Tổng thống Mỹ chiêu đãi người đồng cấp Pháp 200 con tôm hùm

Thứ Năm, 01/12/2022, 16:10

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tiếp đón trọng thị người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron trong chuyến thăm nhà nước đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia đến Mỹ kể từ khi ông chủ Nhà Trắng nhậm chức hồi đầu năm 2021.

Tổng thống Mỹ chiêu đãi người đồng cấp Pháp 200 con tôm hùm  -0
Tổng thống Mỹ-Pháp sau khi dùng bữa tại nhà hàng Italy có tên Fiola Mare ở Georgetown. Ảnh Reuters.

Trước thềm lễ đón chính thức cấp nhà nước diễn ra ngày 1/12 (giờ địa phương), ông Biden và đệ nhất phu nhân Jill đã tất bật lên phương án cho một lễ chào đón đầy màu sắc, một bữa tiệc chiêu đãi thịnh soạn với 200 con tôm hùm tươi được chuyển bằng đường hàng không từ Maine.

Tiệc chiêu đãi chính thức sẽ được tổ chức trên Bãi cỏ phía Nam của Nhà Trắng. Ngoài ra, bữa tối giữa hai vị Tổng thống sẽ bao gồm một số loại ẩm thực nổi tiếng nhất của Mỹ, trong đó có các loại pho mát từ Oregon, California và Wisconsin cũng như rượu nho Chardonnay từ Thung lũng Napa.

Hai nhà lãnh đạo sẽ có cuộc hội đàm, sau đó tiến hành họp báo chung. Ông Macron và đệ nhất phu nhân Pháp Brigitte đã đến Washington D.C từ hôm 29/11. Đây cũng là chuyến thăm cấp nhà nước thứ hai của ông đến Mỹ từ khi nhậm chức năm 2017.

Ông Biden và ông Macron từng gặp nhau nhiều lần trong các hội nghị, diễn đàn quốc tế, tuy nhiên, chuyến thăm lần này sẽ là quãng thời gian hai nguyên thủ tiếp xúc lâu nhất.

Hai Tổng thống đã cùng dùng bữa vào tối 30/11 tại một nhà hàng Italy có tên Fiola Mare ở Georgetown.

Ông Macron là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được dự tiệc chiêu đãi cấp nhà nước tại Nhà Trắng do ông Biden chủ trì, một dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của Paris đối với Washington bất chấp một số khác biệt hiện nay giữa hai bên.

Bên cạnh nỗ lực đưa quan hệ song phương trở lại quỹ đạo, ông Macron dự kiến ​​sẽ nêu lên những lo ngại của Pháp và châu Âu về các khoản trợ cấp trong Đạo luật giảm lạm phát (IRA) của Mỹ, một biện pháp trị giá 430 tỷ USD cung cấp các khoản trợ cấp lớn cho các sản phẩm do Mỹ sản xuất và nhằm giải quyết khủng hoảng khí hậu.

Các nhà lãnh đạo châu Âu cho rằng đạo luật này là không công bằng đối với các công ty không phải của Mỹ và sẽ là một đòn giáng nghiêm trọng đối với nền kinh tế của họ khi châu Âu đối phó với hậu quả từ cuộc chiến tại Ukraine.

Dù vậy, không có dấu hiệu nào cho thấy ông Biden sẵn sàng nhượng bộ về vấn đề này.

Duy Tiến (Theo Reuters)
.
.
.