Vừa rót thêm viện trợ cho Ukraine, Mỹ vội gợi ý cách chấm dứt xung đột
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden ngày 6/9 (giờ địa phương) tuyên bố phân bổ gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine trị giá 250 triệu USD.
"Hôm nay, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố khoản viện trợ an ninh bổ sung để đáp ứng các nhu cầu an ninh và quốc phòng quan trọng của Ukraine", tuyên bố của Lầu Năm Góc cho biết.
Gói viện trợ này "ước tính có giá trị 250 triệu USD", bao gồm tên lửa RIM-7 và hỗ trợ phòng không, đạn dược cho bệ phóng tên lửa nhiều nòng HIMARS, đạn pháo cỡ nòng 155 mm và 105 mm, Stinger MANPADS, Javelin và hệ thống chống thiết giáp AT-4, cũng như tên lửa TOW.
Gói viện trợ này cũng bao gồm xe chiến đấu bộ binh Bradley, xe bọc thép chở quân M113, xe chống phục kích chống mìn (MRAP), tàu tuần tra, đạn dược và lựu đạn vũ khí nhỏ, thiết bị nổ và phụ tùng thay thế.
Trong khi đó, trong một diễn biến có liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cùng ngày nhận định, cuộc xung đột ở Ukraine cuối cùng sẽ được giải quyết tại bàn đàm phán.
"Tôi nghĩ rằng cuối cùng cuộc xung đột này sẽ được giải quyết tại bàn đàm phán, nhưng khi nào thời điểm đó đến thì vẫn khó có thể dự đoán được", ông nói sau một cuộc họp của Nhóm tiếp xúc quốc phòng Ukraine (UDCG) tại căn cứ không quân Ramstein ở Đức.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc để đưa Ukraine vào vị thế tốt nhất có thể" cho các cuộc đàm phán hòa bình, ông cam kết.
Về phía Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin khi phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) từng bày tỏ rằng, Nga chưa bao giờ từ chối các cuộc đàm phán về Ukraine nhưng các cuộc đàm phán này nên dựa trên các thỏa thuận Istanbul thay vì một số "yêu cầu phù du".