Triều Tiên muốn gửi thông điệp gì?

Chủ Nhật, 03/10/2021, 08:54

Liên tiếp thử tên lửa và từ chối đối thoại với Mỹ nhưng vẫn để ngỏ cơ hội thúc đẩy quan hệ liên Triều là những động thái mới nhất của Triều Tiên gần đây. Giới chuyên gia nhận định, Triều Tiên có thể đang tận dụng mong muốn có được “di sản ngoại giao” của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trước khi nhiệm kỳ kết thúc, để thúc đẩy quan hệ liên Triều, qua đó đạt lợi thế trên bàn đàm phán và nhượng bộ từ phía Mỹ.

Động thái khiến nhiều quốc gia lo ngại

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng, các hành động này của Triều Tiên nhằm gia tăng sự mất ổn định và an ninh trong khu vực. Đây là lần đầu tiên nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ bình luận trực tiếp về các vụ phóng tên lửa gần đây của Bình Nhưỡng. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Boo Seung Chan nhấn mạnh: “Hàn Quốc đang phân tích ý định các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Các vụ phóng tên lửa là đáng tiếc và diễn ra vào thời điểm chúng ta cần khẩn cấp ổn định tình hình trên bán đảo Triều Tiên”.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) hôm 1/10 tiến hành họp khẩn sau các vụ phóng tên lửa liên tiếp của Triều Tiên, nhưng không thể đưa ra tuyên bố chung sau khi cuộc họp kết thúc. Phiên họp được tiến hành theo yêu cầu của Mỹ, Pháp và Anh với mong muốn đưa ra thông cáo chung, song vấp phải sự phản đối từ Nga và Trung Quốc cho rằng cần có thêm thời gian để phân tích tình hình.

qt.jpg -0
Một vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên. Ảnh: Yonhap
Sau một thời gian yên ắng, các vụ thử tên lửa liên tiếp của Triều Tiên đang được giới quan sát phân tích và đánh giá. Trong khi từ chối đề nghị đối thoại và liên tiếp chỉ trích Mỹ nhưng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đề xuất sẵn sàng khôi phục các đường dây nóng liên Triều trong tháng này. Một số nhà phân tích cho rằng, cách tiếp cận mới nhất của Triều Tiên là khẳng định tiếp tục chương trình phát triển vũ khí của mình, trong khi tận dụng mong muốn của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có được một “di sản ngoại giao” trước khi nhiệm kỳ kết thúc vào giữa năm sau để thúc đẩy quan hệ liên Triều. Mục tiêu thứ nhất có thể là “tách hai đồng minh Mỹ và Hàn Quốc” bằng cách theo đuổi liên lạc với Hàn Quốc nhưng cắt đứt với Mỹ. Trong khi đó, cũng có khả năng Triều Tiên sẽ dựa vào Hàn Quốc, để gia tăng sức ép lên Mỹ, giảm bớt các lệnh trừng phạt và các nhượng bộ khác.

Hiện Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Ngay sau các vụ thử tên lửa liên tiếp từ phía Triều Tiên, hôm 1/10, quan chức quốc phòng cấp cao 3 bên đã có cuộc thảo luận, khẳng định phối hợp chặt chẽ trong cách thức phản ứng vấn đề này trong tương lai. Cùng ngày, Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong đã bác yêu cầu của Triều Tiên về việc Seoul và Washington phải từ bỏ “chính sách thù địch”, gọi đây là hành động “đơn phương”, đồng thời, nhắc lại rằng Hàn Quốc và Mỹ không có chính sách như vậy đối với Bình Nhưỡng.

Trả lời câu hỏi liệu Hàn Quốc và Mỹ có đáp ứng lời kêu gọi của Triều Tiên về việc từ bỏ cái mà Bình Nhưỡng gọi là chính sách thù địch và “tiêu chuẩn kép” hay không, Ngoại trưởng Chung Eui-yong nói: “Tôi đánh giá rằng tuyên bố của bà Kim Yo-jong (em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un) kêu gọi ngừng áp dụng các tiêu chuẩn kép là một yêu sách đơn phương của Triều Tiên, điều chúng tôi không mong chờ. Hàn Quốc và Mỹ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng chúng tôi không có bất kỳ chính sách thù địch nào đối với Triều Tiên”.

Trước đó cùng ngày, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, nước này vẫn cam kết hợp tác chặt chẽ với Mỹ để đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán, bao gồm cả hợp tác nhân đạo với Bình Nhưỡng. Về phía Mỹ, bất chấp việc Triều Tiên từ chối đối thoại, chính quyền của Tổng thống Joe Biden vẫn khẳng định sẵn sàng thảo luận “mọi vấn đề” với Bình Nhưỡng.

Hàng loạt các vũ khí hiện đại được Triều Tiên trình làng trong các đợt thử nghiệm gần đây, trong đó có vụ phóng thử đầu tiên tên lửa siêu thanh mới Hwasong-8. Đây là loại vũ khí tinh vi mà quân đội Mỹ và Nga cũng đang phát triển. Trong tuyên bố tại Khóa họp Đại hội đồng LHQ tuần trước, Đại sứ Triều Tiên tại LHQ Kim Song khẳng định, quyền phát triển chương trình vũ khí để phòng vệ của nước này: “Trên Trái đất này không có quốc gia nào liên tục phải đối mặt với đe dọa chiến tranh như Triều Tiên và cũng không có một dân tộc nào khát khao hòa bình như người dân Triều Tiên. Các biện pháp phòng vệ chiến tranh là quyền đúng đắn để bảo vệ bản thân và ngăn ngừa các hành vi chiến tranh”.

Những vấn đề cần lưu tâm

Theo trang mạng của Quỹ Carnegie, nhìn vào những diễn biến vừa qua và việc Triều Tiên công khai tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân, thể hiện rõ quyết tâm tiếp diễn chương trình tên lửa, đòi hỏi giới hoạch định chính sách Mỹ phải lưu tâm tới 3 vấn đề. Thứ nhất, dù các nghị quyết hiện có của Hội đồng Bảo an LHQ cấm Triều Tiên phát triển và thử nghiệm công nghệ tên lửa đạn đạo và vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD), Mỹ và các đồng minh nên đặt ra tiền lệ và diễn giải nghị quyết này theo hướng làm rõ rằng tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân cũng nằm trong các danh mục bị cấm. Thứ hai, chính quyền Tổng thống Joe Biden cần tiếp tục nỗ lực để giải quyết các thách thức xung quanh khả năng phát triển hạt nhân của Triều Tiên bằng con đường ngoại giao.

Trong khi Triều Tiên tiếp tục bác bỏ các động thái hướng đến các cuộc gặp mang tính thăm dò và vô điều kiện của chính quyền Tổng thống Joe Biden, Mỹ vẫn nên làm rõ những lựa chọn có thể đưa lên bàn đàm phán nếu Triều Tiên tuân theo những hạn chế có thể kiểm chứng được đối với việc phát triển và thử nghiệm các hệ thống tên lửa mới, bên cạnh các nhượng bộ khác từ Bình Nhưỡng. Thứ ba, việc Triều Tiên phiên chế tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân cho các lực lượng vũ trang sẽ đặt ra những thách thức mới cho các liên minh của Mỹ trong khu vực. Mỹ cần tham vấn Seoul và Tokyo về tác động từ các năng lực mới của Bình Nhưỡng để có sự chuẩn bị về mặt quân sự cho liên minh và kiểm soát tình hình trên bán đảo Triều Tiên.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.