Barca thua thảm bại 2-8 trước Bayern: Messi, thủ phạm và nạn nhân của Barca

Chủ Nhật, 16/08/2020, 08:52
Có Barca mới có Messi. Có Messi mới có Barca & lý tưởng bóng đá tiki-taka vĩ đại. 15 năm kể từ ngày Messi ra mắt đội một, anh và Barca cùng nhau tạo ra mối quan hệ “cộng sinh” kỳ thú nhất lịch sử bóng đá thế giới. Nhưng cũng là vì nhau, mà mỗi bên trong số họ đang giết chết chính mình, giết chết cảm hứng và động lực phát triển.

Messi mất tích hoàn toàn trong ngày tồi tệ của Barca. Tất cả những gì anh làm được là 3 pha dứt điểm, chỉ 1 trong số đó đi trúng cầu môn Bayern. Khi Bayern ghi bàn thứ 5, chấm dứt mọi hy vọng của Barca, Messi cúi gằm mặt, tay chống lên đùi và lắc đầu. Có lẽ, ngày tận thế trong những thước phim giả tưởng của Hollywood cũng không bi ai và đau thương bằng cảnh tượng ấy. Messi chấp nhận đầu hàng, cũng có nghĩa sự sống của Barca bị dập tắt.

Nhiều người cho rằng, Messi là điểm mạnh nhưng cũng là điểm yếu của Barca. Nếu Messi thăng hoa, Barca sẵn sàng làm gỏi bất kỳ đối thủ nào. Còn Messi sa sút, Barca bỗng thu mình bé nhỏ, chơi thứ bóng đá sợ sệt và hèn nhát, trở thành đoàn tàu chệch đường ray mất phương hướng khi vắng đi cơ trưởng.

Nhưng thất bại của Barca, sự bất lực của Messi trong buổi tối u ám ở Lisbon không đơn thuần là một trận đấu. Bóng đá có thắng có thua, ắt cũng là lẽ thường nhưng khi thua, người ta phải tìm cách đứng dậy. Còn Barca, đấy đã là năm thứ 4 liên tiếp, họ chịu thua ở Champions League với những cách biệt từ 3 bàn trở lên và một cule lạc quan nhất cũng chẳng thể tin rằng, Barca đã học cách đứng lên sau vấp ngã.

Messi tuyệt vọng, đau đớn khi Barca bị loại khỏi Champions League.

Đơn giản, là Barca đang trong chu kỳ đi xuống của đồ thị mà ở đó, đến Messi cũng không thể biết điểm chạm đáy là đâu. Và đáng sợ hơn là trong 4 năm đã qua, Messi đã hai lần gia hạn hợp đồng, nâng lương và dường như, anh đã quen thuộc với cuộc sống nhàm chán ấy. Không còn động lực, không còn khát khao, đá bóng cho Barca là một công việc sáng cắp ô đi tối cắp ô về không hơn không kém với Messi.

Sự hiện diện của Messi từ lâu đã ăn mòn Barca và… chính anh. Messi là trở lực, ngăn Barca tiến lên và cũng ngăn anh vươn tới những mục tiêu khác. Sau 15 năm, Messi đã có tất cả và có vẻ, khi con người đã no nê đủ đầy, mọi hành động của anh ta đều biến thành thói quen. Đó là giới hạn, là cảnh giới Messi tự cảm nhận rõ rệt.

Kể từ ngày Valverde xuất hiện và sau đó là Setien, tất cả đều hiểu vai trò của một HLV tại Nou Camp là phục vụ Messi, chứ không phải để tạo ra cách mạng hay cải tổ đội bóng già cỗi này. Messi không gánh vác tập thể này, mà là đang tự gánh chính bản thân anh, gánh lấy cỗ máy cồng kềnh từ thượng tầng trở xuống được sinh ra nhằm phục vụ anh. Mọi ý tưởng đều tan biến, những nỗ lực thay đổi bị đàn áp vì ở Catalan, Messi là trọng tâm duy nhất.

Barca đã không còn là Barca như Johan Cruyff mong muốn, vì Messi đã không còn là chính mình. Anh già đi, chậm hơn và theo ngôn ngữ kỹ thuật, Messi đã đi qua chu kỳ vàng của sự nghiệp. Pep Guardiola tạo ra Messi, biến anh thành con quái vật nhưng để rồi 9 năm sau ngày rời Barca, ông loay hoay đi tìm hình bóng Messi ở một gương mặt khác và cuối cùng, đều thất bại vì chính lý tưởng mình tạo ra. Bây giờ, Barca đang đi vào vết xe đổ của Pep Guardiola. 

Barca mà người ta biết là Barca chơi kiểm soát bóng, thống trị không gian và di chuyển linh hoạt. Nhưng đội bóng ấy vận hành dựa trên hàng tiền vệ uyển chuyển và hàng tiền đạo do Messi dẫn lối. Xavi và Iniesta đã rời đi, Busquets cũng hết nhiệt sau 10 năm cống hiến còn phía trên, Messi buộc phải thay đổi phong cách để phù hợp thể chất. 33 tuổi, Messi không thể chạy mãi. Anh “cố tình” đá thấp, dạt biên nhiều hơn, hạn chế di chuyển và dồn toàn bộ tinh hoa cho những khoảnh khắc bùng nổ ít ỏi trong trận đấu, như pha solo ghi bàn vào lưới Napoli.

Vấn đề là mỗi trận, Messi có giỏi lắm cũng chỉ tạo ra hai ba tình huống như thế. Vậy thời gian còn lại trên sân, Barca có thể chịu đựng, chơi phòng ngự để chờ đợi Messi bùng nổ hay không?

Đó là câu hỏi khó, vì nó đi ngược với tôn chỉ phát triển đội bóng này và vốn dĩ, Barca cũng không có nhân sự phục vụ thế trận “cam chịu” kiểu đó. Để thỏa hiệp, Valverde và Setien đều “tự dối lòng”, gò Barca chơi 4-4-2, bố trí các hậu vệ biên đá cùng cánh nhằm tăng tính chủ động trong thế trận phòng ngự. Oái oăm là ở chỗ đó, Barca chỉ là Barca khi đá “cửa trên”, đá kiểm soát và đá đàn áp. Nhưng giờ, họ lại chơi 4-4-2 giăng ngang, “sống khác bản chất” và giống như cuộc đời, ta không thể thành công khi cố gắng trở thành bản sao của một ai đó. Mất kiểm soát, nghĩa là Barca đánh mất nguồn năng lượng và kết cục, họ thảm bại 2-8 trước Bayern. 

Làm sao để đứng lên, chủ tịch Bartomeu đang đau đầu giải quyết câu hỏi đó. Chắc chắn, họ sẽ thay HLV, nhưng Setien hay bất kỳ ai khác cũng chỉ là một hình nộm ngồi đó… cho có. Thay Messi, nhưng xem ra việc này hơi khó, vì anh đã là một quyền lực bất biến tại đây. Hay là, thay chính… Bartomeu và dàn lãnh đạo phía trên, để người mới lên, sẵn sàng đập đi xây mới. Có lẽ, phải đợi tới kỳ bầu cử nhiệm kỳ vào tháng 11 tới đây mới biết được, tương lai đội bóng này sẽ ra sao.

Đau đớn thay cho một đế chế tưởng trường tồn vĩnh cửu, nhưng đang đứng trước bờ diệt vong.

Ngày đen tối nhất lịch sử

Sau 74 năm, Barca mới phải nhận 8 bàn thua trong một trận đấu chính thức. 

Năm 1946, Barca thua Sevilla 0-8 tại vòng 1/8 Cúp nhà Vua Tây Ban Nha. Trong hiệp 1, họ để thủng lưới 4 bàn chỉ sau 31 phút, lại là một thống kê tồi tệ khác mãi in sâu trong trí nhớ của những ai theo dõi trực tiếp trận đấu này. 

Phải ngược về quá khứ 69 năm, Barca mới để thua 4 bàn trước giờ nghỉ giải lao, khi để Real dẫn 4/1 trong 45 phút đầu vào tháng 1/1951. Sau trận, Gerard Pique tuyên bố anh sẵn sàng ra đi, tạo điều kiện cho đội bóng cải tổ. 

Trong đội hình Barca hôm qua, có tới 6 cầu thủ đã bước qua tuổi 30. Độ tuổi trung bình của Barca trước Bayern là 29 tuổi & 329 ngày, cho thấy sự già nua cả về tuổi tác lẫn trí lực của tập thể này. 

Ngay sau trận, tờ Marca tiết lộ Barca đã tổ chức cuộc họp gấp với toàn bộ cầu thủ trong đội, lắng nghe nguyện vọng và tâm tư từng người.


Đơn Ca
.
.
.