Xung đột Israel - Hamas: Xa vời thỏa thuận ngừng bắn

Thứ Sáu, 16/02/2024, 07:23

Các cuộc đàm phán giữa Israel và phong trào Hamas về việc thả con tin, thiết lập lệnh ngừng bắn đã rơi vào bế tắc sau khi Israel cảnh báo sẽ không nối lại tiến trình thảo luận ở Ai Cập nếu Hamas không thay đổi quan điểm. Hàng loạt quốc gia trên thế giới đã lên tiếng trước diễn biến mới không hề tươi sáng này.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 14/2 (giờ địa phương) trong một tuyên bố cho biết, sẽ không cử phái đoàn quay trở lại Cairo (Ai Cập) để tiếp tục đối thoại, viện dẫn việc phong trào Hamas không đưa ra đề xuất mới sau khi Israel từ chối đề nghị ban đầu của lực lượng vũ trang này vào tuần trước. Văn phòng Thủ tướng Israel nhấn mạnh, nước này sẽ không nhượng bộ những "yêu cầu thái quá" của Hamas và "sự thay đổi quan điểm của Hamas sẽ cho phép đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán".

Trước đó, Wall Street Journal dẫn lời quan chức tham gia tiến trình đàm phán xác nhận, Israel đã phản đối yêu cầu của Hamas về một lệnh ngừng bắn lâu dài và Israel rút hết lực lượng quân sự khỏi Gaza. Theo một số nguồn thạo tin, lực lượng Hamas được cho là đã yêu cầu chấm dứt giao tranh để đổi lấy việc thả con tin, trong khi Israel chỉ đồng ý ngừng bắn có thời hạn. Dù cả hai bên đều sẵn sàng đưa việc thả tù nhân Palestine vào thỏa thuận nhưng đang bất đồng về số lượng tù nhân được thả.

Xung đột Israel - Hamas: Xa vời thỏa thuận ngừng bắn -0
Các cuộc tấn công tại Dải Gaza vẫn đang được Israel triển khai nhằm tiêu diệt toàn bộ phong trào  Hamas. Ảnh: Reuters

Cùng ngày, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố nước này sẽ tiếp tục tấn công lực lượng Hamas ở Rafah, nơi ẩn náu cuối cùng của người Palestine ở miền Nam Gaza, sau khi cho phép dân thường rời khỏi khu vực này. "Chúng tôi sẽ chiến đấu cho đến khi giành chiến thắng hoàn toàn và điều này bao gồm cả hành động mạnh mẽ ở Rafah, sau khi chúng tôi cho phép dân thường rời khỏi khu vực chiến sự", ông Benjamin Netanyahu thông báo trên Telegram.

Tuyên bố của nhà lãnh đạo Israel đã vấp phải phản ứng của nhiều quốc gia, nhất là sau khi Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) cảnh báo kế hoạch của Israel tiến quân vào thành phố Rafah có thể gây ra tác động nghiêm trọng. Theo đó, người phụ trách khu vực Trung Đông của ICRC, ông Fabrizio Carboni nhấn mạnh tình trạng thù địch gia tăng và kéo dài ơ Rafah, nơi hơn 1,4 triệu người Palestine đang mắc kẹt, sẽ đặt ra "nguy cơ lớn đối với cuộc sống dân sự và cơ sở hạ tầng".

Bà Alice Wairimu Nderitu, cố vấn đặc biệt của Liên hợp quốc về ngăn chặn nạn diệt chủng, cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về "hậu quả thảm khốc" tiềm ẩn đối với dân thường ở Rafah nếu Israel thực hiện kế hoạch tấn công tại đây. Theo Bộ Y tế Palestine, cuộc tấn công quân sự của Israel ở Gaza đã khiến ít nhất 28.500 người Palestine thiệt mạng, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Hầu hết các bệnh viện ở Gaza đã đóng cửa, một số trong đó bị ảnh hưởng trực tiếp do pháo kích hoặc đột kích, những bệnh viện vẫn còn hoạt động đang chịu áp lực ngày càng tăng khi quân đội Israel tiến gần hơn.

Trong ngày 15/2, các nhà lãnh đạo Canada, Australia và New Zealand đồng loạt kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức ở Gaza. Trong một tuyên bố chung, Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon và Thủ tướng Canada Justin Trudeau bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về việc Israel lên kế hoạch mở cuộc tấn công vào Rafah và khẳng định một cuộc tấn công vào Rafah sẽ gây ra thảm họa, đồng thời kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel cũng đã kiên quyết phản đối kế hoạch tấn công quân sự ở Rafah, cho rằng điều này sẽ chỉ dẫn đến một thảm họa nhân đạo mới, trong đó có cả việc buộc người dân phải di dời. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez và người đồng cấp Ireland Leo Varadkar trong một bức thư gửi hôm 15/2 cũng đã đề nghị Ủy ban châu Âu khẩn trương đánh giá xem Israel có tuân thủ các nghĩa vụ nhân quyền ở Gaza theo một hiệp định liên kết các quyền với quan hệ thương mại hay không. Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cũng cảnh báo nguy cơ thảm họa từ cuộc tấn công vào thành phố Rafah.

"1,3 triệu người đang chờ đợi ở đó trong một khu vực rất nhỏ. Họ thực sự không còn nơi nào khác để đi ngay lúc này. Nếu quân đội Israel tiến hành một cuộc tấn công vào Rafah trong những điều kiện này thì đây sẽ là một thảm họa nhân đạo", bà Baerbock chia sẻ.

Trong một diễn biến có liên quan, Liên đoàn Arab (AL) ngày 14/2 đã kêu gọi chuẩn bị kế hoạch ứng phó khẩn cấp nhằm giải quyết những hậu quả tiêu cực về kinh tế và xã hội do xung đột tại Dải Gaza, đặc biệt là các cuộc tấn công gần đây của Israel. AL nhấn mạnh những nỗ lực của Hội đồng các Bộ trưởng Y tế và Xã hội các quốc gia Arab trong việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp cho người Palestine, với sự cộng tác cùng Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Ai Cập. Còn với chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, những nỗ lực thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza vẫn đang thực thi, tuy nhiên theo Reuters, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns đã kết thúc các cuộc đàm phán với các quan chức hàng đầu Trung Đông ở Ai Cập nhưng không đạt bước tiến lớn nào hướng đến một thỏa thuận. Triển vọng về một lệnh ngừng bắn dài lâu trên Dải Gaza vẫn còn quá xa vời.

An Nhiên
.
.
.