Vì sao Nga đình chỉ hiệp ước New START với Mỹ?

Thứ Sáu, 03/03/2023, 05:49

Hôm 2/3 (giờ địa phương), tại Hội nghị Giải trừ quân bị của Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ), Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã nêu lý do khiến Moscow đình chỉ Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START) với Mỹ. 

Vì sao Nga đình chỉ hiệp ước START mới với Mỹ? -0
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov phát biểu tại Hội nghị Giải trừ quân bị của Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ). Ảnh: Bộ Ngoại giao Nga.

Theo Reuters, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nêu rõ, Moscow buộc phải đình chỉ tham gia New START vì nước này cho rằng Mỹ sử dụng hiệp ước để giúp Ukraine tấn công các địa điểm chiến lược của Nga.

Ông Ryabkov cho hay: "Tình hình càng xấu đi sau khi Mỹ nỗ lực thăm dò an ninh các cơ sở chiến lược của Nga theo New START bằng cách hỗ trợ Ukraine tiến hành các cuộc tấn công vũ trang nhằm vào những cơ sở này. Nga không có sự lựa chọn nào khác ngoài tạm ngừng hiệp ước".

Tuy nhiên, Thứ trưởng Ryabkov khẳng định rằng Nga sẽ tiếp tục tuân thủ giới hạn về vũ khí tấn công chiến lược do hiệp ước đặt ra và "nếu Mỹ không thử nghiệm hạt nhân, chúng tôi cũng sẽ không thử nghiệm".

Đặc biệt, ông Ryabkov cảnh báo, việc Mỹ và các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương tham gia ngày càng nhiều vào các đối đầu vũ trang có thể dẫn đến đụng độ quân sự trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân, và điều này đem lại hậu quả vô cùng thảm khốc.

Được biết, nhằm phản đối sự có mặt của đại diện Nga tại hội nghị, đại diện thường trực của Mỹ, Pháp và các nước phương Tây khác tại Liên hợp quốc ở Geneva, đã đứng bên ngoài phòng họp khi ông Ryabkov phát biểu.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 28/2 ký thông qua luật đình chỉ tham gia New START, thỏa thuận kiểm soát hạt nhân cuối cùng giữa Moscow và Washington, sau khi được Hạ viện và Thượng viện phê duyệt. Nga khẳng định sẽ không tham gia New START tới khi nào Mỹ lắng nghe lập trường của Moscow.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Nga và Mỹ đang sở hữu 90% số đầu đạn hạt nhân trên toàn thế giới. Nga có 5.977 đầu đạn vào thời điểm đầu năm 2022, trong đó hơn 1.600 có thể sẵn sàng được sử dụng. Mỹ biên chế 5.428 đầu đạn, với 1.750 chiếc sẵn sàng chiến đấu.

Kim Ngọc
.
.
.