Ukraine “chiếm sóng” Hội nghị Thượng đỉnh NATO
Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 11/7 đã khai mạc tại Thủ đô Vilnius của Litva. Hội nghị năm nay thu hút sự tham gia của khoảng 2.400 quan khách, trong đó có 40 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ thuộc 48 phái đoàn.
Tại sự kiện kéo dài hai ngày này, dự kiến, các nhà lãnh đạo của NATO sẽ tìm cách giải quyết một loạt vấn đề, từ chia rẽ về tư cách thành viên của Ukraine đến vướng mắc trong kết nạp Thụy Điển và các kế hoạch phòng thủ đầu tiên trong nhiều thập niên.
Những nội dung chính
Liên quan đến vấn đề Ukraine, tại hội nghị, các nhà lãnh đạo NATO dự kiến sẽ phê duyệt một “gói Ukraine”, bao gồm việc thành lập Hội đồng NATO - Ukraine (NUC), được coi là một “sự nâng cấp mối quan hệ” của Kiev với liên minh, cung cấp cho quốc gia này khả năng tiếp cận lớn hơn với các nguồn lực của NATO. Cuộc họp đầu tiên của loại hình này sẽ được tổ chức tại Vilnius, theo chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh.
Bên cạnh đó, NATO được cho là sẽ tiếp tục duy trì Gói hỗ trợ toàn diện (CAP), một quỹ mà các thành viên và đối tác của NATO đóng góp tự nguyện để tài trợ cho việc cung cấp viện trợ phi sát thương. Về xây dựng “liên minh F-16”, Hà Lan và Đan Mạch, dẫn đầu nhóm cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine, sẽ công bố những bước tiến trong việc tổ chức huấn luyện cho các phi công Ukraine cũng như chi tiết thêm về những quốc gia sẽ tham gia...
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo NATO sẽ thông qua các kế hoạch phòng thủ hoàn toàn mới của liên minh. Theo các kịch bản, NATO đặt mục tiêu tổ chức một lực lượng với 300.000 quân để ngăn chặn tốt hơn bất kỳ cuộc tấn công tiềm tàng nào - gấp hơn 7 lần so với 40.000 quân hiện có. Các thành viên NATO đã bắt đầu cam kết nhân sự và thiết bị, bao gồm 1.400 máy bay chiến đấu, 250 tàu chiến và tàu ngầm. Cùng với đó, NATO đang xem xét việc xác định một cam kết chi tiêu quốc phòng mới tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Vilnius khi một số thành viên đang nỗ lực để đạt được các mục tiêu hiện tại, trong khi số khác đặt câu hỏi về cách tính toán và liệu có nên tăng hay không.
Các thành viên NATO dự kiến sẽ cam kết chi tiêu tối thiểu 2% GDP của họ cho quốc phòng và tiếp tục tăng chi tiêu thậm chí vượt quá mức đó, với “cam kết lâu dài” thay vì phấn đấu hướng tới mục tiêu đó. Chỉ có Luxembourg sẽ được miễn đạt được mục tiêu này.
Là một phần trong tầm nhìn của NATO về phía Đông, các nhà lãnh đạo liên minh sẽ gặp những người đồng cấp từ Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc (AP4) tại Vilnius như một dấu hiệu của sự đoàn kết từ cả hai bên trước những thách thức mà họ cho là từ Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, khi nói đến việc mở một văn phòng liên lạc của NATO ở Nhật Bản, Pháp “không ủng hộ, đó là vấn đề nguyên tắc”, Điện Elysée nêu rõ và đã chặn sáng kiến này vào tuần trước. NATO và AP4 cũng đang soạn thảo Chương trình hợp tác (ITPP), có thể được thông qua trong hội nghị thượng đỉnh, để nâng cấp mối quan hệ về các vấn đề khác nhau.
Bên cạnh đó, trong nỗ lực đẩy mạnh sản xuất quốc phòng châu Âu, các nhà lãnh đạo NATO cũng sẽ thông qua một kế hoạch hành động “nhằm tổng hợp nhu cầu, nâng cao năng lực và tăng cường khả năng tương tác”, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết. Kế hoạch đề ra mục đích hợp tác về tiêu chuẩn hóa và khả năng tương tác giữa các trang thiết bị.
Về tư cách thành viên của Thụy Điển, trong một nỗ lực mới nhất, Tổng Thư ký Jens Stoltenberg được cho là sẽ làm trung gian hòa giải giữa Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù người đứng đầu NATO cho biết có thể đạt được một thỏa thuận chính trị để Stockholm gia nhập liên minh quân sự trước thềm hội nghị nhưng các nhà ngoại giao NATO nói rằng không có đủ thời gian để hoàn tất quá trình này. Thay vào đó, những hy vọng hiện đang hướng tới một tín hiệu chính trị từ Ankara rằng tất cả các phản đối của họ đã được dỡ bỏ và Thụy Điển sẽ có thể nhanh chóng tiếp tục quy trình sau kỳ nghỉ hè. Họ cũng kỳ vọng Hungary sẽ hành động theo sau Thổ Nhĩ Kỳ.
Và những vấn đề gây chia rẽ
Hội nghị Thượng đỉnh lần này của NATO là sự kiện nhằm thể hiện sự thống nhất cũng như sức mạnh của liên minh và nhìn bề ngoài, sự gắn kết của NATO có vẻ mạnh mẽ. Tất cả các thành viên đều lên tiếng ủng hộ Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga và đồng ý rằng Kiev cuối cùng sẽ gia nhập liên minh. Họ cũng nhất trí về các kế hoạch của NATO nhằm xây dựng lại các cấu trúc quân sự đã bị suy yếu sau Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, đằng sau những vấn đề đó, những tranh cãi nội bộ có nguy cơ khiến hội nghị trở nên căng thẳng.
Hiện, Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary vẫn chưa chấp thuận đơn gia nhập NATO của Thụy Điển, khiến các đồng minh khác khó chịu. Canada và nhiều thành viên châu Âu vẫn chi tiêu cho quốc phòng ít hơn nhiều so với cam kết 9 năm trước và hiện nay áp lực tăng mức chi GDP cho quốc phòng đang gia tăng. Ngay cả việc lựa chọn tên được sử dụng để chỉ định hai tuyến đường thủy cũng đã gây ra xung đột và trì hoãn việc phê duyệt các kế hoạch phòng thủ trên toàn liên minh mà tất cả các thành viên đều nhất trí..
NATO từ lâu đã phải vật lộn với những xung đột nội bộ, như Tổng Thư ký Jens Stoltenberg lưu ý gần đây. Sự khác biệt lớn nhất trong NATO hiện nay có lẽ là về vấn đề Ukraine. Kết luận của hội nghị thượng đỉnh thường niên của NATO, vốn được lên kế hoạch trong nhiều tháng, đang được đưa ra thảo luận trong bối cảnh tranh cãi về những gì sẽ cung cấp cho Ukraine, quốc gia không phải là thành viên. Vấn đề ở đây là NATO sẽ cam kết thế nào với Ukraine về tư cách thành viên của nước này. NATO vào năm 2008 đã cam kết với Ukraine cuối cùng sẽ gia nhập liên minh. Giờ đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thúc đẩy NATO cho phép nhanh chóng gia nhập.
Nhưng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bác bỏ những hy vọng của Kiev, nói rằng còn quá sớm để kêu gọi bỏ phiếu kết nạp Ukraine vào liên minh. Trước mắt, người đứng đầu Nhà Trắng đề nghị “đảm bảo an ninh” tương tự như những gì Mỹ cung cấp cho Israel, về khả năng tự vệ sau khi kết thúc giao tranh với Nga.