Câu chuyện bóng đá : Ai trả hồn cho VPF?

Thứ Tư, 28/10/2015, 08:12
Hôm nay, VPF (Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam) sẽ họp thường niên Hội đồng quản trị để bàn về vấn đề nhân sự và kế hoạch phát triển trong thời gian tới. Đây cũng chính là thời điểm mà người hâm mộ bóng đá mong tổ chức này tìm được cái hồn vía mình từng có 3 năm trước.


Lễ tổng kết V.League 2011, ông bầu Nguyễn Đức Kiên của CLB bóng đá Hà Nội đã chỉ trích VFF thậm tệ, và đòi thành lập VPF để thay VFF điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp Quốc gia. Cùng với đòi hỏi này, ông Kiên cũng mời đích danh các ông Phạm Ngọc Viễn, Trần Duy Ly làm việc cho VPF và ông Đoàn Phú Tấn phụ trách Ban Trọng tài - cái ban mà lúc đó được ra đời thay cho một hội đồng trọng tài cũ kỹ, không phù hợp với tiêu chí và đòi hỏi của FIFA.

Phải thừa nhận, VPF thủa ấy rất có dũng khí, thậm chí cái dũng khí còn cao tới độ làm cho chính đơn vị mẹ của mình là VFF phải nhiều phen... tái mặt. Rõ nhất là vụ VPF đòi VFF phải trả lại quyền sở hữu bản quyền truyền hình V.League mà VFF trước đó đã bán cho AVG (một đơn vị kinh doanh truyền hình mới nổi lúc đó). Cùng với việc đấu nặng với VFF quanh vấn đề bản quyền truyền hình, ông Kiên còn muốn tạo một cuộc cách mạng về tổ chức và quản lý V.League với việc khai sinh Ban Tư vấn đạo đức và mong muốn kéo Ban Kỷ luật từ VFF về VPF.

TGĐ VPF Phạm Ngọc Viễn nhiều khả năng sẽ rời ghế sau 3 năm gắn bó. Ảnh: H.M

Tuy nhiên những ý tưởng về ban bệ của ông Kiên chưa kịp thành hình thì một tai nạn kinh doanh đã ập đến khiến ông rơi vào vòng lao lý. Từ đó, những ý tưởng và những con người mà ông từng đặt ra cứ thế "rụng" dần. Hôm nay, cuộc họp thường niên VPF nhiều khả năng cũng chứng kiến sự rút lui của Tổng Giám đốc Phạm Ngọc Viễn cùng cựu Trưởng giải V.League đầu tiên dưới thời cai quản của VPF là ông Trần Duy Ly, và có thể đấy sẽ là cơ hội để VFF đẩy người của mình sang. Thực tế thì năm ngoái, VFF đã thực hiện thành công ý định này, mà rõ nhất là việc trưởng BTC V.League 2015 Nguyễn Minh Ngọc vốn là một nhân vật có thâm niên làm việc lâu năm ở  VFF.

Những thông tin hậu trường cho hay, chính ông Nguyễn Minh Ngọc cùng Phó TTK VFF Nguyễn Minh Châu đang là những ứng cử viên hàng đầu thay thế vị trí TGĐ mà ông Phạm Ngọc Viễn để lại.

Cùng với sự lấn sân của VFF cũng phải thừa nhận là bản thân VPF với ông Chủ tịch Võ Quốc Thắng cũng dần dần đánh mất tiếng nói và ý nghĩa tồn tại của mình. Khác với bầu Kiên, ông Thắng thuộc mẫu người ôn hoà, và ai cũng hiểu 3 năm trước, con người ôn hoà này chỉ chịu ngồi lên ghế chủ tịch VPF khi biết chắc đã có bầu Kiên, bầu Đức ủng hộ phía sau. Thế nên bây giờ, khi không còn bầu Kiên, cũng chẳng còn bầu Đức, ông Thắng chắc chắn không tránh khỏi cảm giác đơn độc.

Nhìn lại những gì mà VPF đã làm trong mùa giải vừa qua, một mùa giải mà hàng loạt trận đấu ở giai đoạn cuối mùa diễn ra trong cảnh hư hư - thực thực, nhưng tổ chức này chỉ có thể phản ứng bằng cách kêu gọi, nhắc nhở một cách chung chung, không thể không "ngửi" ra sự xuống cấp trông thấy về mặt uy thế. Thời còn ông Phó chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên, từng có chuyện  ông đã âm thầm làm việc với cơ quan an ninh và "bày mọi thứ lên bàn" trong một cuộc gặp gỡ với tất cả các ông bầu của các đội bóng, để rồi từ đó có những người bị "chỉ điểm" mạnh mẽ, rõ ràng tới mức không ai có thể cự lại lời nào.

Phải làm sao để VPF lấy lại khí thế và hồn vía như thủa ban đầu? Phải làm sao để VPF có thể điều hành V.League một cách mạnh mẽ, hiệu quả, thay vì nhợt nhạt giống hệt thời kỳ quyền bính còn thuộc về VFF? Phải làm sao để VPF thực sự tìm lại được một... đầu tàu?

Đấy chắc chắn là những câu hỏi cần phải trả lời trong cuộc họp hôm nay!

Sẽ lại có "bom"...

Tại Hội nghị tổng kết V.League 2015 cách đây chưa lâu, Chủ tịch CLB bóng đá Hải Phòng Trần Mạnh Hùng - một cổ đông của VPF đã chỉ trích nặng nề 2 nhân vật của VPF là ông Phó TGĐ Phạm Phú Hoà và Trưởng giải Nguyễn Minh Ngọc. Theo ông Hùng, nhân vật thứ nhất tiếng là phụ trách mảng tài trợ nhưng chưa đem lại những hợp đồng tài trợ thực sự đáng nói, còn nhân vật thứ hai lại có nhiều phát ngôn, quyết sách gây tranh cãi trong quá trình điều hành giải đấu. Ông Hùng khẳng định, ở Hội nghị VPF, ông sẽ tiếp tục cho "nổ" nhiều vấn đề khác liên quan đến cơ chế vận động của VPF, từ đó hy vọng tổ chức này sẽ được cải thiện một cách mạnh mẽ.

Không biết là từ đó tới nay, ông Trần Mạnh Hùng có đổi ý hay không. Nếu câu trả lời là không thì rất có thể ngày hôm nay sẽ chứng kiến những màn đối đáp, tranh biện cực kỳ nóng bỏng giữa những con người dù ở cùng một con tàu nhưng đã không còn nhìn chung hướng.

Ngọc Anh

Diệp Xưa
.
.
.