Anh - Scotland, cuộc đối đầu đầy duyên nợ và lịch sử

Thứ Sáu, 18/06/2021, 07:24
"Người trong một nước phải thương nhau cùng", câu nói đó dường như chưa bao giờ đúng với mối quan hệ giữa Anh và Scotland suốt những năm qua. Cuộc chạm trán giữa hai đội ở vòng bảng EURO 2020 một lần nữa thổi bùng lên mâu thuẫn giữa hai vùng đất liền sát nhau như môi với răng này. Đâu là lý do khiến người Anh và Scotland không ưa nhau đến mức luôn muốn đánh bại người anh em của họ?


Việc chung không quên thù riêng

"Trong quá khứ, LĐBĐ Anh không ít lần mời tôi làm HLV trưởng cho họ nhưng tôi đều thẳng thừng từ chối. Nếu tôi nhận lời, việc đầu tiên và duy nhất tôi sẽ làm là tìm mọi cách để ĐT Anh thi đấu bết bát và... xuống cùng đẳng cấp với Scotland". Hãy thử đoán xem ai đã đưa ra nhận xét mang nặng tính phân biệt đến vậy? Bạn sẽ vô cùng bất ngờ nếu biết đó chính là Sir Alex Ferguson. Là một người Scotland chính cống, ông chưa bao giờ ngừng thể hiện sự ghét bỏ với Anh quốc!

Một huyền thoại người Scotland khác của M.U là Denis Law cũng căm ghét xứ Ăng Lê đến tận xương tuỷ. Bình thường ông sẽ không thể hiện điều đó khi còn thi đấu tại CLB, nhưng ở cấp độ ĐTQG là một câu chuyện khác.

Ở chiều ngược lại, người Anh cũng tận dụng mọi cơ hội có thể nhằm châm chọc, đả kích Scotland. Bản tính chất phác, tiết kiệm của Scotland là chủ đề bị Anh đem ra chế giễu nhiều nhất. Chỉ cần tìm cụm từ "truyện cười Scotland" trên Google, chúng ta có thể thấy hàng triệu kết quả. Nội dung trong đó đều mô tả một khuôn mẫu chung về người Scotland keo kiệt, hà tiện. Mối quan hệ giữa Anh và Scotland trước giờ vẫn vậy, luôn kỵ nhau như nước với lửa.

Trận đấu giữa Anh và Scotland năm 1977 đã biến thành một cuộc hỗn loạn.

Bức tường ngăn cách Anh và Scotland xuất hiện từ... 1899 năm về trước, và đó là một bức tường theo đúng nghĩa đen. Năm 122 sau Công nguyên, Hoàng đế La Mã Hadrian ra lệnh xây một bức tường ngăn cách xứ Ăng Lê ông vừa chiếm đóng được với khu vực của tộc người Caledonia phương Bắc. Đó chính là Scotland ngày nay. Đến cuối thế kỷ XI, sau 2 lần xâm chiếm, Hoàng đế William xứ Normandy đã chiếm đóng thành công cả Anh lẫn Scotland.

Những cuộc hành quân lên phương Bắc chiếm Scotland của người Anh sau đó diễn ra liên tục trong hàng thế kỷ. Đến cuối thế kỷ XVI, sau nhiều biến cố chính trị, Scotland chính thức sáp nhập vào Anh dưới quyền hành của cùng một vị quân chủ. Đó là tiền đề hình thành Vương quốc Anh như ngày nay, với những vùng lãnh thổ riêng biệt hưởng quyền tự chủ ở một mức độ nào đó. Trong trường hợp của Scotland, họ không phải một quốc gia độc lập nhưng vẫn có liên đoàn bóng đá và giải vô địch quốc gia riêng.

Sân bóng là chiến trường

Trận đấu tại vòng bảng EURO 2020 sẽ là lần thứ 117 Anh gặp Scotland, tính từ lần so tài đầu tiên được ghi nhận vào năm 1872 tại Glasgow. Đây cũng là trận bóng quốc tế đầu tiên giữa 2 đội tuyển được ghi nhận trong lịch sử bóng đá thế giới. Người Anh chiếm ưu thế nhưng cách biệt không quá xa với 50 chiến thắng. Con số này bên phía Scotland là 42. Sự cân bằng xuất phát từ thái độ thù địch của 2 vùng đất, khiến các cầu thủ bước vào mỗi trận đấu như thể sẵn sàng ra chiến trường.

Là một cựu cầu thủ Liverpool, Graeme Souness có thể nhã nhặn hơn Sir Alex và Denis Law khi nói về mối quan hệ Anh - Scotland. Tuy nhiên ông cũng thừa nhận nền bóng đá của 2 quốc gia này tồn tại những mâu thuẫn không thể xoá nhoà, và "chúng tôi không phải lúc nào cũng là bạn tốt". Nếu Wembley là thánh đường bóng đá của người Anh thì Scotland tự hào có Hampden Park. Người Scotland nhớ như in từng chiến thắng ngọt ngào của họ trước người anh em, như khoảnh khắc "những phù thuỷ Wembley" của họ vùi dập Anh 5-1 vào năm 1928.

4 thập niên kể từ ngày đó, Scotland một lần nữa đánh bại ĐT Anh với tỷ số 3-2 nhờ màn trình diễn có một không hai của Denis Law. "Chúng ta ở trên đỉnh thế giới vì đã đánh bại đội bóng mạnh nhất thế giới", người Scotland hãnh diện tuyên bố. Họ tự phong cho mình ngôi vương không ngai đó bởi 1 năm trước khi trận giao hữu kể trên diễn ra, Anh đã lên ngôi vô địch World Cup. Đến năm 1977, Scotland lại thắng Anh trong một trận cầu cực kỳ hỗn loạn. Quá tức vì đội nhà để thua ngay trên sân Wembley, CĐV Anh đã tràn xuống sân và nhấc đi cả... khung thành 2 đội.

Bạo lực không ngừng gia tăng trong những trận giao hữu giữa Anh và Scotland là nguyên nhân khiến LĐBĐ 2 nước quyết định tạm huỷ bỏ lịch chạm trán thường niên vào năm 1989. Phải đến 7 năm sau, họ mới gặp lại nhau ở vòng bảng EURO 96. Lần này xứ Ăng Lê là những người thắng cuộc với pha vô lê thần sầu của Paul Gascoigne. "Không khí của một trận đấu giữa Anh và Scotland là trải nghiệm có một không hai với mỗi cầu thủ", cựu tuyển thủ Anh Jamie Redknapp chia sẻ.

25 năm trôi qua sau khi Gascoigne lập siêu phẩm vào lưới Scotland, ĐT Anh một lần nữa chiếm ưu thế vượt trội khi chạm trán người anh em láng giềng. Ưu thế còn được thể hiện trên khán đài, khi 90% khán giả vào sân Wembley cổ vũ là những người ủng hộ Tam Sư. Nhưng với lịch sử đối đầu tràn đầy thù hận của 2 nền bóng đá, rõ ràng kết quả trận đấu chỉ có thể được định đoạt sau 90 phút bóng lăn.

Mối thâm thù Anh - Scotland "phá huỷ" M.U như thế nào?

Xứ Ăng Lê có lý khi nói người Scotland có thói quen cần kiệm đến mức hà tiện. Trong 2 cuốn tự truyện đã xuất bản, không ít lần Sir Alex đề cập đến việc ông đã phải tiêu tốn bao nhiêu tiền ngoài mức dự trù để đưa những ngôi sao đến sân Old Trafford. "Đó là bản tính của một người trưởng thành từ tầng lớp lao động, và điều đó thật tốt", Sir Alex thẳng thừng đáp trả những ai nhận xét ông keo kiệt, đồng thời nói thêm: "Nếu có một người tằn tiện chi tiêu, đó hẳn là Martin Edwards (cựu Chủ tịch M.U)".

Sir Alex đánh giá Edwards, một người Anh chính hiệu, là vị Chủ tịch tốt. Tuy nhiên ông chưa bao giờ hài lòng với cách đối xử Edwards dành cho ông tại M.U. "Ông ta chưa bao giờ cho tôi hưởng mức lương tôi mong muốn. Vào năm 2001, tôi muốn rời M.U và nghỉ hưu sớm cũng vì Edwards không muốn cho tôi một vị trí ở Ban Giám đốc CLB sau khi tôi giải nghệ", Sir Alex hồi tưởng. Ông cũng nuối tiếc kể M.U đã mua hụt Paul Gascoigne chỉ vì Edwards không muốn bỏ tiền tặng bố mẹ Gascoigne một ngôi nhà như cách Tottenham đã làm. Sir Alex thích những ông chủ người Mỹ hơn, vì họ biến ông thành HLV hưởng lương cao nhất thế giới.

Trả lời họp báo trước trận Anh - Scotland, tiền đạo Marcus Rashford khẳng định anh và các đồng đội quyết tâm giành chiến thắng, dù điều đó có thể làm Sir Alex buồn. Rashford không đá chính ở trận mở màn gặp Croatia nhưng đã thi đấu khá tốt khi vào sân từ băng ghế dự bị.

Bác sĩ trực tiếp điều trị cho Eriksen tiết lộ khi tiền vệ Đan Mạch tỉnh lại trong bệnh viện là cố đứng dậy để trở lại thi đấu. "Tôi sẽ quay về sân Parken và tiếp tục vào sân. Mọi chuyện không thể diễn ra thế này được. Tôi mới 29 tuổi, không thể kết thúc sự nghiệp như thế", anh gằn giọng.

Sau trận thua Italia với tỷ số 0-3, Thuỵ Sĩ tiếp tục đón nhận tin không vui khi họ có thể mất Yann Sommer ở trận đấu cuối cùng. Thủ môn ĐT Thuỵ Sĩ đã đáp máy bay về Đức ngay sau khi biết tin vợ lâm bồn. Nhiều khả năng anh sẽ không thể góp mặt ở trận đấu cuối cùng gặp Thổ Nhĩ Kỳ.

Trở thành đội bóng đầu tiên loạt vào vòng loại trực tiếp EURO nhưng HLV Roberto Mancini vẫn nhún nhường. Theo ông, Pháp, Bồ Đào Nha và Bỉ là những ứng cử viên sáng giá hơn Italia cho chức vô địch EURO năm nay. Anh cũng là một đối thủ đáng giá nếu họ lọt qua vòng bảng.

Chiến thắng tưng bừng 3-0 trước Thuỵ Sĩ của Italia phải trả giá đắt khi Chiellini gặp chấn thương. Trung vệ 36 tuổi buộc phải rời sân sớm vì vết đau ở đùi. Kết quả kiểm tra sau đó cho thấy tín hiệu xấu. Trong trường hợp tệ nhất, Chiellini có thể phải sớm nói lời chia tay EURO.

An Khánh
.
.
.