Thổ Nhĩ Kỳ lý giải hành động đưa quân vào Iraq

Thứ Tư, 20/04/2022, 10:30

Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định chiến dịch quân sự do nước này phát động ở miền Bắc Iraq không nhằm chiếm đóng lãnh thổ quốc gia láng giềng mà chỉ nhằm bảo vệ an ninh biên giới.

Sputnik ngày 19/4 dẫn lời Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu khẳng định, Ankara không có ý định chiếm đóng lãnh thổ quốc gia láng giềng trong chiến dịch quân sự chống đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở miền Bắc Iraq, mà chỉ nhằm đảm bảo an ninh biên giới.

Thổ Nhĩ Kỳ giải thích lý do đưa quân sang Iraq -0
Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ lên trực thăng đi làm nhiệm vụ chống PKK. Ảnh: Screengrab
"Tại sao phía Iraq không lo ngại về những tên khủng bố thuộc PKK trên lãnh thổ của họ? Chúng tôi không xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của Iraq, đó không phải ý định của chúng tôi. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chống khủng bố để bảo vệ an ninh biên giới và an toàn cho cư dân", ông Cavusoglu nói.

Chiến dịch chống PKK ở miền Bắc Iraq của Thổ Nhĩ Kỳ mang tên "Chiến dịch Claw Lock". Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar ngày 18/3 nói rằng Ankara đã triển khai lực lượng đặc nhiệm cùng tiêm kích, trực thăng và UAV tấn công cứ điểm của PKK ở vùng Metina, Zap và Avashin-Basyan phía Bắc Iraq.

PKK là một trong những tổ chức chính trị và phong trào vũ trang của người Kurd nhằm đòi độc lập ở khu vực ngã ba biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Iraq-Syria. Giao tranh giữa PKK và Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu từ năm 1984, khiến hơn 40.000 người thiệt mạng.

Những năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ từng mở nhiều chiến dịch quân sự nhằm vào PKK ở miền Bắc Iraq, vốn là nơi nhóm này dùng để tiếp viện cho lực lượng nổi dậy ở miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara năm 2018 cũng phát động chiến dịch chống người Kurd trên lãnh thổ Syria.

Các nước phương Tây hiện không có phản ứng rõ ràng nào với chiến dịch của Ankara. Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) coi PKK là tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, họ hợp tác chặt chẽ cùng các nhóm dân quân người Kurd khác, vốn là nòng cốt của Lực lượng dân chủ Syria (SDF) ở Syria, trong cuộc chiến chống khủng bố.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Iraq ngày 19/4 thông báo triệu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ Ali Riza Guney để gửi công hàm phản đối và yêu cầu quốc gia láng giềng "chấm dứt hành động gây hấn và xâm phạm không thể chấp nhận được".

"Iraq phản đối và lên án chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở các vùng Matina, Al-Zab, Afashin và Basian miền Bắc đất nước. Chúng tôi coi đây là hành động xâm phạm chủ quyền, vi phạm luật pháp và các thỏa thuận quốc tế, cũng như gây hại tới hợp tác an ninh giữa hai nước", Bộ Ngoại giao Iraq nhấn mạnh.

Đáp lại chỉ trích của Ankara, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan sau đó tuyên bố, chiến dịch chống PKK cần được thực hiện tới chừng nào "chủ nghĩa khủng bố không còn là mối đe dọa với đất nước, khu vực và nhân loại".

Thái Hà
.
.
.