Tổng thống Putin lần đầu lên tiếng về kế hoạch triển khai tên lửa của Mỹ ở Đức

Chủ Nhật, 28/07/2024, 21:19

Phát biểu tại cuộc diễu hành hải quân quy mô lớn nhân kỷ niệm Ngày Hải quân tại thành phố Saint Petersburg ngày 28/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng, động thái triển khai tên lửa từ phía Mỹ tại Đức có nguy cơ gây ra cuộc khủng hoảng tên lửa như thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Tổng thống Putin lần đầu lên tiếng về kế hoạch triển khai tên lửa của Mỹ ở Đức -0
Ông Putin cảnh báo đáp trả tương xứng việc Mỹ triển khai tên lửa tại Đức. Ảnh: Reuters

TASS dẫn lời ông Putin ngày 28/7 bình luận: "Tình hình hiện nay tương tự những diễn biến trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ triển khai tên lửa tầm xa Pershing đến châu Âu". Và ông Putin gọi thông báo của Washington và Berlin đưa ra hồi đầu tháng liên quan đến việc đặt hệ thống tên lửa chính xác tầm xa tại Đức vào năm 2026 là "đáng chú ý".

Ông Putin cho rằng Mỹ là phía gia tăng căng thẳng, khi trước đó đã triển khai ở Đan Mạch và Philippines các hệ thống Typhon, có khả năng phóng tên lửa hành trình Tomahawk và tên lửa phòng không SM-6.

Với thời gian bay đến các mục tiêu trên lãnh thổ Nga chỉ khoảng 10 phút, tất cả các mục tiêu quan trọng của Nga sẽ nằm trong tầm bắn của các tên lửa này, bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước và quân đội, các trung tâm hành chính - công nghiệp và cơ sở hạ tầng quốc phòng. 

Do đó, Tổng thống Putin tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp đáp trả tương xứng: "Nếu Mỹ thực hiện các kế hoạch như vậy, chúng tôi sẽ tự rút khỏi lệnh tạm dừng triển khai vũ khí tấn công tầm trung và tầm ngắn đã thông qua trước đó và sẽ thực hiện các bước để tăng cường năng lực của lực lượng ven biển thuộc hải quân của chúng tôi. Quá trình phát triển một số hệ thống tên lửa tương tự cũng đang trong giai đoạn cuối".

Trước đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hồi đầu tuần nêu điều kiện, rằng để ngăn chặn việc nước này cho phép Mỹ triển khai tên lửa tầm xa trên lãnh thổ, trước tiên Nga phải dừng chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Ông Scholz cho biết việc triển khai tên lửa của Mỹ trên lãnh thổ Đức sẽ có tác dụng răn đe, đảm bảo Đức không phải đối mặt với một cuộc tấn công tiềm tàng từ đối thủ. Mặc dù vậy, ông Scholz bác bỏ những lo ngại rằng kế hoạch nêu trên có thể dẫn đến leo thang căng thẳng với Nga.

Kim Khánh
.
.
.