Nhiều hãng xe tại Việt Nam đồng loạt triệu hồi xe lỗi
- Lỗi túi khí, Toyota Việt Nam triệu hồi hàng nghìn xe
- Toyota tiếp tục triệu hồi hơn 700.000 xe lỗi túi khí
- Bị cáo buộc gian lận, Audi triệu hồi hơn 127.000 xe
Cùng lúc với Mitsubishi và Audi, nhiều dòng xe của Mercedes-Benz tại Việt Nam mắc lỗi kỹ thuật và phải thực hiện triệu hồi - Ảnh minh họa |
Cả 3 chương trình triệu hồi đều đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam phê duyệt và các doanh nghiệp sở hữu các thương hiệu xe trên sẽ phải lập tức tiến hành sửa chữa lỗi kỹ thuật cho các xe liên quan.
Cụ thể, Mercedes-Benz Việt Nam triệu hồi 3.624 xe thuộc các dòng C200, C250, C300, E 200, GLC 250 4MATIC và GLC 300 4MATIC sản xuất trong khoảng thời gian từ 9/2015 đến 2/2017 để kiểm tra, gắn thêm cầu chì cho bộ giới hạn dòng khởi động động cơ, nhằm khắc phục hiện tượng quá dòng khi khởi động nhiều lần hay khởi động kéo dài trong tình trạng bộ đề khởi động bị bó cứng do một hư hỏng.
Trong trường hợp đề khởi động động cơ bị bó cứng, nhưng người sử dụng cố gắng khởi động lại nhiều lần, sẽ tạo ra một dòng điện với cường độ cao đi qua bộ giới hạn dòng khởi động, dẫn tới hiện tượng quá nhiệt, có thể gây cháy xe.
Bên cạnh đó, Mercedes-Benz Việt Nam còn phải tiến hành triệu hồi 384 chiếc E200, E250 và E300 sản xuất từ 8/2016 đến tháng 4/2017 để thay cụm dây đai an toàn cho hàng ghế sau, bao gồm dây đai an toàn, bộ căng đai và ngòi nổ túi khí.
Với Mitsubishi, doanh nghiệp quản lý thương hiệu này sẽ phải thực hiện thay thế rơ-le điều khiển nguồn điện cho 918 xe thuộc các dòng Lancer và Outlander Sport (sản xuất năm 2015), cùng với Outlander PHEV và Outlander (sản xuất năm 2016).
Theo Mitsubishi Việt Nam, lỗi rơ-le điều khiển bắt nguồn từ mối hàn bên trong rơ-le sử dụng cho hộp điều khiển động cơ không đủ tiêu chuẩn, có thể bị bong tróc do nhiệt phát sinh bên trong khi hoạt động và gây ra sự dẫn điện kém. Điều này có thể làm cho động cơ bị dừng hoạt động khi xe đang chạy và không thể khởi động lại được, gây nguy hiểm cho người sử dụng khi xe đang lưu thông ở tốc độ cao.
Trong khi đó, Audi Việt Nam sẽ phải triệu hồi 89 chiếc A4 và A5 Sportback để thay thế nẹp trên ốp lưới loa ở vị trí cửa do lớp keo kết dính giữa nẹp và ốp lưới của loa cửa xe không đạt chất lượng, khiến phần nẹp chỉ trên màn lưới của loa có thể bị rơi ra ngoài.