trình diễn xuất sắc của kình ngư mới 18 tuổi Nguyễn Huy Hoàng đã khiến bơi Việt Nam có kỳ ASIAD thành công nhất, nếu chỉ tính về mặt huy chương.


Áp lực không tên

Nhắc đến đội tuyển bơi Việt Nam tham dự ASIAD 2018 là người ta nghĩ ngay tới Nguyễn Thị Ánh Viên, một trong những vận động viên thành công nhất của quá trình đầu tư cho môn bơi Việt Nam từ trước đến nay.

Những thành công trước đây của kình ngư người Cần Thơ hoàn toàn tương xứng với quá trình đầu tư của Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT) cũng như ngành thể thao Quân đội. Cùng giành 8 HCV trong hai kỳ SEA Games gần đây, giành 2 HCĐ tại ASIAD 2014 là những điểm son của Nguyễn Thị Ánh Viên. Thực tế, trong cả đội tuyển bơi Việt Nam, chỉ Ánh Viên chịu nhiều áp lực nhất vì được đánh giá là có nhiều cơ hội giành huy chương nhất và cũng là kinh ngư Việt Nam duy nhất từng đoạt huy chương ở sân chơi ASIAD.

Thế nên, không lạ khi có quá nhiều kỳ vọng đặt lên vai Ánh Viên trong kỳ ASIAD này, nhất là khi cô vẫn nhận được sự đầu tư mạnh mẽ. Việc phải thi đấu thật tốt để xứng với sự đầu tư cũng là áp lực không nhỏ với cô.

Tuy nhiên, thật khó nói hết chữ ngờ khi còn nhiều yếu tố khác tác động đến thành tích chứ không hẳn chỉ là chuyện chi một khoản tiền lớn để giúp VĐV có điều kiện tập luyện tốt nhất. Khi những vấn đề về tâm lý thi đấu chưa thể giải quyết được thì Ánh Viên đã không thể tạo nên bước đột phá mới về thành tích tại đấu trường ASIAD.

Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng (trái) trở thành hiện tượng của đội tuyển bơi Việt Nam tại ASIAD 2018.

Thậm chí thành tích tại ASIAD này của cô còn tụt lùi đáng kể khi cô chỉ xếp hạng 5 ở nội dung 400m hỗn hợp sở trường và thậm chí không vào chung kết nội dung 200m hỗn hợp. Đáng chú ý, Nguyễn Thị Ánh Viên chỉ tham dự hai nội dung thi đấu trên tại ASIAD 2018 nhằm tập trung tối đa cho việc giành Huy chương bạc.

Dù vậy, diễn biến trên đường bơi đã không như ý của cô cũng như Ban huấn luyện. Không thể vượt qua được chính mình, cô gái vàng của bơi Việt Nam đành chia tay giấc mơ đổi màu huy chương, từ “đồng” lên “bạc” và thậm chí là “vàng”, ở sân chơi khốc liệt nhất của thể thao châu lục.

Tất nhiên, Ánh Viên vẫn còn cơ hội làm lại nhưng không dễ. 4 năm để nuôi một giấc mơ đủ để đo lòng kiên nhẫn và ý chí của mỗi VĐV. Nhưng đó sẽ là câu chuyện trong tương lai và khó có thể nói trước điều gì.

Thêm cột mốc, thêm lựa chọn cho tương lai

Thế nhưng, sự xuất sắc của kình ngư trẻ Nguyễn Huy Hoàng đã khiến đội tuyển bơi Việt Nam không bị “trắng” huy chương tại kỳ Olympic này. Cái tên Nguyễn Huy Hoàng từng nổi lên tại các giải trẻ Đông Nam Á từ 3 năm trước. Nhưng kình ngư này chỉ được nhắc đến nhiều khi có tên trong nhóm 3 kình ngư phải thi nội bộ ở đội tuyển bơi Việt Nam để giành suất tham dự SEA Games 29 ở nội dung 1.500 tự do nam.

Lúc ấy, câu chuyện chỉ xoay quanh nhà đương kim vô địch SEA Games 28 Lâm Quang Nhật hay kình ngư mới nổi Nguyễn Hữu Kim Sơn xứng đáng tham dự SEA Games 29 ở nội dung này. Tuy nhiên, Nguyễn Huy Hoàng trong nhóm 1.500m tự do của đội tuyển nên cũng phải tham dự thi nội bộ. Đến khi Nguyễn Huy Hoàng giành HCV ở nội dung 1.500m tự do nam tại SEA Games 29 khi vượt qua người đồng đội Lâm Quang Nhật thì làng bơi Việt Nam đã chính thức có một niềm hy vọng vàng ở sân chơi SEA Games.

Tuy vậy, Nguyễn Huy Hoàng vẫn không được xếp vào nhóm cạnh tranh huy chương tại ASIAD 2018, một phần vì chỉ số thành tích của anh chưa tiệm cận được với nhóm có thể đoạt huy chương ở ASIAD. Điều ấy lý giải nguyên nhân khiến Nguyễn Huy Hoàng vẫn tập huấn trong nước thay vì được cử tập huấn dài hạn ở nước ngoài. Với một chàng trai đã quen chịu khó chịu khổ, đấy là điều bình thường. Quan trọng là Nguyễn Huy Hoàng vẫn âm thầm để có thể vượt qua chính mình.

Ngoài ra, việc không chịu áp lực giành huy chương đã khiến Nguyễn Huy Hoàng trở thành bất ngờ lớn nhất của đội tuyển bơi cũng như Đoàn Thể thao Việt Nam cho đến lúc này. Kình ngư người Quảng Bình này kể rằng từng e ngại khi đứng trước những tượng đài của làng bơi thế giới trong đó có Sun Yang (Trung Quốc). Nhưng rồi khi không bị áp lực thì anh lại thi đấu với tất cả phong độ vốn có.

Việc Nguyễn Huy Hoàng giành tấm Huy chương đồng nội dung 800m tự do đã được xem là bất ngờ so với chính anh. Nhưng đến khi kình ngư này giành Huy chương bạc ở nội dung 1.500m tự do thì tất cả đều phải sửng sốt.

Đáng chú ý, thành tích 15 phút 01 giây 63 của anh chỉ kém nhà vô địch Sun Yang khoảng hơn 3 giây và hơn tới gần 19 giây so với khi anh giành ngôi vô địch SEA Games 29 (15 phút 20 giây 20). Ngoài ra, anh cũng đạt được chuẩn A Olympic và rất có thể sẽ giành vé tham dự Olympic 2020 bằng “cửa chính” thay vì vé mời. Nhờ đó, Nguyễn Huy Hoàng lập cột mốc mới khi trở thành kình ngư Việt Nam đầu tiên giành Huy chương bạc tại đấu trường ASIAD.

Như vậy, chỉ trong 1 năm, kể từ SEA Games 29, kình ngư người Quảng Bình đã có bước tiến vượt bậc để lọt vào nhóm hàng đầu châu lục khi mới chỉ 18 tuổi. Sẽ còn cần thời gian để kiểm nghiệm xem thành tích của anh tại ASIAD 2018 là mang tính nhất thời hay mang yếu tố đẳng cấp song rõ ràng bơi Việt Nam đã có thêm nhiều cơ hội để có thể giành huy chương ASIAD tại các cự ly bơi tự do trung bình và dài của nam thay vì chỉ trông vào Nguyễn Thị Ánh Viên. Điều này cũng tốt cho Ánh Viên ở các cuộc chơi châu lục cũng như chính làng bơi Việt Nam.

Vẫn cần làm tốt hơn khâu dự báo

Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I (Tổng cục TDTT) cho rằng trường hợp của kình ngư Nguyễn Huy Hoàng cho thấy khâu dự báo thành tích của VĐV vẫn cần được chú ý hơn. Đương nhiên, Nguyễn Huy Hoàng cần được đầu tư mạnh mẽ hơn trong thời gian tới để có thể trở thành trụ cột của đội tuyển trong hành trình chinh phục huy chương châu lục.                                              

Minh Hà

Minh Khuê
.
.
.