Sướng như ông Trưởng giải!

Thứ Năm, 02/03/2017, 08:08
"Việc ngồi trên sân Thống Nhất chứng kiến sự cố hôm 19-2 là một sai sót của tôi. Nếu tôi có biện pháp xử lí kịp thời như xuống sân giải quyết thì mọi việc đã không có kết cục khó lường đến vậy" - đó là những gì mà ông Trưởng giải Nguyễn Minh Ngọc thừa nhận trong cuộc họp Hội đồng quản trị VPF mới đây, và theo thông tin từ Chủ tịch VPF, cùng với lời thừa nhận đó, ông Ngọc đã xin từ chức, nhưng...


Cần nhắc lại một cách sòng phẳng, "sự cố hôm 19-2" là sự cố các cầu thủ Long An bỏ trận đấu phản ứng trọng tài, rồi sau đó chủ động đứng im để cầu thủ CLB TP Hồ Chí Minh thoải mái sút tung lưới 3 bàn. Ông Trưởng giải Nguyễn Minh Ngọc đã ngồi trên ghế VIP sân Thống Nhất, chứng kiến toàn bộ màn bi, hài kịch này. 

Khi "vở kịch" chỉ chớm xuất hiện, ông Ngọc đã nhận được sự tư vấn của một nhân vật khác cũng có mặt ở ghế VIP hôm ấy, rằng: "Phải xuống sân nhắc nhở, răn đe để Long An quay lại đá", nhưng rốt cuộc ông Ngọc vẫn ngồi im như một "ma-nơ-canh" vậy. 

Nói cho chính xác thì lúc ấy ông cứ mải phân bua về chuyện "trọng tài thổi đúng", và tin rằng, một khi "trọng tài thổi đúng" thì mình cứ việc ngồi yên đấy, mà không phải xuống sân, hành động gì. Thế nên vở kịch mới diễn ra màn thứ 2, màn thứ 3, để rồi sau này thì ông đã chính thức nhận ra những cái sai của mình.

Ông Trưởng giải Nguyễn Minh Ngọc (bìa trái) bất lực hoàn toàn trước sự cố sân Thống Nhất. Ảnh: H.M

Nhưng nói ông sướng là vì, sau khi thấy sai, xin được từ chức thì ông đã được cấp trên... không cho từ chức. Người ta bảo, nếu ông Ngọc muốn từ chức thật thì cấp trên có cố ép ông ngồi lại cũng không được. Có người thậm chí còn đặt ra giả thiết: việc xin từ chức nhưng "không được cho từ chức" liệu có phải chỉ là một màn kịch để chống chế và làm giảm áp lực từ dư luận hay không?

Mùa V.League 2008, sau khi xảy ra sự cố tai nạn ôtô gây chết người ngoài sân Vinh, ông Trưởng giải Dương Nghiệp Khôi đã gặp phải những sức ép khủng khiếp từ dư luận. Trong một cuộc trả lời báo giới khi ấy, khi phải đứng trước câu hỏi: "Liệu có từ chức hay không?", ông Khôi bảo rằng: "Tôi là người của tổ chức nên tôi không từ chức". 

Nhưng chỉ vài ngày sau, website của VFF đã thông báo một tin bất ngờ: "Trưởng giải Dương Nghiệp Khôi chính thức từ chức và được Liên đoàn chấp nhận". Hỏi ra mới biết, thời điểm ấy ông Khôi nói riêng và VFF nói chung nhận phải những áp lực lớn từ Tổng cục Thể dục Thể thao, nên xét cho cùng, ông Khôi có cố ở lại cũng không được.

Đến mùa giải 2013, sau sự cố "bàn thắng ma" trên sân Thanh Hoá, ông Trưởng giải Trần Duy Ly cũng nhận phải những sức ép lớn từ dư luận. Năm ấy, mặc dù ông Ly không phải từ chức nhưng ít ra cũng bị khiển trách. Nói như thế để thấy, so với những người tiền nhiệm Dương Nghiệp Khôi, Trần Duy Ly, ông Trưởng giải Nguyễn Minh Ngọc bây giờ sướng hơn nhiều. 

Tất cả những ai theo dõi bóng đá Việt Nam trong những năm qua đều hiểu ông Ngọc là người của VFF được gửi vào VPF làm Trưởng giải, và ông được cho là một người hết sức thân cận với một nhân vật đang thao túng quyền lực ở VFF hiện nay.

Vậy thì việc ông Ngọc xin từ chức nhưng "không được cho từ chức" chỉ xuất phát từ những lý do đơn thuần như: "Anh ấy còn trẻ, mới lần đầu gặp sự cố lớn như vậy" như ông Võ Quốc Thắng chia sẻ, hay sâu xa ra, còn vì những dích dắc nào đó liên quan tới chuyện lợi ích nhóm - cái lợi ích mà nói như ông bầu Phó Chủ tịch tài chính VFF Đoàn Nguyên Đức thì: "Nó đã chi phối mọi hoạt động của bóng đá Việt Nam, và làm hại bóng đá Việt Nam"?

Đến nước này có lẽ cũng chỉ còn biết nhắm mắt hy vọng: thôi thì dưới sự lèo lái của một người như ông Trưởng giải Nguyễn Minh Ngọc, từ giờ đến khi kết thúc V.League sẽ không còn thêm sự cố nào xảy ra.

Được "đỡ đòn" hay "núp gió" thành công?

Trước khi diễn ra vụ các cầu thủ Long An đứng bất động trên sân Thống Nhất, V.League còn có một vụ việc tày đình khác liên quan đến việc Hoàng Vũ Samson của CLB Hà Nội được xử "trắng án" nhưng sau đó lại bị "treo" 2 trận, vì một pha vào bóng bạo lực với cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai. 

Trong suốt vụ việc này, nhân vật đại diện VPF đứng lên trả lời, giải thích, phản biện dư luận là ông Tổng Giám đốc Cao Văn Chóng. Về phần mình, ông Trưởng giải Nguyễn Minh Ngọc gần như im lặng tuyệt đối. Thế nên những phẫn nộ của dư luận lúc đó được "hút" hết về phía ông Cao Văn Chóng. 

Trong toàn bộ câu chuyện này, người thì bảo ông Ngọc may mắn được ông Chóng "đỡ đòn", người lại bảo: ông Ngọc đã thực hiện chiến thuật "núp gió" thành công?

Ngọc Anh

Hiếu Hà
.
.
.